1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Phi công Việt Nam vụ máy bay rơi ở Tam Đảo: Con trai duy nhất của gia đình liệt sĩ

(Dân trí) - “Chú Thảo không phải nhập ngũ vì là con trai duy nhất trong gia đình có bố là liệt sĩ. Nhưng chú ấy đã viết đơn tình nguyện xin đi. Bây giờ gia đình chỉ mong sẽ sớm tìm được chú ấy”- ông Công Văn Mão, người anh con bác ruột của liệt sĩ Công Phương Thảo chia sẻ.


Ảnh kỷ niệm đoàn bay 358 tại Liên Xô (khóa 1967-1970). Liệt sĩ Công Phương Thảo ở hàng sau, thứ 6 từ trái sang (Ảnh do gia đình liệt sĩ Công Phương Thảo cung cấp).

Ảnh kỷ niệm đoàn bay 358 tại Liên Xô (khóa 1967-1970). Liệt sĩ Công Phương Thảo ở hàng sau, thứ 6 từ trái sang (Ảnh do gia đình liệt sĩ Công Phương Thảo cung cấp).

Thời gian qua, việc tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ là phi công Việt Nam Công Phương Thảo và phi công Liên Xô Yuri Poyakov bị tai nạn rơi máy bay ngày 30/4/1971 tại khu vực Tam Đảo (Ban chỉ đạo 515/QK1) thu hút sự quan tâm rất lớn của dư luận.

PV Dân trí đã tìm đến ngôi nhà của dòng họ Công Văn nằm sâu trong ngõ nhỏ làng Phú Gia, xã Phú Thượng (nay là phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội) để gặp gỡ ông Công Văn Mão - người anh con bác ruột của liệt sĩ Công Phương Thảo.

Viết đơn tình nguyện nhập ngũ

Hướng ánh mắt về phía từ đường của dòng họ, ông Mão nhớ lại, liệt sĩ Công Văn Tiết - bố đẻ liệt sĩ Công Phương Thảo - hy sinh năm 1950. 2 năm sau tới lượt mẹ anh Thảo cũng qua đời.

“Khi đó, chú Thảo mới được 4 tuổi. Gia đình chú ấy chẳng còn ai nên gia đình tôi nhận về nuôi dưỡng. Mẹ tôi nuôi 5 người con và nuôi luôn cả cháu ruột” - ông Mão chia sẻ.

Cũng theo ông Mão, khoảng thời gian cuối năm 1965, chàng thanh niên Công Phương Thảo ở độ tuổi 17 đã vào làm việc ở Nhà máy bóng đèn Rạng Đông. Không lâu sau thì xin nghỉ làm để lên đường nhập ngũ. Sau khi đáp ứng đủ tiêu chuẩn về sức khỏe, Công Phương Thảo được chọn làm phi công.

Ông Công Văn Mão (phải) chia sẻ câu chuyện về liệt sĩ phi công Công Phương Thảo với PV Dân trí.
Ông Công Văn Mão (phải) chia sẻ câu chuyện về liệt sĩ phi công Công Phương Thảo với PV Dân trí.

“Thời đó, chú Thảo không phải nhập ngũ vì là con trai duy nhất của gia đình có bố là liệt sĩ. Nhưng chú ấy đã viết đơn tình nguyện xin đi”. Vừa nói ông Mão vừa cho chúng tôi xem những kỉ vật liên quan đến liệt sĩ Công Phương Thảo mà gia đình còn lưu giữ. Một tấm bằng Tổ quốc ghi công; một giấy khen Huân chương Kháng chiến hạng Ba được Hội đồng Nhà nước trao tặng và hình ảnh chàng phi công Công Phương Thảo chụp chung với đồng đội mình khi tốt nghiệp Khóa huấn luyện Đoàn 25 - Phi công MIG-21 tại Liên Xô năm 1970.

Theo ông Mão, cuối năm 1970, anh Công Phương Thảo trở về nước, được phân công ở đơn vị phi công tiêm kích MIG-21 - Trung đoàn Không quân 921. Đến tháng 4/1971, khi chiếc UMID-21 đang bay huấn luyện trên vùng trời Tam Đảo (Vĩnh Phúc) thì mất liên lạc. Đơn vị xác định, phi công Công Phương Thảo cùng chuyên gia Liên Xô Yuri Poyakov gặp nạn.

