1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Hạnh phúc ngập tràn sau hai năm người đàn ông Mông lưu lạc

(Dân trí) - Ngoài “vua phượt” Vừ Già Pó, anh Ly Mí Na – thanh niên người Mông lưu lạc hai năm trên đất Trung Quốc đã được đoàn tụ trong hạnh phúc sau giấc mơ “đổi đời” phải đánh đổi bằng hành trình lưu lạc “lành ít dữ nhiều”.

Trưa 31/7, chuyến xe cuối cùng rời bến xe TP Hà Giang đưa Ly Mí Na cùng người thân trở lại nơi cao nguyên “đá xám” Mèo Vạc sau hai năm xa cách. Khi mọi người đến được xã Khâu Vai thì trời cũng đã tối hẳn. Trong căn nhà đơn sơ, trống trải bấy lâu của Na, hôm nay đã có rất nhiều họ hàng xa gần có mặt để chia vui. Gia đình chuẩn bị sẵn một bữa “cơm” bằng bột ngô non và thịt gà để đón người thân trở về sau bao năm viễn xứ.

Toàn cảnh thôn Lũng Lầu nhìn từ xa
Toàn cảnh thôn Lũng Lầu nhìn từ xa

Bốn người con của anh Na là Ly Thị Sua (sinh năm 2002), Ly Thị Cáy (sinh năm 2004), Ly Thị Pà (sinh năm 2008) Ly Mí Chứ (sinh năm 2010) đều có mặt đông đủ. Gặp lại cha, ba chị em ôm nhau khóc nức nở trong khi cháu bé Ly Mí Chứ thì tỏ ra ngơ ngác, chưa kịp hiểu chuyện gì. Ngày bố của Chứ rời quê nhà đi “tha phương”, Chứ mới được gần 3 tuổi.

Giây phút đoàn tụ trong nước mắt
Giây phút đoàn tụ trong nước mắt

Vào nhà, Ly Mí Na bước tới bàn thờ gia đình thắp một nén hương cho người con gái út mất lúc anh rời quê được vài ngày. Đó cũng là nén nhang thông báo với tổ tiên rằng con cháu được phù hộ và trở về an toàn.

Chị Sinh rơm rớm nước mắt: "Nhà nghèo nên vợ chồng tôi mới nghe lời người khác dụ dỗ sang Trung Quốc làm thuê. Không ngờ tiền chẳng thấy mà người cũng suýt chẳng còn. Hai năm qua, tôi không biết anh ấy sống chết ra sao nữa. Các con cũng lo lắng sẽ vĩnh viễn không bao giờ gặp lại cha mình nữa. Nếu chồng tôi không trở về, tôi và các con sống ra sao đây."

Theo chị Sinh, ngày anh lên đường, hai vợ chồng chị hứa hẹn sẽ chỉ đi làm trong vài tháng, bao giờ được trả tiền sẽ quay về. Trong thời gian này chị có thể chịu kham khổ, gánh vác việc gia đình thay chồng. Nhưng ngày chị nhận hung tin chồng mất tích từ Ly Mí Tử, người em chồng cùng vượt biên chị càng bồn chồn hơn.

Giây phút Ly Mí Na gặp lại các con
Giây phút Ly Mí Na gặp lại các con

Từ ngày Ly Mí Na đi biệt xứ, căn nhà đơn sơ càng trở nên tan hoang hơn, những đồ đạc trong nhà hầu như không có thứ gì giá trị. Dưới bếp chỉ có vài chiếc nồi đen xì, chiếc chạn để bát sau hai năm không người sửa sang cũng đã mục và sắp đổ.

“Có những đêm tôi không thể chợp mắt, tôi biết chồng mình chẳng có giấy tờ tùy thân, không biết ngôn ngữ Trung Quốc nên ngày về sẽ còn rất xa. Cái lo hơn nữa là cuộc sống gia đình đang đứng trước bờ vực “nguy hiểm”. Trước đây, mọi công việc lớn nhỏ trong gia đình đều do anh Na làm hết. Nhưng trong hai năm vừa qua, sức của đàn bà và con nhỏ nên việc lao động rất hạn chế, làm lụng chẳng được bao nhiêu.

Mẹ của Na cùng người thân đã có mặt để đón con trai  trở về (Trong ảnh: thứ ba từ phải sang)
Mẹ của Na cùng người thân đã có mặt để đón con trai  trở về (Trong ảnh: thứ ba từ phải sang)

Từ tuần trước, năm miệng ăn không biết trông chờ vào đâu khi nhà đã hết ngô, bắp ở trên nương chưa bẻ được vì còn non quá. May được người thân, hàng xóm giúp đỡ, cho vay mượn nên chúng tôi mới vượt quá được thời gian giáp hạt đó.”

Vài ngày nay, những hạt ngô đã cứng hơn, tuy vẫn còn non nhưng đã có thể dùng được. Hàng ngày Sinh với các con lên nương bẻ bắp để gùi về nhà. Sau đó bóc vỏ và phơi qua vài ngày nắng thì đem xay và dùng được. Bữa ăn hàng ngày của gia đình chỉ có nồi bột ngô non và bát rau nhạt hái trên rừng hoặc rau cải trồng xen kẽ ở các hốc đá lởm chởm. vài tuần mới đi chợ và mua được một vài lạng thịt hoặc bó mì khô để nấu thay thịt.

Gia đình của Ly Mí Na nằm trên sườn đồi rất cheo leo
Gia đình của Ly Mí Na nằm trên sườn đồi rất cheo leo

Để gia đình được đoàn tụ, con cái có đủ mẹ cha, chị Sinh sẵn sàng làm tất cả. Vì chồng, chị đã bán con bò cái lấy tiền lộ phí cho chồng. Đó là con vật lấy sức kéo chính và duy nhất trong gia đình. Theo chị, mỗi năm con bò cái sẽ đẻ ra một con bò non. Nhưng trước mắt không có bò, gia đình không biết sẽ lấy đâu ra bò để cày nương, trồng ngô mà ăn. Trong khi vụ mùa trước mắt đang tới gần.

Cuộc sống quanh năm lam lũ của người dân cao nguyên đá
Cuộc sống quanh năm lam lũ của người dân cao nguyên đá

Anh Na cho biết: "Những tưởng sẽ “thân tàn, ma dại” tại nơi xa xứ, nay được về đến nhà tôi vẫn chưa tin nổi. Về nhà thì mừng lắm, nhưng trong nhà chẳng còn gì nữa. Giờ đây tôi sẽ cùng vợ nuôi các con con, tập trung lao động. Dù mệt, dù vất vả nhưng được sống bên vợ con là tôi hạnh phúc rồi."

Theo gia đình, số tiền bán bò sau khi làm lộ phí đi đón chồng cộng với số tiền mà Ly Mí Na mang về còn gần 10 triệu đồng. Tuy nhiên, số tiền này không đủ để mua một con bò trưởng thành có thể cày nương được.

Quốc Cường – Xuân Thái