1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hàng trăm tấn rác thải y tế bị "tẩu tán"

(Dân trí) - Chiều 10/8, Cục Cảnh sát môi trường - Bộ Công an, phát hiện 2 xe ôtô vận chuyển chất thải y tế từ Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) ra ngoài. Một chủ đồng nát khai nhận đã mua rác thải y tế của bệnh viện này từ năm 2002, tính đến nay cũng chừng 2-3 trăm tấn.

Thu giữ gần 1 tấn rác thải y tế

 

Ngày 10/8, Cục Cảnh sát môi trường (C36) phát hiện hai ôtô tải đi qua cổng phụ Bệnh viện Việt Đức. Xe 30H-7939 chạy đến điểm cuối cùng tại nhà bà Vân, ngõ 715 đường Hồng Hà (Chương Dương, Hoàn Kiếm). Tại đây cơ quan chức năng thu giữ 16 bao tải dứa nặng gần 300 kg, chứa đủ loại vỏ, lọ thuốc bằng nhựa, dây truyền dịch bằng nhựa, xi lanh… nhiều chiếc còn đọng máu.

 

Xe 29V-8340 chở chất thải về nhà bà Quý tại xóm Lẻ, Triều Khúc, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội. Trên xe chứa 55 bao tải dứa, nặng 660 kg, cũng đựng đầy vỏ lọ thuốc bằng nhựa, dây truyền dịch bằng nhựa. Đặc biệt, có hai túi nilon nặng 16 kg đựng bơm tiêm, trong đó còn nhiều chiếc dính máu, tất cả đã qua sử dụng, chưa được khử trùng và tiệt khuẩn.

 

Qua khai thác, bà Vân và bà Quý là hai người chuyên thu mua phế liệu để chế lại rồi lại bán cho các cơ sở sản xuất nhựa tái sinh. Họ vẫn mua chất thải của Bệnh viện Việt Đức với giá 1.500 - 6.000 đồng/kg.

 

C36 đã giao gần 1 tấn rác thải y tế thu giữ được cho Xí nghiệp Xử lý chất thải công nghiệp - y tế xử lý theo quy định. 

 

Đã “tẩu tán” hàng trăm tấn rác thải

 

Từ đầu mối này, các trinh sát C36 phát hiện Bệnh viện Việt Đức từ lâu đã có dấu hiệu vi phạm về thu gom, phân loại, xử lý chất thải y tế nguy hại; lén chuyển cho các tư nhân bên ngoài tiêu thụ. Việc mua bán trái phép này thường diễn ra vào cuối tuần.

 

Bà Quý ở Triều Khúc khai nhận bắt đầu lấy “hàng” ở Khoa Chống nhiễm khuẩn (Bệnh viện Việt Đức) từ năm 2002. Đến nay lượng rác thải đã mua từ bệnh viện phải lên tới 200-300 tấn.

 

Còn bà Vân ở đường Hồng Hà thì cho biết đã ký hợp đồng với một nhân viên Khoa Chống nhiễm khuẩn tên Hương để được thu gom rác trong khoa vào thứ 5, thứ 6 hàng tuần và chuyển đi vào chiều thứ 6.

 

Cuộc làm việc giữa lãnh đạo bệnh viện với C36, Thanh tra Bộ Tài nguyên môi trường, Cục Bảo vệ môi trường hôm 13/8 đã làm rõ: Một số nhân viên của Khoa Chống nhiễm khuẩn đã bán chất thải y tế cho bà Quý và bà Vân.

 

Đại diện Khoa Chống nhiễm khuẩn thừa nhận khoa được giao trách nhiệm quản lý toàn bộ số rác thải của bệnh viện và đã ký hợp đồng với Xí nghiệp Xử lý chất thải công nghiệp - y tế thu gom, vận chuyển và xử lý. Nhân viên quản lý kho rác thải chỉ được chọn lọc và bán lại những thùng cac-tông. Tuy nhiên, do sơ hở trong khâu quản lý, những loại rác thải độc hại khác cũng bị nhân viên lén lút tuồn ra ngoài cho tư nhân. 

