1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hàng trăm trẻ em ăn nước ô nhiễm, đến trường bằng ghe

(Dân trí) - Khóm Đông Thịnh I, phường Mỹ Long, TP Long Xuyên (An Giang) có 340 hộ dân đang sống trôi nổi trên sông. Nước sinh hoạt bị ô nhiễm nặng, điện thắp sáng không an toàn, trẻ em đến trường trên những chiếc ghe cũ kỹ…

Cách đây hơn 10 năm, các “nhà bè di động” ở phường Mỹ Long, phía thượng nguồn sông Hậu, trôi dạt dần xuống chợ nổi Long Xuyên rồi cắm sào neo đậu ở đó cho tới tận bây giờ. Thuở ấy chỉ có mấy chục căn “nhà bè” nhỏ bé nằm cạnh sông, tới nay đã lên hàng trăm hộ, chưa kể các gia đình lênh đênh, tá túc tạm. “Làng nhà bè” làm sôi động cả một khúc sông Hậu.

 

Tôi theo chân anh Châu Văn Niệm, Đội trưởng Đội cứu hộ đường sông ở khóm Đông Thịnh I, xuống thăm “làng ghe”. Làng nằm trên một dòng nước bị ô nhiễm nặng. Người dân ở đây phải bơi ra chợ nổi Long Xuyên múc nước trong về lóng phèn rồi đun nấu.

 

Chị Huỳnh Thị Đẹp, một cư dân “làng ghe” nói: “Ở đây nuôi cá không được, người sử dụng nước còn muốn chết, huống hồ chi là cá!”. Điện sinh hoạt ở đây cũng rất nguy hiểm, mấy cây tre được cắm xuống, điện qua đó mà truyền xuống “làng ghe”.

 

Ở khóm Đông Thịnh I có 700 hộ dân thì có 146 hộ sống trên ghe, 170 sống bên mé sông. Trẻ em ở đây khá đông, hơn 450 trẻ từ 1-8 tuổi, cũng ăn nước ô nhiễm, cũng đến trường bằng ghe và theo cha mẹ làm thuê đủ nghề: lột vỏ dừa, chèo đò, bán hàng tạp hoá trên ghe…

 

Người ít con thì may ra đủ ăn, người nhiều con thì thiếu thốn trăm bề. Một người dân tâm sự: “Chúng tôi ở đây thiệt thòi lắm, không được đăng kí hộ khẩu, không có giấy CMND, nhiều khi muốn đi nơi khác làm ăn cũng không có giấy tờ tuỳ thân. Con trẻ muốn đi học thì phải bơi xuồng vào bờ rất nguy hiểm”.

 

Cư dân làng bè muốn có vốn làm ăn cũng khó vì họ không có hộ khẩu, không có tài sản thế chấp. Muốn được lên bờ có chỗ định cư, muốn có CMND, muốn có hộ khẩu gia đình, con em được học hành - đó là mong muốn chính đáng, tha thiết của mấy trăm hộ dân đang sống ở “làng ghe” sông Hậu.

 

Phạm Tâm - Thành Được