1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hành trình “chạy trốn đại dịch” căng thẳng của nữ du học sinh Đức

(Dân trí) - Cảm thấy bất an trước tình hình dịch bệnh Covid-19 bùng phát tại Đức, nữ du học sinh quyết định bắt chuyến bay để hồi hương. “Ở Việt Nam, mình cảm thấy an toàn” - nữ du học sinh nói.

Hành trình “chạy trốn đại dịch” căng thẳng của nữ du học sinh Đức - 1

Khu cách ly tập trung trong Trường Quân sự Quân khu 7.

Trở về hay ở lại?

Sau nhiều ngày được cách ly tập trung ở Trường Quân sự Quân khu 7, thuộc phường Trung Mỹ Tây (quận 12, TPHCM), Hoàng Lương Mai Hương (SN 1992, quê Nha Trang) vẫn chưa thôi "ám ảnh" khi nhớ lại hành trình trở về Việt Nam tránh dịch Covid-19 đang bùng phát tại châu Âu.

Mai Hương hiện đang du học tại Đức, lớp đào tạo thạc sĩ, sống tại thành phố Duisburg cùng với 5 người bạn trong kí túc xá.

Hồi đầu tháng 3/2020, dịch bệnh Covid-19 bùng phát ở Đức, thành phố nơi Mai Hương đang sinh sống bỗng trở thành “tâm dịch”.

“Mình theo dõi từ hồi dịch bệnh xuất hiện ở Trung Quốc, rồi qua Hàn Quốc. Lúc đó mình không lo lắm. Khi bắt đầu bùng lên ở Ý, rồi đến Đức khiến mình cảm thấy bất an” - nữ du học sinh kể.

Rồi sau đó, lần lượt 5 người bạn cùng phòng với Mai Hương trở về nước, hoặc đi đến ở với người thân tại Đức, chỉ còn lại một mình cô.

Trong khi đó, Mai Hương chưa thể nói thạo tiếng Đức, cũng chưa quen với môi trường sinh sống bên này. Ở Đức, người nào có triệu chứng của bệnh cúm như ho, sốt… sẽ không uống thuốc mà bổ sung vitamin kết hợp với tập thể dục để tự khỏi bệnh.

Hành trình “chạy trốn đại dịch” căng thẳng của nữ du học sinh Đức - 2

Hình ảnh nữ du học sinh chụp lưu niệm khi ở nước Đức hồi tháng 10/2019 (Ảnh do nhân vật cung cấp).

“Người châu Á lo xa, còn người Đức cảm thấy bình thường trước dịch bệnh. Họ khá là tự tin vào y tế của nước mình và họ nghĩ họ khỏe, sẽ vượt qua được dịch bệnh.

Với mình thì đây là loại virus mới, mình không đủ tự tin có sức đề kháng như họ. Nếu bị cách ly bên này, mình không tự xoay sở được” - Mai Hương nói và cho biết, lúc đó cô bắt đầu cảm thấy lo lắng.

Ý nghĩ trở về Việt Nam xuất hiện trong cô. Mới đầu, khi nghe tin Mai Hương muốn trở về, chính người thân trong gia đình đã thuyết phục cô ở lại vì tin tưởng nền y tế ở đây.

Trước lời khuyên từ gia đình cùng nỗi lo có thể mang bệnh dịch về nhà, Mai Hương đã quyết định ở lại Đức. Nhưng bất ngờ, ngày 13/3, bố mẹ Mai Hương hối thúc cô về nước. 

2 ngày trước khi bay, Mai Hương đi mua bình xịt khuẩn, khăn giấy cùng những trang bị bảo vệ bản thân trên máy bay. Riêng khẩu trang thì không thể mua được.

“Tất cả khẩu trang ở Đức được ưu tiên cho y tế. Mình lên trường gặp 1 bạn nữ người Trung Quốc. Cô ấy cũng chỉ còn 1 chiếc khẩu trang duy nhất. Sau đó, cô ấy đã xin được 1 chiếc khẩu trang cho mình” - Mai Hương kể.

Thay đổi lộ trình ở phút chót

Khoảng 11h sáng 15/3, nữ du học sinh có mặt tại sân bay ở Đức, bắt đầu hành trình hồi hương giữa đại dịch.

Hành trình “chạy trốn đại dịch” căng thẳng của nữ du học sinh Đức - 3

Nữ du học sinh (thứ 2, bên trái) chụp hình cùng nhóm bạn tại Đức (Ảnh do nhân vật cung cấp).

Theo lộ trình dự kiến, cô sẽ bay từ Đức, quá cảnh tại Singapore sau đó bay thẳng về Việt Nam, xuống Cảng hàng không Quốc tế Tân Sơn Nhất (TPHCM).

Nhưng tại sân bay, khi trao đổi với một nam nhân viên ở quầy làm thủ tục, cô nhận được thông báo, hết ngày 15/3, mọi chuyến bay từ Singapore đến Việt Nam đều sẽ tạm dừng. Nếu tiếp tục bay đến Singapore, cô sợ sẽ mắc kẹt lại đó.

Nam nhân viên này hướng dẫn cô quay trở lại kí túc xá hoặc tìm gặp nhân viên khác để được tư vấn nếu vẫn muốn rời khỏi Đức.

“Cảm giác lúc đó rất hụt hẫng vì mình không chắc bay sang Singapore có kịp làm thủ tục để về Việt Nam không? Mình vừa lo lắng, vừa thất vọng, sợ không còn cơ hội để về nước” - du học sinh nhớ lại.

