Điện Biên:
Hàng trăm người xẻ nát rừng nghiến
(Dân trí) - Không lâu nữa, Nhà máy thuỷ điện Sơn La hoàn thành, những khu rừng nghiến sẽ chìm trong lòng hồ thủy điện. Hàng trăm người dân 2 bản Pắc Na 1 và Pắc Na 2 thuộc xã Tủa Thàng, huyện Tủa Chùa (Điện Biên) hò nhau tranh thủ “xẻ thịt” rừng gỗ nghiến.
Đến bản Pắc Na 1 và Pắc Na 2 vào những ngày cuối tháng 11, rầm rĩ những tiếng cưa máy đang gào thét dữ dội. Từng vạt mùn cưa vàng đỏ chuyển sang sậm màu vì sương đêm; thỉnh thoảng bắt gặp một vài thanh xà nghiến nằm “ngủ” giữa dòng khe nhỏ, chờ tập kết.
Đến chân núi, gần mười người phụ nữ dân tộc Thái, có người còn rất trẻ, cùng hai người đàn ông đang tìm cách vận chuyển những thanh gỗ nghiến từ đỉnh đồi xuống. Họ là những “phu gỗ”.
Quàng sợi dây thừng qua vai, lần lượt từng người một, cả nam lẫn nữ, chạy băng băng xuống dốc đồi, để lại phía sau một vạt bụi cuộn mù trời.
Trên núi, trước mắt tôi là bạt ngàn rừng nghiến, có tới hàng trăm héc ta. Ngay cạnh chân tôi, cây cối bị “xẻ thịt”, nằm ngổn ngang, có những gốc cây phải hai vòng tay người lớn mới ôm xuể.
Những người phụ nữ Thái làm "phu gỗ".
Trong chiếc lán nhỏ trên ngọn núi, 2 người đàn ông đang ngồi bên bếp lửa. Hành trang của họ mang theo là chiếc cưa máy và khẩu súng kíp. Lò Văn P nói anh lấy gỗ về để làm nhà trên khu tái định cư. P tỏ ra khá sành sỏi và am hiểu về giá của những thanh gỗ nghiến. Anh cho biết: “Thuê người vận chuyển xuống bản là 30.000 đồng/thanh, bán được 130.000 đồng/thanh. Một ngày mình chỉ xẻ được 6 - 8 thanh”.
Dùng chân ẩy vào 2 thanh gỗ nghiến mới xẻ, P tỉnh bơ: “Còn như những thanh này thì không lấy”. Tôi nhìn xuống 2 thanh gỗ nghiến “hẩm hiu” vì không đủ “tiêu chuẩn đo lường chất lượng”, không đủ độ dài cần thiết.
Phía trước có mấy người đàn ông đang lúi húi trên phiến gỗ màu vàng. Họ đang hậm hực vì chiếc cưa máy xuất xứ Thụy Điển gặp trục trặc, không chịu “nhả khói”. Được biết, tại khu núi đá Pắc Na có thường xuyên không dưới 4 cưa máy loại này hoạt động liên tục; lúc cao điểm có thể lên tới 10 chiếc làm thông tầm.
Chứng kiến cảnh rừng bị phá giữa thanh thiên bạch nhật, chúng tôi đem nỗi xót xa đặt dấu hỏi cho ông Phó Chủ tịch UBND xã Tủa Thàng tên Lò Văn Vận. Ông này thản nhiên trả lời: “Chúng tôi chịu, không ngăn chặn được tình trạng phá rừng ở Pắc Na. Nhiều lần, khi thấy cán bộ xã đến thì lâm tặc đã vận chuyển gỗ lên thuyền xuôi sông Đà xuống Sơn La rồi”.
Ông Lò Văn Hòa, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tủa Chùa, thì tỏ ra rất bức xúc trước thực trạng phá rừng ở Pắc Na nhưng lại lý giải là “lực bất tòng tâm”.
Biết rằng không lâu nữa, khu rừng nghiến này cũng chìm trong lòng hồ Nhà máy Thủy điện Sơn La. Nhưng đây là tài sản quý giá của Nhà nước, các cấp, ngành địa phương cần có giải pháp khai thác hiệu quả và kịp thời.
Thái Nguyên An