1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đắk Lắk:

Hằng trăm trẻ em vùng sâu vùng xa bị dụ dỗ đi lao động xa nhà

(Dân trí) - Lợi dụng gia cảnh nghèo khó, sự nhẹ dạ cả tin của người lớn và trẻ em tại các thôn, buôn vùng sâu vùng xa. Nhiều kẻ môi giới lao động đã dụ dỗ các em bỏ học để lên các thành phố lớn lao động với tiền lương rẻ mạt và nhiều mối nguy hiểm rình rập.

Những bất cập khi trẻ em đi lao động xa nhà

Sau khi học xong lớp 9, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn nên em Nguyễn Thị Huệ (15 tuổi, ngụ xã Buôn Tría (huyện Lắk, Đắk Lắk) đã đi xuống tỉnh Bình Dương cùng bạn để xin làm công nhân kiếm tiền phụ gia đình, nhưng do chưa đủ tuổi nên Huệ đã xin vào 1 cơ sở tư nhân để làm, sau đó khoảng 1 tháng gia đình đã hoàn toàn mất liên lạc với Huệ cho đến tận ngày nay.

Huệ mất tích sau 1 tháng đi lao động xa nhà
Huệ mất tích sau 1 tháng đi lao động xa nhà

Anh Nguyễn Văn Toàn (bố của Huệ), đau buồn cho biết: Vào tháng 7/2014 sau khi nghỉ hè, Huệ xin đi làm xa, sau đó đến tháng 8/2014 thì gia đình mất liên lạc hoàn toàn. Bạn ở cùng phòng Huệ kể lại rằng khi Huệ được 1 người phụ nữ đến chơi rồi rủ đi làm ở Tây Ninh làm, sau đó thì không thấy quay về nữa. “Huệ là đứa học rất giỏi, năm nào cháu cũng được giấy khen nhưng chỉ vì nhà nghèo và thương các em nên đã đi làm, cả năm trời rồi không thấy con về chúng tôi đi tìm vẫn không thấy, gia đình tôi lo lắng vô cùng”, anh Toàn nghẹn ngào.

Bà Nguyễn Thị Chuẩn (bà nội của Huệ) nói trong nước mắt : “Mẹ của Huệ bỏ đi gần chục năm, để lại chồng và 2 con nhỏ, Huệ biết bố sức khỏe yếu nên rất vất vả để lo cho con cái ăn học nên nó mới xin đi làm vậy, ai ngờ đâu ra thế này”.

Bà Chuẩn ngóng chờ từng ngày cháu gái trở về
Bà Chuẩn ngóng chờ từng ngày cháu gái trở về

Cũng tại huyện Lắk, trong thời gian gần đây có đối tượng “cò” môi giới lao động tên là Amí Hun (người dân tộc Ê đê) đã dụ dỗ hàng chục học sinh tiểu học và trung học cơ sở đi lao động tại TP. Hồ Chí Minh. Để thuyết phục được các gia đình cho con em mình đi làm, Amí Hun đã quảng cáo việc đi làm sẽ đem thu nhập cao, công việc nhàn hạ nên vì “nhẹ dạ cả tin” nhiều trẻ em đã bị mắc lừa các đối tượng cò này.

Em Y Hưng Du (15 tuổi, xã Yang Tao, huyện Lắk) cho biết: “Sau khi xuống TP.Hồ Chí Minh tụi em được đưa vào các cơ sở may mặc, em làm 1 ngày cả 3 ca rất mệt, nhưng khác với hứa hẹn của Amí Hun làm sẽ được trả lương từ 1,5 – 3,5 triệu đồng/ tháng, em làm cả tháng chỉ được trả có 400 ngàn đồng mà thôi, sau đó thì em xin nghỉ và về nhà”.

Tương tự như Y Hưng, H'Linh Triêk (13 tuổi, xã Yang Tao) mặc dù đang theo học lớp 4, nhưng nghe đi lao động kiếm tiền nên đã xin gia đình đi theo, “nơi em làm họ không cho bất cứ ai ra ngoài cả, em ở đó vừa làm lại vừa lo sợ, cảm giác như em đang bị bắt cóc”, H’Linh sợ hãi kể lại. Sau đó, vì không muốn tiếp tục làm việc trong môi trường này, H’Linh đã xin nghỉ việc quay về Đắk Lắk.

