1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV
  4. TPHCM vào mùa mưa

"Hành trình" lừa đảo của Trưởng phòng bảo hiểm Bảo Minh

(Dân trí) - Bằng thủ đoạn lừa đảo nhận tiền mua cổ phiếu giá rẻ của Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam, Ngân hàng TMCP Phương Nam và Ngân hàng TMCP nhà Hà Nội, <a href=" http://www2.dantri.com.vn/Sukien/2006/3/108960.vip"> một trưởng phòng của Công ty Bảo hiểm Bảo Minh </a>đã lừa đảo của nhiều người tổng số tiền lên đến 34 tỷ 513 triệu đồng.

Hành trình phạm tội của nữ quái này khiến không ít người phải giật mình.

Mua đắt bán rẻ cổ phiếu để chiếm đoạt tiền

Theo tài liệu điều tra của công an TP Hà Nội, Lý Thị Trúc Quỳnh (Lý Quỳnh - SN 1978), Trưởng phòng khu vực 9 - Công ty cổ phần bảo hiểm Bảo Minh, đã thực hiện hàng loạt trò lừa đảo bằng thủ đoạn hết sức tinh vi.

Lợi dụng việc Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank-VCB) chuẩn bị phát hành trái phiếu tăng vốn để sắp tới cổ phần hoá, Lý Quỳnh đã tung tin với nhiều người là mình đang có nguồn mua 12 tỷ đồng mệnh giá trái phiếu VCB với giá hấp dẫn (bằng 80-85% mệnh giá trái phiếu). Lý Quỳnh lừa đảo rằng, đây là trái phiếu của cán bộ trong ngành Ngân hàng nên được mua với giá ưu đãi, nếu có nhu cầu mua thì phải chuyển tiền ngay cho thị để thanh toán cho người bán.

Sau khi tung tin hấp dẫn như trên, Lý Quỳnh đã thông qua chị Lê Thị Trúc Quỳnh (Lê Quỳnh) và anh Nguyễn Anh Dũng (cán bộ Công ty CP Chuyển phát nhanh bưu điện Hà Nội) thu tiền của 8 người khác có nhu cầu mua trái phiếu VCB với số tiền 9 tỷ, 88 triệu đồng.

Theo quảng cáo của Lý Quỳnh, số tiền 9 tỷ 88 triệu đồng trên là để mua trái phiếu VCB có mệnh giá 9 tỷ 706 triệu đồng (bằng 80-85% mệnh giá trái phiếu)! Tuy nhiên, thực tế trên thị trường lúc này mệnh giá trái phiếu của VCB là 150%.

Đến giữa tháng 1/2006, nhiều khách hàng đã đến nhà thúc ép đòi trái phiếu, Lý Quỳnh đành phải mua trên thị trường tự do 1,3 tỷ mệnh giá trái phiếu VCB với giá bằng 150% mệnh giá, để trả cho khách hàng.

Tại cơ quan điều tra, Lý Quỳnh khai thực tế không hề có nguồn trái phiếu VCB với giá ưu đãi nào, mục đích của thị là lừa đảo để lấy tiền trả nợ cá nhân. Theo tài liệu điều tra, đến nay Lý Quỳnh đã lừa đảo chiếm đoạt số tiền 7 tỷ 788 triệu đồng của chị Lê Quỳnh, anh Dũng và 8 người khác.

Ngoài việc tung tin bán cổ phiếu giá rẻ của VCB, Lý Quỳnh lại tiếp tục chiêu lừa ngoạn mục này đối với cổ phiều của 2 ngân hàng cổ phần khác là Ngân hàng TMCP Phương Nam (PNB) và Ngân hàng TMCP nhà Hà Nội (Habubank-HBB).

Lý Quỳnh đã thông báo với chị Lê Quỳnh rằng, thị có lô cổ phiếu của PNB mệnh giá 11 tỷ đồng đang bán với giá 1.0 (bằng 11 tỷ đồng). Trên thực tế, vào thời điểm này giá cổ phiếu PNB ngoài thị trường đang từ 1.73 đến 2.0. Lý Quỳnh yêu cầu chị Lê Quỳnh nếu muốn mua phải chuyển ngay cho thị số tiền 12,1 tỷ đồng (gồm tiền mua cổ phiếu và tiền đặt cọc 10%). Bằng thủ đoạn này, Lý Quỳnh đã thu tiền của 15 người với tổng số tiền là 13 tỷ 516 triệu đồng trong thời gian từ ngày 16/12/2005 đến 17/1/2006.