 

C36 đã phối hợp với Thanh tra Bộ Tài nguyên môi trường lập biên bản đối với những sai phạm trong lĩnh vực rác thải y tế tại Khoa Chống nhiễm khuẩn, gồm: quản lý, vận chuyển và xử lý chất thải không đúng quy định; không lập hồ sơ đăng ký có phát sinh chất thải nguy hại đối với trường hợp phải lập hồ sơ đăng ký với cơ quan chuyên môn về bảo vệ môi trường cấp tỉnh…

 

“Bác sĩ của bệnh viện không bán rác thải!”

 

Đó là khẳng định của bác sĩ Nguyễn Tiến Quyết, Giám đốc Bệnh viện Việt Đức. Theo ông Quyết, những nhân viên liên quan đến vụ việc này đều là cán bộ hợp đồng thuộc khoa Chống nhiễm khuẩn, không phải là bác sĩ của bệnh viện. Những cán bộ vi phạm kỷ luật này đã bị đuổi việc ngay sau khi sự việc xảy ra.

 

“Cá nhân nào vi phạm sẽ phải tự chịu trách nhiệm trước pháp luật”, ông Quyết khẳng định. Ông cũng thừa nhận bệnh viện đã lỏng lẻo trong khâu quản lý chất thải y tế nguy hại, đến mức chúng bị tuồn ra ngoài mấy năm rồi mà không biết.

 

Ông cho biết sau vụ việc này, bệnh viện sẽ chấn chỉnh việc thu gom rác thải y tế. Quá trình bàn giao rác thải cho công ty môi trường sẽ có sự giám sát của tổ bảo vệ.

 

Thanh tra Cục bảo vệ môi trường xác định Bệnh viện Việt Đức đã vi phạm quy định về quản lý, vận chuyển và xử lý chất thải, mức phạt từ 20-30 triệu đồng. Cơ quan chức năng đánh giá, việc sai phạm trên một phần lớn thuộc về Ban Giám đốc bệnh viện.

 

Chiều qua 28/8, C36 chính thức kiến nghị xử phạt Bệnh viện Việt Đức ở mức cao nhất.

 

* Theo nhận xét của một số chuyên gia, việc bán "chui" chất thải y tế để tái chế làm đồ dùng sinh hoạt hết sức nguy hiểm. Trong khi vi trùng gây bệnh chỉ bị tiêu diệt ở nhiệt độ rất cao (có loại vi trùng chỉ bị tiêu diệt ở trên 1.000 độ C) thì một số lò nấu tái chế nhựa, nhiệt độ lò chỉ chừng 300-500 độ C. Nếu vi trùng không bị tiêu diệt sẽ có nguy cơ gây mầm bệnh, lây lan dịch bệnh.

 

Việc tiêu huỷ chất thải lâm sàng, chất thải nhóm A quy định: Một số chất thải nhóm A có nguy cơ lây nhiễm cao như chất thải có dính máu, dịch của người bệnh HIV/AIDS, giang mai, đờm của người bệnh lao cần phải khử khuẩn ngay sau khi chất thải được phát sinh trước khi vận chuyển đi tiêu huỷ.

 

* C36 cho biết, hiện đã phát hiện tình trạng ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở nhiều bệnh viện trên địa bàn Hà Nội trong khâu xử lý nước và rác thải. Sau khi trinh sát kiểm tra sâu ở một số bệnh viện như Thanh Nhàn, Bạch Mai, Việt Đức, Phụ sản trung ương, Phụ sản Hà Nội, Xanh Pôn, Đống Đa, Bệnh viện K… phát hiện việc xử lý chất thải y tế nhìn chung đều không đúng quy chế của Bộ Y tế.

 

Thanh Trầm - Phương Thảo