"Mong sớm tìm được chú ấy"

Ông Mão kể, từ cuối năm 1971, gia đình ông đã nhiều lần lên gặp Quân chủng Phòng không - Không quân 921 để hỏi thông tin về liệt sĩ Công Phương Thảo nhưng đơn vị chỉ thông báo “đã tìm kiếm nhiều lần nhưng chưa phát hiện ra vị trí máy bay gặp nạn”.

Vì vậy, mọi người trong gia đình ông Mão chỉ biết động viên, an ủi nhau rằng, đất nước còn chiến tranh khốc liệt, rồi lại trải qua giai đoạn nghèo khó, giữa bạt ngàn núi rừng như vậy thì con người cũng chỉ nhỏ bé như hạt cát, việc tìm kiếm vô cùng khó khăn, gian khổ.

Hội đồng Nhà Nước trao tặng Huân chương Kháng chiến Hạng ba cho liệt sĩ Công Phương Thảo.
Hội đồng Nhà Nước trao tặng Huân chương Kháng chiến Hạng ba cho liệt sĩ Công Phương Thảo.

“Là người nuôi dưỡng chú Thảo từ năm 4 tuổi đến khi trưởng thành, mẹ tôi luôn coi chú Thảo như con ruột của mình. Từ lâu bà đã mong ước sẽ tìm được hài cốt chú ấy để đưa về yên nghỉ ở quê hương. Bà mất hơn 2 năm rồi, bây giờ gia đình chúng tôi chỉ mong việc đó sẽ sớm thành hiện thực” - ông Mão ngậm ngùi chia sẻ.

Cũng theo ông Mão, từ khi chiến dịch tìm kiếm hài cốt liệt sĩ Công Phương Thảo cùng chuyên gia Liên Xô Yuri Poyakov được tổ chức, Ban chỉ huy quân sự tỉnh Thái Nguyên đều thông báo tiến độ công việc, vị trí tìm kiếm để gia đình ông nắm được.

“Mấy ngày vừa qua, gia đình tôi thường xuyên theo dõi thông tin trên báo đài. Trước khi tìm kiếm, các lãnh đạo chủ chốt của đoàn đã trực tiếp về đây để thắp hương lên ban thờ tổ tiên dòng họ Công Văn, cùng cha mẹ liệt sĩ Công Phương Thảo. Tất cả đều mong sẽ sớm tìm được chú ấy”- ông Mão mong mỏi.

Được biết, hồi tháng 7 vừa qua, cô Anna Poyarkova (cháu gái phi công Yuri Poyarkov) cũng gửi thư ngỏ mong tới Việt Nam thăm nơi mà ông mình hy sinh. Hiện vợ và con gái của phi công Yuri Poyarkov còn sống và rất quan tâm về thông tin cũng như kết quả tìm kiếm.

Liệt sĩ Công Phương Thảo (SN 1949, trú tại phường Phú Thượng, quận Tây Hồ, Hà Nội) nhập ngũ năm 1965. Năm 1967-1970 là học viên bay Trường Không quân Liên Xô; năm 1970-1971, phi công tiêm kích MIG-21 - Trung đoàn Không quân 921. Ngày 30/4/1971, phi công Công Phương Thảo đã hi sinh trong chuyến bay huấn luyện ở vùng trời Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc.

Chiều ngày 1/10, tại cuộc họp tổ chức ở Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Thái Nguyên, Đại tá Nguyễn Văn Hòa - Viện trưởng Viện Pháp y quân đội khẳng định, không tìm thấy cấu trúc xương nghi là hài cốt hai phi công.

Tuy nhiên, một đại diện Quân chủng Phòng không Không quân nhận định, những di vật vừa được tìm thấy rất trùng khớp với các thông số của chủng loại máy bay MIG-21. Từ đó, lực lượng tìm kiếm sẽ khoanh vùng xác định đánh giá để tìm kiếm hài cốt của hai phi công.

Nguyễn Trường - Thế Kha