Để tạo lòng tin cho mọi người, Lý Quỳnh đã mua ở thị trường tự do 2,6 tỷ đồng mệnh giá cổ phiếu PNB với giá rất cao (từ 2,55 đến 3,0 so với mệnh giá) tương đương với số tiền là 9 tỷ 55 triệu đồng để giao cho khách hàng (với giá bán là 1.0). Còn lại số tiền 4 tỷ 461 triệu đồng Lý Quỳnh đã sử dụng vào việc trả nợ cá nhân.

Tại cơ quan điều tra, Lý Quỳnh khai nhận việc ký kết hợp đồng mua lô cổ phiếu PNB có mệnh giá 11 tỷ đồng nói trên chỉ là cái cớ tạo niềm tin để chiếm đoạt số tiền 4 tỷ 461 triệu đồng của 15 người. Ngay trong số cổ phiếu PNB có mệnh giá 2,8 tỷ đồng đã giao cho khách hàng, thị còn nợ người bán số tiền 1 tỷ 350 triệu đồng.

Trong khi các việc trên chưa giải quyết xong, đến giữa tháng 1/2006, Lý Quỳnh lại thông báo với mọi người là bản thân có lô cổ phiếu mệnh giá 5 tỷ đồng của Ngân hàng TMCP nhà Hà Nội (Habubank-HBB) bán với giá 2.0 (trên thị trường là 2.5). Ngay sau đó Lý Quỳnh đã thu tiền 2 tỷ 540 triệu đồng của 6 người có nhu cầu mua cổ phiếu HBB. Thị thừa nhận trước cơ quan điều tra là không hề có cổ phiếu HBB nhưng vì cần tiền nên vẫn tung tin như vậy để chiếm đoạt số tiền 2 tỷ 540 triệu đồng.

2 tỷ đồng mua đồ trưng diện cá nhân!

Với phương án kinh doanh không có thực, vay tiền bằng lãi suất cao, bán hàng (thẻ Vinacard, Điện thoại di động) với giá thấp…những trò lừa đảo này của Lý Quỳnh đã khiến không ít người cả tin sập bẫy, lâm vào cảnh dở khóc dở cười. Lý Quỳnh đã lừa đảo của nhiều người và Ngân hàng với tổng số tiền là 34 tỷ 513 triệu 972 nghìn đồng.

Bằng những thủ đoạn tinh vi, Lý Quỳnh đã dùng tiền của người cho vay sau trả cho người cho vay trước với số tiền 17 tỷ 975 triệu đồng, đến nay còn chiếm đoạt số tiền gốc là 14 tỷ 724 triệu 972 nghìn đồng không có khả năng thanh toán.

Theo lời khai tại cơ quan điều tra, số tiền mà thị chiếm đoạt được sử dụng vào việc trưng diện cá nhân, mua sắm cho bản thân như quần áo, đồ trang sức, đồ trang điểm, giầy dép đắt tiền…đã lên đến 2 tỷ đồng!

Ngoài ra, Lý Quỳnh đã chi hàng trăm triệu đồng mua quà tặng cho mọi người để tạo lòng tin. Chỉ riêng trong dịp tết Bính Tuất, số tiền thị mua cây cảnh, đá phong thuỷ để tặng lên đến 245 triệu đồng. Còn riêng việc mua đắt bán rẻ điện thoại di động đã bị lỗ 6 tỷ đồng, thẻ Vinacard lỗ 5 tỷ đồng.

Với kiểu kinh doanh “mua đắt bán rẻ” ngược đời, cách huy động tiền bất chấp hậu quả, Lý Quỳnh đã hoàn toàn mất khả năng thanh toán số tiền gần 15 tỷ đồng nói trên. Ngày 28/3, Công an TP Hà Nội đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lý Quỳnh về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Vụ án “mua đắt bán rẻ” này đã hé lộ một thủ đoạn lừa đảo mới thông qua hình thức huy động tiền mua cổ phiếu ngân hàng. Mặc dù bước đầu gia đình Lý Quỳnh đã tự nguyện khắc phục hậu quả cho người bị hại và tài sản trị giá 5 tỷ đồng, song hậu quả của vụ án này sẽ hết sức nghiêm trọng nếu không được phát hiện, ngăn chặn kịp thời.

Trần Đức