1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hành trình đòi bồi thường oan: Đoạn trường ai có qua cầu mới hay!

Gần đây, báo chí liên tiếp đưa tin về nhiều các vụ án oan bị gây ra do sai lầm của các cơ quan tố tụng. Những vụ án oan được báo chí nêu hầu đều đã được xác định rõ oan sai và đã được các cơ quan nhà nước gây ra tổ chức xin lỗi, bồi thường. Tuy nhiên, việc đi đòi lại công lý đối với những người dân vô tội bị hàm oan là vô cùng gian nan, vất vả.

Hành trình đòi bồi thường oan: Đoạn trường ai có qua cầu mới hay!
Hai anh Thạch Sô Phách và Trần Hol là 2 trong 7 thanh niên ở Sóc Trăng được cơ quan CSĐT đình chỉ điều tra và kết luận không phạm tội giết người.

“Nhất nhật tại tù, thiên thu tại ngoại”, chẳng may vướng phải vòng lao lý, người dân bị oan sai sẽ bị mất rất nhiều: mất vật chất do mất công ăn việc làm hiện tại, mất tinh thần, sức khỏe do suy sụp vì bị ngồi tù; mất uy tín, danh dự vì bị mang tiếng oan với bà con, chòm xóm, với xã hội vì là một kẻ tội phạm; có khi mất cả gia đình, tan cửa nát nhà; có người còn mất cả mạng vì bị oan sai.

Để đi tìm công lý mà mình bị tước đoạt, người oan sai phải trải qua ba đoạn trường khốn khổ để có thể đòi lại công lý cho mình: Bị làm oan sai; chứng minh mình vô tội, nhận được quyết định của cơ quan chức năng xác nhận mình vô tội và hành trình đi đòi bồi thường thiệt hại.

Suy sụp, trầm cảm đến phát bệnh tâm thần vì bị oan

Những nỗi khổ đau của người bị làm oan trong hai vụ án oan chấn động thời gian qua là vụ ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) ngồi tù 10 năm về tội “giết người”, vụ 7 thanh niên ở Sóc Trăng bị bắt giam về tội giết người sau đó có hai cô gái tự thú là thủ phạm đã tốn rất nhiều giấy mực của báo chí, thiết tưởng không cần nêu lại ở đây. Nhưng có vụ mà người bị oan đã không thể chờ được đến ngày nhận được lời xin lỗi từ phía cơ quan nhà nước đã làm oan cho họ.

Đó là trường hợp ông Vũ Thanh Hải (nguyên trưởng phòng công chứng nhà nước số 3 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Bị khởi tố điều tra oan, ông đã suy sụp đến phát bệnh tâm thần rồi tự tử chết. Tuy nhiên, 10 năm sau, cơ quan tố tụng mới tổ chức xin lỗi ông và gia đình về vụ oan sai này.

Bà Hoàng Thị Vui (vợ ông Hải) cho biết những nỗi đau của gia đình phải chịu đựng trong suốt 10 năm đằng đẵng qua là không thể nào bù đắp nổi. “Chồng tôi tin tưởng cơ quan pháp luật sẽ không khởi tố vì việc rõ như ban ngày. Việc công chứng của anh ấy là đúng quy định của pháp luật. Thế nhưng niềm tin ấy bị dập tắt khi cơ quan Công an vẫn ra quyết định khởi tố đầy phi lý. Hai vợ chồng tôi sốc nặng! Anh ấy suy sụp, trầm cảm rồi sinh bệnh”, bà Vui kể lại.

“Lúc bệnh hay lúc tỉnh ông ấy cũng kêu la vì bị oan. Đêm hôm trước khi chồng tôi tự vẫn, ông ấy vẫn còn lảm nhảm nói: sao lại khởi tố oan? Tôi khuyên ông ấy giữ gìn sức khỏe để cùng đi kêu oan nhưng ông ấy vẫn tìm đến cái chết để giải thoát”, bà Vui nghẹn ngào chia sẻ.

Theo hồ sơ vụ việc, tháng 4-2004, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quyết định khởi tố bị can ông Vũ Thanh Hải để điều tra hành vi “thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” trong vụ án tranh chấp ngôi nhà số 60 đường Lê Hồng Phong, TP Vũng Tàu. Ông Hải - khi đó đang là trưởng phòng công chứng nhà nước số 3 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Cơ quan điều tra cáo buộc ông Hải thiếu trách nhiệm vì đã công chứng vào hợp đồng mua bán căn nhà số 60 trên của ông Nguyễn Văn Tuân (TP Vũng Tàu) giúp ông Tuân chiếm đoạt căn nhà này.

