1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Tấm ảnh tình cờ và ấn tượng của đại biểu Công giáo TPHCM về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Q.Huy

(Dân trí) - Mặc dù chỉ giao tiếp với cố Tổng Bí thư trong khoảng thời gian ngắn ngủi, nhưng vị đại biểu Công giáo đến từ TPHCM đã ấn tượng mạnh bởi phong thái gần gũi, ân cần và không xa cách từ người.

Dù đọc thông báo của Bộ Chính trị về tình hình sức khỏe Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Đỗ Công Minh, Phó chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo TPHCM, Phó Ban Đoàn kết Công giáo quận Tân Bình (TPHCM), vẫn không khỏi bàng hoàng, xót xa khi biết tin vị Tổng Bí thư từ trần. Theo ông Minh, sự ra đi của Tổng Bí thư là sự mất mát lớn, để lại lòng tiếc thương vô hạn đối với nhân dân cả nước.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Phó chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo TPHCM kể lại về kỷ niệm đặc biệt và tấm ảnh tình cờ chụp chung với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Mặc dù chỉ giao tiếp với cố Tổng Bí thư trong khoảng thời gian ngắn ngủi, nhưng vị đại biểu Công giáo đến từ TPHCM đã ấn tượng mạnh bởi phong thái gần gũi, ân cần và không xa cách từ ông.

Đây cũng là những cảm nhận của một Chủ tịch Công đoàn trẻ tuổi được gặp gỡ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cách đây nhiều năm. Anh Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Công đoàn Tập đoàn Đại Dũng, bảy tỏ, anh không thể quên hình ảnh một vị lãnh đạo rất đỗi giản dị, gần gũi, cởi mở với những tình cảm, niềm tin sâu sắc dành cho các cán bộ Công đoàn và giai cấp công nhân.

Tấm hình chụp vội

"Lần gặp mặt đó là tháng 11 năm 2008, tôi thuộc Ủy ban Đoàn kết Công giáo TPHCM dự Đại hội đại biểu những người Công giáo Việt Nam xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bác Nguyễn Phú Trọng khi đó là Chủ tịch Quốc hội đại diện lãnh đạo Đảng, Nhà nước tới phát biểu chỉ đạo tại hội nghị", ông Đỗ Công Minh hồi tưởng.

Tấm ảnh tình cờ và ấn tượng của đại biểu Công giáo TPHCM về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - 1

Tấm ảnh chụp cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng của ông Đỗ Công Minh, Phó chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo TPHCM (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Sau lời phát biểu tại hội nghị, đại hội mời những ủy viên mới được bầu ra lên chụp hình trao hoa cùng cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (khi đó là Chủ tịch Quốc hội). Ông Nguyễn Công Minh vẫn nhớ, sau khi chụp hình, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới bắt tay lần lượt các đại biểu và hỏi thăm một số người.

"Khi đứng cạnh tôi, bác hỏi "chú từ đâu về thủ đô dự đại hội". Tôi trả lời "dạ, em từ TPHCM ra ạ". Kỷ niệm ấy tôi vẫn nhớ mãi", vị đại biểu Công giáo bày tỏ.

Ông Đỗ Công Minh cho biết, tấm hình đứng cạnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được một người bạn làm phóng viên vô tình chụp được. Thậm chí, ông Minh không biết người bạn bấm máy khi nào, tấm hình được chụp vội nên chất lượng không được tốt và hơi mờ.

Khi nhận hình ảnh, ông Đỗ Công Minh in ra, đóng khung trang trọng và treo tại phòng khách. Đây là niềm hãnh diện và kỷ niệm không phai của ông khi có dịp được gặp gỡ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Tấm ảnh tình cờ và ấn tượng của đại biểu Công giáo TPHCM về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - 2

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, hưởng thọ 80 tuổi (Ảnh: Tiến Tuấn).

Ông Đỗ Công Minh cũng chia sẻ về một kỷ niệm khác, tại kỳ đại hội ấy, ban tổ chức gửi lời chúc mừng Giáo sư Nguyễn Phú Trọng nhân ngày Nhà giáo Việt Nam.

Phó chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo TPHCM, kể lại, khi ấy, ông cảm thấy mình như một người học trò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người từng được phong hàm Giáo sư, từng phụ trách công tác tư tưởng của Đảng.

"Những lần theo dõi các phát biểu, hoạt động của bác sau này, tôi rất cảm mến sự gần gũi với nhân dân, phong thái và giọng nói từ tốn. Tôi nhớ mãi câu nói của bác 'tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu, danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất'", Phó chủ tịch Ủy ban Đoàn kết Công giáo TPHCM xúc động.

