DNews

Hành trang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại cho TPHCM và Đông Nam Bộ

Q.Huy

(Dân trí) - Những di sản của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ còn mãi, là nguồn động lực lớn để đất nước, trong đó có TPHCM và vùng Đông Nam Bộ vượt qua bất kỳ khó khăn, thách thức nào.

Hành trang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại cho TPHCM và Đông Nam Bộ

Trong 13 năm giữ cương vị là lãnh đạo cao nhất của Đảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần vào TPHCM thăm và làm việc. Ngoài những chỉ đạo, định hướng trực tiếp cho Đảng bộ và chính quyền thành phố, Tổng Bí thư cũng thể hiện sự quan tâm đặc biệt tới đầu tàu kinh tế của cả nước với những chủ trương, định hướng lớn trong quá trình hoàn thiện thể chế, tháo gỡ những điểm nghẽn lớn về chính sách.

Dưới góc nhìn của một nhà nghiên cứu chính sách, khoa học xã hội, PGS.TS Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam), cho rằng, trong thành quả phát triển của TPHCM và vùng Đông Nam Bộ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những đóng góp, dấu ấn không thể phai mờ.

Hành trang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại cho TPHCM và Đông Nam Bộ - 1

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong chuyến thăm và làm việc tại TPHCM năm 2022 (Ảnh: Báo SGGP).

"Đặc biệt nhất trong những dấu ấn đó là việc Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 24 và Nghị quyết 31. Từ đó mở đường cho việc Quốc hội ban hành Nghị quyết 98 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM", PGS.TS Vũ Tuấn Hưng chia sẻ với phóng viên Dân trí.

Tình cảm đặc biệt với TPHCM

Nhìn lại sự nghiệp của vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, ông Vũ Tuấn Hưng nhìn nhận, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là nhà tri thức, được đào tạo bài bản, trưởng thành qua thực tiễn và là một trong những người có thời gian, vị trí công tác phong phú.

Hành trang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại cho TPHCM và Đông Nam Bộ - 2

PGS.TS Vũ Tuấn Hưng, Phó Viện trưởng Phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ (Ảnh: TTXVN).

"Tổng Bí thư có tư duy ở tầm chiến lược, toàn diện, nhưng cũng bám sát thực tiễn, mang tính khả thi cao dựa trên tình hình thực tế của từng vùng và cả nước. Trong đó có vùng Đông Nam Bộ và TPHCM", Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ nhìn nhận.

Vị chuyên gia xâu chuỗi lại, cả quá trình công tác của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với nhiều cương vị đều là những mốc tích lũy kinh nghiệm quý báu để lãnh đạo, chỉ đạo đất nước trong giai đoạn có ý nghĩa lịch sử quan trọng đặc biệt của dân tộc.

PGS.TS nhớ lại, vào ngày 29/1/2011, ngay sau khi kết thúc thành công Đại hội XI của Đảng, Tổng Bí thư, Chủ tịch Quốc hội về thăm Đảng bộ, chính quyền và nhân dân TPHCM. Trong đợt bùng phát dịch Covid-19 tại TPHCM và các tỉnh, thành phía nam, Tổng Bí thư cũng theo dõi sát sao thông tin hàng ngày và gửi lời thăm hỏi, chia sẻ với đồng bào.

Hành trang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại cho TPHCM và Đông Nam Bộ - 3

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong khu nhà kín của Công ty Cổ phần Việt Úc - Bạc Liêu ở xã Vĩnh Thịnh, huyện Hòa Bình, tỉnh Bạc Liêu, tháng 2/2017 (Ảnh: TTXVN).

Khi dịch Covid-19 từng bước được kiểm soát, ngày 23/9/2022, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến công tác vào TPHCM, trực tiếp chỉ đạo, động viên tinh thần Đảng bộ, chính quyền, nhân dân TPPHCM và vùng Đông Nam Bộ. Qua buổi làm việc này, ông đã lắng nghe, nắm bắt tình hình thực tiễn của TPHCM, các khó khăn, thách thức và điểm nghẽn trong phát triển.

"Qua những dấu ấn này, chúng ta có thể thấy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lúc sinh thời luôn dành những tình cảm, sự quan tâm đặc biệt tới TPHCM nói riêng và vùng Đông Nam Bộ nói chung. Điều này cũng mang đến những động lực, tiếp thêm sức mạnh to lớn để toàn khu vực vượt qua khó khăn, thách thức, hướng tới những thành tựu mới", PGS.TS Vũ Tuấn Hưng bày tỏ.