Buổi công khai xin lỗi gia đình ông Vũ Thanh Hải
Buổi công khai xin lỗi gia đình ông Vũ Thanh Hải

Tại buổi tổ chức xin lỗi công khai gia đình ông Hải mà VKSND, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức vào ngày 18-4-2014 (sau hơn 10 năm xảy ra vụ việc) bà Vui vợ ông Hải cho biết “niềm vui được minh oan” không trọn vẹn bởi chồng bà đã tự vẫn do không thể chịu nổi nỗi oan khi bị Công an cùng VKSND tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu khởi tố với tội danh thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng trong vụ án từ năm 2004.

Chờ lời xin lỗi… hàng chục năm trời

Chuyện bị oan sai là có thật, cơ quan nhà nước cũng đã thừa nhận, nhưng chẳng có ai chịu trách nhiệm hay bồi thường, xin lỗi ngay.

Những vụ việc oan sai, chủ thể gây ra đa phần chính là cơ quan điều tra, tố tụng nhà nước. Việc công dân oan sai có thể làm cho chủ thể này lên tiếng nhận trách nhiệm đã làm oan sai mình là vô cũng hy hữu, khó vô cùng. Khi bị bắt, bị kết tội, nếu không có tình thế đột biến xoay chuyển tình hình (chẳng hạn như có thủ phạm đứng ra nhận tội) thì nhưng người bị hàm oan khó có cơ hội chứng minh mình vô tội.

Những sai sót liên tục đó của các cơ quan có thẩm quyền đã đẩy những công dân vô tội phải ở tù oan, thương tích đầy mình, có trường hợp mang án oan cả chục năm trời. Tuy vậy, cả đến khi họ đã nhận được quyết định rằng mình đã bị làm oan, thì chặng đường còn lại, chặng đường đòi lại công lý cho mình để nhận được lời xin lỗi hay bồi thường từ cơ quan chức năng - cũng chông gai không kém.

Buổi công khai xin lỗi gia đình ông Vũ Thanh Hải
Ông Nguyễn Thanh Chấn và những giọt nước mắt khó quên trong ngày được trả tự do sau 10 năm ngồi tù.

Chưa tính tới việc bồi thường bao nhiêu tiền cho những mất mát người dân vô tội phải gánh chịu khi bị làm oan sai, việc cần kíp nhất, thiết thực nhất ngay khi phát hiện ra sự oan sai là xin lỗi người oan sai và minh oan ngay cho họ tại địa phương nơi họ sinh sống, để họ có thể trở lại cuộc sống đời thường được nhanh chóng nhất có thể thì việc làm này cũng là rất chậm trễ và máy móc.

Theo quy định hiện hành, việc xin lỗi được thực hiện sau khi hoàn tất việc thỏa thuận bồi thường giữa nhà nước và người bị oan. Tức là, khi người oan sai chấp nhận mức bồi thường thì việc xin lỗi mới được tiến hành. Trên thực tế, quá trình thương lượng để đi đến thống nhất số tiền bồi thường thường rất dài và trong thời gian ấy thì người bị oan tiếp tục gặp khó khăn khi quay trở về cuộc sống cũ vì chưa nhận được lời xin lỗi chính thức.

Rõ nhất là trường hợp công dân Phạm Đức Bình (58 tuổi, ở phường Minh Khai, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội). Ông Bình bị kết án oan tội Tham ô và sử dụng trái phép tài sản xã hội chủ nghĩa, nhưng ông đã phải chờ đợi 14 năm sau mới nhận được lời xin lỗi từ cơ quan chức năng. Còn rất nhiều những vụ án oan khác mà việc chờ đợi nhận được lời xin lỗi, minh oan chính thức từ những cơ quan có trách nhiệm là hết sức mệt mỏi đối với người bị oan.

Đề nghị bồi thường oan sai với cơ chế… xin cho

Lẽ thường ở đời, ai gây ra lỗi thì phải xin lỗi, nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường. Cách hành xử này không ai không hiểu. Trong các vụ án, nếu người gây lỗi xin lỗi, khắc phục hậu quả sớm thì đó còn được coi là một tình tiết để xem xét giảm nhẹ hình phạt. Tuy nhiên ở các vụ án oan mà chủ thể gây ra là cơ quan nhà nước thì hình như việc này không tính. Người bị làm oan còn bị “hành” tơi tả trong hành trình tìm kiếm lời… xin lỗi và bồi thường từ nhà nước.