Lời dặn của Tổng Bí thư trở thành kim chỉ nam

Nằm trong số 90 Chủ tịch Công đoàn cơ sở tiêu biểu dự kỷ niệm 90 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam năm 2019, anh Nguyễn Văn Hùng, Chủ tịch Công đoàn Tập đoàn Đại Dũng, vẫn nhớ rõ về hình ảnh, giọng nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong dịp ấy.

"Khi đó, tôi là một trong 2 đại biểu trẻ tuổi nhất trong 90 đại biểu đã vinh dự được gặp Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Phủ Chủ tịch. Chúng tôi thực sự mong chờ cuộc gặp này và thật xúc động khi biết đây là đoàn đại biểu đầu tiên bác tiếp đón sau một thời gian dài điều trị bệnh", anh Nguyễn Văn Hùng xúc động.

Tấm ảnh tình cờ và ấn tượng của đại biểu Công giáo TPHCM về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - 3

Tấm ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chụp lưu niệm với 90 Chủ tịch Công đoàn cơ sở tiêu biểu năm 2019 (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Ấn tượng trong anh khi lần đầu tiên gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một vị lãnh đạo rất đỗi giản dị, gần gũi, cởi mở với những tình cảm, niềm tin sâu sắc dành cho các cán bộ Công đoàn và giai cấp công nhân Việt Nam trong các thời kỳ cách mạng, cũng như trong giai đoạn hiện nay.

Đến hiện tại, những lời dặn dò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trở thành kim chỉ nam cho anh Nguyễn Văn Hùng trong việc thực hiện trách nhiệm của cán bộ công đoàn cơ sở, thôi thúc anh không ngừng cố gắng, học hỏi để cùng đồng nghiệp thực hiện thắng lợi nhiệm vụ của tổ chức Công đoàn Việt Nam.

"Tôi nhớ rõ, Tổng Bí thư đã căn dặn các Chủ tịch Công đoàn cơ sở chúng tôi rằng Chủ tịch Công đoàn cơ sở cần am hiểu pháp luật, nắm vững các chế độ, chính sách đối với người lao động; có kỹ năng thương lượng, ký kết và tổ chức thực hiện thỏa ước lao động tập thể, chủ động tham gia xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp'", anh Nguyễn Văn Hùng chia sẻ.

Người Chủ tịch Công đoàn trẻ tuổi bày tỏ, anh là một người thường xuyên theo dõi tin tức, hoạt động của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Khi nhận tin người qua đời, tâm trạng của anh là vô cùng xúc động, tiếc thương, hụt hẫng và đau buồn như mất đi người thân yêu của mình, mất đi một nhà lãnh đạo lỗi lạc, trọn đời vì nước vì dân.

Những gì đọng lại trong anh là sự ấn tượng, cảm kích với những trăn trở, tâm huyết của cố Tổng Bí thư với sự nghiệp cách mạng của Đảng, dân tộc, sự quan tâm cho nhân dân, đất nước, nhất là cho tổ chức Công đoàn Việt Nam.

"Nhờ có Tổng Bí thư mà thế hệ trẻ chúng tôi được vun đắp, tiếp thêm niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, được truyền thêm động lực để cố gắng phấn đấu nhiều hơn nữa cả trong công việc và trong cuộc sống. Tổng Bí thư là tấm gương của việc lao động cống hiến, giản dị và khiêm tốn mà thế hệ trẻ cần phải học tập và làm theo", anh Nguyễn Văn Hùng chia sẻ.

Chủ tịch Công đoàn này cho biết, anh từng nghe qua nhiều bài phát biểu, nhiều cuộc nói chuyện của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong đó, câu nói "tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu, danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất" của Tổng Bí thư khiến anh ấn tượng và học thuộc lòng. Theo anh Hùng, không phải ai cũng có thể tự hào, tự tin nói ra được điều này.

TTXVN chiều 19/7 dẫn thông tin từ Hội đồng chuyên môn bảo vệ sức khỏe cán bộ Trung ương cho hay, sau thời gian lâm bệnh, mặc dù được Đảng, Nhà nước, tập thể các giáo sư, bác sỹ tận tình cứu chữa, gia đình hết lòng chăm sóc, nhưng do tuổi cao, bệnh nặng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã từ trần lúc 13h38 ngày 19/7, tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hưởng thọ 80 tuổi.

Tang lễ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức theo nghi thức Quốc tang, diễn ra trong hai ngày 25/7 và 26/7.

Linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được quàn tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội.

Lễ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội, bắt đầu từ 7h đến 22h ngày 25/7 và từ 7h đến 13h ngày 26/7.

Lễ truy điệu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được tổ chức lúc 13h ngày 26/7 tại Nhà tang lễ Quốc gia số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội. Lễ an táng lúc 15h cùng ngày tại Nghĩa trang Mai Dịch, thành phố Hà Nội.