“Hàng vạn thầy cô giáo đang phải chấp nhận sự không công bằng”

(Dân trí) - “Chúng ta rất day dứt khi hàng vạn thầy cô giáo phải chấp nhận sự không công bằng để đem cái chữ, ánh sáng cuộc đời cho các em học sinh người dân tộc, các gia đình có hoàn cảnh hết sức khó khăn.…”

Đó nỗi trăn trở của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân khi ông viết lá thư gửi các thầy cô giáo, các em học sinh nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11/2008.

Về nỗi trăn trở này, ông cho biết: “Bắt đầu từ năm 2009, Bộ GD-ĐT sẽ cùng với UBND các tỉnh đưa các thầy cô giáo đã dạy học từ 10 năm trở lên, rồi 5 năm trở lên ở các vùng rất khó khăn được trở về công tác ở nơi thuận lợi hơn, nếu có nguyện vọng”.

Nỗi trăn trở thứ hai ám ảnh tâm trí ông được thể hiện trong lá thư này còn là: “Chúng ta rất lo lắng khi tiêu cực, bệnh thành tích, hay rộng hơn là sự giả dối vẫn đang tồn tại trong ngành và xã hội”.

Không có lý do gì để giáo dục Việt Nam bế tắc

Trăn trở, lo lắng nhưng Bộ trưởng Bộ GD-ĐT vẫn cho rằng “không có lý do gì để giáo dục Việt Nam bế tắc”.

Ông viết: “Lịch sử hàng ngàn năm xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của dân tộc Việt Nam đẫm mồ hôi, nước mắt và máu của bao thế hệ đi trước. Nhưng dân tộc Việt Nam, dù phải đương đầu với những giặc ngoại xâm to lớn, không bao giờ bế tắc.

Không có lý do gì để giáo dục Việt Nam bế tắc, nếu mỗi người dân Việt Nam đều dành trí tuệ và sức lực cho sự nghiệp thiêng liêng này. Tương lai của dân tộc Việt Nam trong thế kỉ XXI là nằm ở khối óc và trái tim của các thầy cô giáo.

Ngành giáo dục đã bước vào năm thứ 2 thực hiện cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”. Cô giáo dạy toán Đỗ Thị Hồng Hà, Trường THCS Đống Đa, Hà Nội mặc dù không còn trẻ, sức khoẻ rất hạn chế, ba lần lên bàn mổ nhưng vẫn tự học về máy tính, ứng dụng các phần mềm tin học để thiết kế bài giảng rất sinh động, hiệu quả.

Thầy giáo dạy môn Giáo dục công dân Trần Tuấn Anh, Trường THCS Bạch Đằng, TPHCM bằng cách đưa các hình ảnh, thông tin của cuộc sống thực tế và lịch sử dân tộc một cách hợp lý vào giờ học, luôn tổ chức cho học sinh tham gia tích cực vào các hoạt động khác nhau trong giờ học, coi hiểu biết và suy luận của các em chính là một tài nguyên của quá trình dạy học, đã làm cho mỗi giờ học môn Giáo dục công dân là một giờ học hứng thú, bổ ích.

Cô Hồng Hà, thầy Tuấn Anh và biết bao thầy cô khác ở mỗi nhà trường đang hàng ngày, hàng giờ là những tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo cho học sinh, sinh viên”.

Và Bộ trưởng đã thể hiện niềm tự hào về đội ngũ hơn 1 triệu giáo viên của ngành: “Chúng ta đã thấy ngày càng rõ hơn, sâu sắc hơn những tấm gương thầy cô giáo tận tụy với nghề, miệt mài sáng tạo để việc dạy và học hiệu quả hơn, để các em học sinh nhanh chóng trưởng thành, trở thành công dân tốt của nước Việt Nam trong thời kỳ hội nhập với thế giới”.

Những cái nhất của mùa đông năm 2008

“Năm nay, khi cả nước cùng ngành giáo dục đón chào Ngày Nhà giáo Việt Nam, đất nước sẽ đạt một thành tựu quan trọng, một mốc đáng ghi nhớ trong phát triển của dân tộc: năm 2008 lần đầu tiên, tổng sản phẩm nội địa theo đầu người sẽ vượt 1.000 đôla Mỹ/người/năm, Việt Nam chúng ta sẽ ra khỏi danh sách các nước nghèo của thế giới. Trong thành tựu này của quá trình đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng, có sự đóng góp quan trọng của ngành giáo dục và đào tạo, đó là cung cấp nhân lực cần thiết cho nền kinh tế trong suốt 22 năm qua” - Bộ trưởng tự hào viết.

Trong lá thư dài gần hai nghìn từ, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cũng có những “phác hoạ” nhanh về các cuộc vận động của ngành. Và ông đã chỉ ra những “cái nhất” đáng tự hào của ngành giáo dục khi đón 20/11/2008:

- “Chủ tịch nước vừa ký Quyết định công nhận danh hiệu cao quý Nhà giáo nhân dân và Nhà giáo ưu tú cho 917 thầy cô giáo. Đây là đợt công nhận có số lượng nhà giáo nhân dân và nhà giáo ưu tú cao nhất từ trước tới nay”.

- “Gần 800.000 sinh viên, học sinh đã được vay hơn 5.000 tỷ đồng. Với chương trình này, Việt Nam thuộc vào một trong số ít quốc gia trên thế giới có một chương trình cho vay để học to lớn, phủ kín diện nghèo và cận nghèo”.

- “Tổng Công ty Viễn thông quân đội đã quyết định từ năm học 2008-2009 cho phép tất cả các trường phổ thông của cả nước kết nối và sử dụng Internet miễn phí để hiện đại hoá việc dạy và học, việc quản lý nhà trường. Sáng kiến của mỗi thầy cô giáo sẽ trở thành tài sản quý giá của toàn ngành để phát triển, khó khăn của mỗi trường sẽ được toàn ngành và cả nước biết và chia sẻ, mỗi học sinh, sinh viên có thể đối thoại, trao đổi thông tin bình đẳng với hàng triệu người trên thế giới. Đó là nhờ đưa Internet vào nhà trường miễn phí. Rất hiện đại và cũng rất Việt Nam”.

3 cuộc vận động lớn của ngành giáo dục năm 2008

 

Cuộc vận động “Hai không” là để tái tạo môi trường sư phạm lành mạnh, làm nền tảng cho đổi mới giáo dục.

 

Cuộc vận động “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” là nhằm khẳng định vị trí quyết định của người thầy, của hơn một triệu thầy cô giáo là đầu tầu của sự nghiệp đổi mới giáo dục hôm nay.

 

Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” là cơ chế nhà nước và nhân dân cùng làm để giáo dục toàn diện đạo đức, nhân cách cho học sinh Việt Nam. Đó chính là sự cụ thể hoá đòi hỏi thi đua “Dạy tốt, học tốt” trong giáo dục hiện nay.

M.M