Sau đó Mai Hương tự trấn an bản thân, đi tìm sự giúp đỡ. Một nhân viên khác cho biết sẽ giúp được cô trở về Việt Nam nhưng lộ trình di chuyển của cô sẽ thay đổi. Theo đó Hương phải bay qua Amsterdam (Hà Lan), bay tiếp sang Bangkok (Thái Lan) rồi từ đây sẽ bay về TPHCM.

Chưa từng đi Amsterdam, sợ khi đến Hà Lan có thể gặp tình huống tương tự ở Đức hoặc Singapore,... bao nhiêu nỗi lo bủa vây nhưng Hương “phó mặc cho số phận”, tin tưởng vào lời tư vấn.

“Con bắt đầu di chuyển rồi nhé. Con sẽ bay qua Hà Lan, đến Thái Lan rồi về Việt Nam. Nếu điện thoại kết nối được mạng ở các sân bay kế tiếp, con sẽ nhắn tin” - Mai Hương nhắn về cho gia đình trước khi lên chuyến bay tới Amsterdam.

Bay đến Hà Lan, cô không bị kiểm tra sức khỏe. Sân bay rất đông người nhưng chỉ có một số ít người đeo khẩu trang.

Ngày 16/3, Mai Hương đáp chuyến bay xuống Bangkok. Khi nhập cảnh vào Thái Lan, cô được đo thân nhiệt và tiến hành khai báo y tế…

Trước khuyến cáo của chuyên gia y tế về nguy cơ lây nhiễm virus ở sân bay cùng những thủ tục kiểm tra sức khỏe tại Thái Lan khiến Mai Hương thấy yên tâm hơn.

Khi lên máy bay của hãng hàng không Thái, Mai Hương cùng các hành khách được tổ bay hướng dẫn ngồi cách xa nhau, yêu cầu hạn chế tiếp xúc và luôn luôn đeo khẩu trang.

“Cả tổ bay đều đeo khẩu trang. Trước khi lên máy bay, mọi người đều phải rửa tay bằng nước sát trùng. Những việc này chưa xuất hiện ở sân bay các nước châu Âu” - cô cho hay.

Cuối cùng, sau hơn 30 giờ đồng hồ di chuyển, "chạy dịch" đầy căng thẳng, nữ du học sinh đã đặt chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất vào lúc 19h ngày 16/3.

“Kết thúc hành trình về nước đầy gian khó, về đến Việt Nam mình thở phào nhẹ nhõm. Trong bối cảnh dịch bệnh, được trở về an toàn với quê hương là một điều may mắn” - Mai Hương chia sẻ.

Hành trình “chạy trốn đại dịch” căng thẳng của nữ du học sinh Đức - 4

Mai Hương cùng nhân viên y tế tại khu cách ly (Ảnh do nhân vật cung cấp).

“Ở Việt Nam, mình cảm thấy an toàn”

Mai Hương được tổ bay thông báo tất cả những người mới nhập cảnh sẽ phải cách ly tập trung trong 14 ngày. Tại sân bay Tân Sơn Nhất, nhân viên hải quan sẽ thu lại hộ chiếu và tờ khai y tế của tất cả mọi người.

Sau đó, cả đoàn ra lấy hành lý ký gửi và tập trung tại 1 chỗ, chờ lên xe ô tô đến khu cách ly. Trong lúc chờ lên xe, mọi người được nhận lại giấy tờ.

“Các anh chị ở sân bay đã có sẵn một danh sách. Những ai cùng trở về từ châu Âu được tập hợp lại để cùng đưa đi cách ly” - Mai Hương tiếp tục kể.

Tối muộn ngày 16/3, nữ du học sinh có mặt tại Trường Quân sự Quân khu 7. Sau khi được phổ biến về nội quy trong khu cách ly, cô được các chiến sĩ bộ đội phụ bê hành lý, chỉ dẫn về phòng.

Cô ở cùng 2 bạn nữ, 1 người vừa trở về từ Đức, người còn lại ở Anh. Ngay sau đó Mai Hương nhắn tin thông báo tin mừng cho gia đình.

Hành trình “chạy trốn đại dịch” căng thẳng của nữ du học sinh Đức - 5

Bữa cơm trong khu cách ly (Ảnh do nhân vật cung cấp).

Hàng ngày, trong khu cách ly, Mai Hương cũng như tất cả mọi người được kiểm tra sức khỏe, đo nhiệt độ 2 lần, được cấp phát 2 chiếc khẩu trang y tế để thay.

“Những ngày vừa qua, mình thấy dễ chịu khi sống và sinh hoạt tại đây. Mình thấy vui vì về được Việt Nam, cảm giác an toàn. Mấy anh, chị ở đây rất tốt, rất quan tâm mọi người. Họ còn hỏi có ai đang ăn chay không để làm riêng đồ chay. Nghe câu đó khiến mình cảm động vì họ đang lo cho tất cả mọi người đã rất vất vả, nhưng vẫn để ý đến những điều nhỏ nhặt nhất” - Mai Hương tâm sự.

Chia sẻ về hành động trở về Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh đang bùng phát kinh hoàng tại Đức và châu Âu, Mai Hương cho rằng “mình đã làm đúng”. Cô thấy yên tâm vì đã được ở gần gia đình.

“Khi trở về, mình cũng không muốn sẽ trở thành gánh nặng cho đất nước. Hiện tại sức khỏe của mình vẫn rất ổn. Nhưng nếu mắc bệnh ở đây, mình sẽ được đưa vào bệnh viện chữa trị, được chăm sóc tốt. Chuyến bay về nước vừa rồi của mình thật sự căng thẳng nhưng là một chuyến bay may mắn” - nữ du học sinh thổ lộ.

Nguyễn Trường