“Hành quân xa” vì giá nhà đắt đỏ
(Dân trí) - Với các khoản chi tiêu trong giai đoạn “bão giá”, nhiều người đành “dạt” tìm nhà trọ ở các khu vực xa nội thành; và có một giải pháp khác: tìm nhà trọ theo đêm…
Ở nơi kia xa lắm
Tại khu vực quận Cầu Giấy (Hà Nội), giá nhà trọ sau tết đã tăng lên chóng mặt. Nhóm sinh viên trường ĐH Giao thông vận tải thuê nhà tại phố Dương Quảng Hàm được ba tháng đành phải chuyển chỗ ở vì mức giá tăng quấ cao. Hùng, sinh viên trường này cho biết, căn phòng 20m2 (có công trình phụ) cách đây ba tháng chủ nhà chỉ lấy 500.000đ, bây giờ giá đã tăng lên 900.000đ.
Khảo sát tại các dãy nhà trọ ở Hà Nội, hầu hết giá cả đều có biến động nhiều. Theo đó, mức tăng bình quân cũng vượt ngưỡng vài trăm nghìn đồng. Tuy nhiên, giá cả đắt đỏ nhưng không vì thế mà nhu cầu thuê nhà giảm đi. Chủ hộ Bùi Thị Thu (ngõ Quan Nhân) cho biết, đây là thời điểm học sinh ra Hà Nội ôn thi nên sức ép về chỗ ở là khá cao. Bên cạnh đó, việc xáo trộn chỗ ở thời điểm sau tết cũng làm cho nhu cầu thuê nhà “căng như dây đàn”, chị Thu cho biết.
Không thể chịu được mức giá tăng, nhiều sinh viên, và cả những người thu nhập thấp đành tìm đến giải pháp “thuê xa nhưng rẻ”. Nếu trước đây khu vực xã Minh Khai (huyện Từ Liêm) chỉ có người của địa phương thì bây giờ vùng quê này đã bắt đầu có nhà trọ. Với mức chi phí hợp lý, đã có sinh viên trường ĐH Sư Phạm, Quốc Gia, Giao Thông Vận tải, Công nghiệp… về “định cư” nơi đất mới.
Lê Quang Vinh, lớp cầu đường bộ (ĐH Giao thông vận tải) cho biết, từ khi chuyển nhà về Cầu Diễn, đoạn đường đi học đã xa them gấp đôi. “Thế nhưng cũng kinh tế hơn vì giá nhà ở khu vực ngoại thành thấp hơn rất nhiều khu vực gần trường”, Vinh cho biết. Theo Vinh, ngoài chuyện giá nhà tăng cao, thì các dịch vụ khác như điện, nước, chất đốt cũng biến động quá sức chịu đựng của họ.
Nếu trước đây sinh viên thường “ngại” tìm nhà ở khu Cầu Diễn, Đông Ngạc, Minh Khai… thì nay những vùng này đã trở thành điểm đến của người thu nhập thấp, đặc biệt là đối tượng sinh viên. Mặc dù điều kiện đi lại có khó khăn và xa hơn, nhưng đó cũng là một cách để người có thu nhập thấp cân bằng “ngân sách”, đảm bảo chi tiêu cho những tháng ngày dài.
Nhà trọ bốn nghìn
Tại khu vực Hoàng Cầu, cứ mỗi sáng, đoàn xe của những người cửu vạn lại túa ra mọi ngả. Trong căn nhà chừng 40m2 , nền gạch hoa lạnh băng nhưng chỉ có tấm chiếu manh được rải xuống. Bà Thìn, một công dân mua bán đồng nát đến từ Yên Mỹ (Hưng Yên) cho biết, cứ mỗi đêm nghỉ trọ, bà phải trả cho chủ nhà 4.000đ. “Chỉ là nơi ngả lưng, không điện, không nước nên mới có giá đó”, bà Thìn nói.
Để tận dụng hết không gian, gia chủ đã bố trí “lớp ghép”, theo đó, những gian gác xép được dựng tạm làm nơi ngủ của người lao động ít tiền. Mỗi căn nhà vài chục mét cũng chứa được mười người.
Ở khu vực chợ Long Biên, dịch vụ cho người lao động thuê nhà theo đêm cũng khá phát triển. Hầu hết lao động ở khu vực này đều làm công việc thủ công, gánh vác. Với thu nhập thấp hàng ngày, việc chi trả tiền như trên được người thuê cho là hợp lý. Ông Trần Hữu Lê cho biết, nếu nhóm người của ông thuê nhà riêng, ít nhất mỗi tháng cũng phải trả gần triệu bạc. Trong khi đó, với mỗi đêm ngủ như thế này, họ chỉ phải trả từ 3.000 - 5.000đ.
Tiền nào của nấy, điều kiện ăn ở từ những nhà trọ tính giá “qua đêm” cũng làm người có thu nhập ái ngại. Theo ông Lê, ở những nơi như thế, vào mùa hè thì nhà chủ cắt điện, nước sinh hoạt chủ yếu bằng giếng khoan và mọi thứ đều phải tự túc. An ninh thì không đảm bảo. “Nhiều người lạ cùng chung một phòng nên mất mát thường xuyên. Chủ nhà không chịu bồi thường đối với những tai nạn kiểu đó”, ông Lê ngán ngẩm.
Giá cả cũng tuỳ thuộc vào vị trí. Tại khu vực Cầu Giấy, Yên Hoà, Mỹ Đình… chi phí cho những đêm ngủ được tính từ 6-10 nghìn đồng.
Theo một chủ nhà trọ ở Yên Hoà, thông thường người thuê ngủ qua đêm là lao động chân tay, làm nghề nặng nhọc. Nhu cầu của họ là cần có nơi nghỉ ngơi khi đêm xuống. “Giá cả thuê nhà qua đêm như vậy là hợp lý với những người như thế”, chủ nhà này cho biết.
Trần Minh Tuấn