Đơn cử, Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước quy định người yêu cầu bồi thường thiệt hại phải có đơn yêu cầu, phải cung cấp các giấy tờ, hồ sơ tài liệu liên quan đến vụ án khi được bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên ai cũng hiểu khi vướng lao tù, không một ai có đủ bình tĩnh để có thể “sưu tầm” đủ hết giấy tờ, tài liệu lưu trữ để chờ ngày minh oan, trong khi chính cơ quan nhà nước thì bắt buộc phải lưu trữ hết những tài liệu có liên quan đến vụ án rồi. Yêu cầu này là rất hành chính, máy móc và gây khó khăn cho người bị oan sai.

Mới nhất là trường hợp ông Nguyễn Thanh Chấn. Sau khi chính thức được trả lại tự do, về với gia đình sau 10 năm ngồi tù với bản án "giết người", những tưởng ông Chấn sẽ gặp nhiều thuận lợi khi cơ quan nhà nước đã công nhận mình sai, đã gây ra oan ức tày đình cho ông, họ sẽ sớm bù đắp những mất mát đó cho ông và gia đình.

Vợ chồng ông Nguyễn Thanh Chấn sau buổi làm việc với TAND Tối cao ngày 15-8-2014. Ảnh: ND
Vợ chồng ông Nguyễn Thanh Chấn sau buổi làm việc với TAND Tối cao ngày 15-8-2014. Ảnh: ND

Thực tế thì không phải vậy. Gần 1 năm sau ngày lộ diện bản án oan đối với ông Chấn, hành trình đòi công lý của ông vẫn chưa kết thúc, vẫn chưa có một lời xin lỗi chính thức nào được đưa ra. Ông vẫn phải đi lên đi xuống, vẫn phải… thuê luật sư để giúp đòi lại công bằng cho mình dù cơ quan nhà nước đã công nhận ông bị hàm oan.

Người ta vẫn chỉ thấy hình ảnh quen thuộc của người dân khi đến cơ quan công quyền để được giải quyết một thủ tục hành chính nào đấy, chứ không phải là việc giải quyết nhanh gọn để sớm bù đắp những mất mát, thiệt hại của người bị oan trong cả chục năm trời.

***

Theo đạo lý của người Việt Nam ta, người làm sai, làm oan phải chủ động xin lỗi, bồi thường nhằm khắc phục nhanh nhất những thiệt hại đã gây ra cho người bị làm oan, làm sai. Ở đây phía làm oan, làm sai là cơ quan công quyền thì càng phải thể hiện sự thiện chí ấy, bởi mọi quyền lực đều nằm trong tay anh. Có như thế nỗi đau anh gây cho người bị hàm oan mới có thể nhanh chóng được hóa giải, từ đó củng cố thêm lòng tin của người dân vào một chính quyền thực sự “của dân, do dân và vì dân” từ lời nói, khẩu hiệu đến những việc làm cụ thể.

Tuy nhiên, dường như những quy định về trình tự, thủ tục đòi bồi thường oan trong pháp luật hiện hành chưa đáp ứng được yêu cầu đó. Những thủ tục quy trình ấy có vẻ như vẫn đi theo một lối mòn… vô cảm khi dồn hết trách nhiệm đòi xin lỗi, bồi thường oan với đủ thứ giấy tờ đơn từ… lên đầu những người dân thấp cổ bé họng.  

Dư luận mong rằng những thủ tục chưa hợp lý cũng chẳng mấy hợp tình ấy phải sớm được soát xét lại một cách sâu rộng để sửa đổi trong thời gian tới. Nên chăng, việc xin lỗi, minh oan tại địa phương cho người bị oan sai cần tiến hành ngay khi có quyết định đình chỉ vụ án, quyết định xác nhận họ bị oan, để họ sớm tự tin tạo lập cuộc sống mới, tạo điều kiện thuận lợi cho người bị oan sai trở về cuộc sống bình thường.

Xin đừng để những người bị oan lại phải tiếp tục hành trình đầy gian khổ đòi công lý cho mình nữa!

Theo L.Thanh

PLTPHCM