Phát triển xứng đáng kỳ vọng của Tổng Bí thư

Tại buổi làm việc cuối ở TPHCM, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã bày tỏ sự trăn trở về những thách thức địa phương phải đối mặt trong quãng thời gian tiếp theo. Trong đó có những ách tắc, điểm nghẽn về thể chế, kết cấu hạ tầng và nguồn nhân lực.

Chỉ sau đó khoảng một tháng, Tổng Bí thư đã quyết liệt thúc đẩy và ký ban hành Nghị quyết 24 vào ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Phó Viện trưởng phụ trách Viện Khoa học xã hội vùng Nam Bộ nhận định, đây là nền tảng chủ trương, đường lối tạo khung thể chế quan trọng để phát triển vùng Đông Nam Bộ và các địa phương trong vùng trong giai đoạn mới.

Hành trang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại cho TPHCM và Đông Nam Bộ - 4

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Văn Nên tại buổi làm việc năm 2022 (Ảnh: Báo SGGP).

Với tinh thần khẩn trương hoàn thiện chủ trương thúc đẩy phát triển TPHCM phù hợp hơn với bối cảnh mới, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cùng Bộ Chính trị đã đôn đốc việc hoàn thiện một bản nghị quyết riêng cho TPHCM. Đến ngày 30/12/2022, Tổng Bí thư đã ký ban hành Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TPHCM đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

"Nghị quyết là văn bản quan trọng, định hình sự phát triển cho thành phố với nhiều cơ chế, khơi gợi và thúc đẩy sự năng động, sáng tạo của thành phố mang tên Bác. Đây cũng là điều được ông gửi gắm tại buổi làm việc trực tiếp với TPHCM hồi tháng 9/2022", PGS.TS Vũ Tuấn Hưng nói thêm.

Những bản nghị quyết quan trọng của Bộ Chính trị nêu trên đã thể hiện rõ tinh thần khai thông, tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, chính sách để TPHCM đủ sức đương đầu với những khó khăn, thách thức cả bên ngoài lẫn nội tại. Từ đó, Nghị quyết 98 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM đã ra đời, hiện thực hóa những kỳ vọng này.

Hành trang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại cho TPHCM và Đông Nam Bộ - 5

Di ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được đặt ở vị trí trang trọng tại chùa Vĩnh Nghiêm, TPHCM (Ảnh: Nam Anh)

"Sau khoảng 2 năm thực hiện Nghị quyết 24, Nghị quyết 31 của Bộ Chính trị và hơn một năm triển khai Nghị quyết 98 của Quốc hội, vùng Đông Nam Bộ và TPHCM đã có nhiều tín hiệu khởi sắc. Thành phố có sự chủ động nhiều hơn về quản trị, công tác cán bộ, đầu tư cơ sở hạ tầng và phân phối thu nhập. Tất cả yếu tố trên tổng hòa thành một khí thế mới với đại đô thị lớn nhất ở phía nam của tổ quốc", vị chuyên gia nêu góc nhìn.

PGS.TS Vũ Tuấn Hưng bày tỏ, sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là mất mát lớn, để lại niềm tiếc thương, nỗi buồn vô hạn đối với mỗi người dân Việt Nam và bè bạn quốc tế.

Dẫu vậy, những di sản, trăn trở, kỳ vọng, quyết sách của Tổng Bí thư để lại sẽ còn mãi, và chắc chắn trở thành nguồn động lực lớn để đất nước, trong đó có TPHCM và vùng Đông Nam Bộ vượt qua bất kỳ khó khăn, thách thức nào trong chặng đường dài tiếp theo.

"Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người có vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy, hoàn thiện thể chế, chính sách phát triển Đông Nam Bộ và TPHCM. Tôi tin tưởng rằng, đây sẽ là hành trang vững chắc để vùng đất phía nam của Tổ quốc tiếp tục phát triển đúng kỳ vọng của Tổng Bí thư từng mong đợi", ông Vũ Tuấn Hưng khẳng định.

Chiều 19/7, Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương cho hay, sau thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sỹ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từ trần lúc 13h38 ngày 19/7, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hưởng thọ 80 tuổi.

Tang lễ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức theo nghi thức Quốc tang, diễn ra trong hai ngày 25/7 và 26/7.

Linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được quàn tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội.

Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội, bắt đầu từ 7h đến 22h ngày 25/7 và từ 7h đến 13h ngày 26/7.

Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức lúc 13h ngày 26/7 tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội. Lễ an táng lúc 15h cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch, thành phố Hà Nội.