Ông Lê Đình Nhi - Phó trưởng phòng LĐTB&XH huyện Lắk, cho biết: “Từ đầu năm 2015 đến nay, tại huyện Lắk đã có 59 em có hoàn cảnh khó khăn, bị dụ dỗ đi lao động tại TP. Hồ Chí Minh và một số tỉnh khác ở phía Nam. Hiện tại đã có 25 em được đưa về gia đình sau khi được các cơ quan chức năng vào cuộc giúp đỡ”.

 Trẻ em bị bóc lột sức lao động

Riêng tại huyện Krông Pắk, trong vòng 5 tháng đầu năm 2015, đã đó trên 50 trẻ em bỏ nhà đi lao động, rất nhiều phụ huynh đang vô cùng lo lắng muốn đưa con mình về vì điều kiện lao động của các em vô cùng khổ cực. Ông Y Hai (ngụ xã Ea Yiêng, huyện Krông Pắk) đang cầu cứu các cơ quan chức năng để đưa con trai là A Yua Ngên (12 tuổi) đang làm việc cho 1 cơ sở may mặc tại TP. Hồ Chí Minh, “Hôm vợ chồng tôi đi làm về thì biết tin A Yua nghe lời dụ dỗ rồi bỏ xuống thành phố làm, sau đó A Yua điện thoại về vừa khóc vừa kể mỗi ngày nó phải làm trên 10 tiếng mà không được nghỉ ngơi, muốn về cũng không được vì sợ chủ phạt tiền vì đã lỡ ký hợp đồng rồi”, ông Y Hai lo lắng nói.

Các trẻ em được trở về nhà sau thời gian lao động khổ cực tại các thành phố lớn
Các trẻ em được trở về nhà sau thời gian lao động khổ cực tại các thành phố lớn

Theo thống kê của Sở LĐTB&XH tỉnh Đắk Lắk, trong năm 2014, toàn tỉnh có 266 em trong độ tuổi 9 – 16 bỏ nhà đi làm xa. Trong 5 tháng đầu năm 2015, có 137 em bậc tiểu học và THCS bỏ học theo môi giới xuống các thành phố lớn ở phía Nam để lao động.

Bà Từ Thị Khanh - Trưởng phòng Chăm sóc bảo vệ trẻ em, Sở LĐTB&XH tỉnh Đắk Lắk cho biết: “Đa số các đối tượng môi giới lao động đã tìm về các vùng sâu vùng xa, vùng có kinh tế khó khăn và đồng bào dân tộc thiểu số để dụ dỗ các trẻ em, các đối tượng này còn là người dân tộc tại chỗ nên rất dễ thu hút lòng tin của người dân. Với mỗi em được đưa xuống các cơ sở làm việc, các đối tượng này được nhận tiền “cò” khoảng 1 – 1,5 triệu đồng/em”.

Việc các đối tượng dụ dỗ trẻ em và các cơ sở nhận lao động trẻ em đều không có hợp đồng lao động và hợp đồng không rõ ràng trái với quy định pháp luật. “Các bản hợp đồng này thường không nêu rõ thời gian, điều kiện làm việc, không có các bảo hiểm cần thiết và thường thanh toán tiền theo hình thức trả 1 lần với mức lương 9 triệu đồng/năm, nếu tự ý bỏ việc hoặc nghỉ giữa chừng sẽ không được thanh toán bất cứ khoản tiền nào”, ông Y Sa Phôn Niê Krơng, phó giám đốc Sở LĐTB&XH Đắk Lắk nói. 

Hiện Sở LĐTB&XH tỉnh đang phối hợp cùng các phòng LĐTB&XH huyện, thị rà soát số lượng học sinh bỏ học đi làm xa; Đồng thời, phối hợp cùng Sở LĐTB&XH TP. Hồ Chí Minh và các Cơ quan chức đề nghị kiểm tra, xác minh và phối hợp giải quyết trẻ em bị dụ dỗ đi lao động tại trên địa bàn, để sớm đưa các em trở về đoàn tụ với gia đình. Để tránh tình trạng trẻ em bị bóc lột sức lao động nhưng tiền công thì lại vô cùng rẻ mạt, chưa kể không ít trường hợp trẻ em đi lao động bị mất tích hoặc bị lạm dụng tình dục.

Thúy Diễm