1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đắk Nông:

Hàng trăm lò sấy cùng hoạt động, quốc lộ chìm trong "biển khói"

(Dân trí) - Những lò sấy nằm ngay quốc lộ hàng ngày thải ra môi trường một lượng khói lớn, khiến nhiều đoạn đường chìm trong "biển khói". Tình trạng kéo dài nhiều năm nay khiến nhiều người bức xúc, nhiều lần lên tiếng phản đối...

Đi dọc quốc lộ 14 đoạn qua huyện Đắk Mil (tỉnh Đắk Nông) dễ dàng bắt gặp những lò sấy đang hoạt động tỏa khói nghi ngút. Hầu hết các lò sấy dù làm ống dẫn cao chót vót, nhưng sau khi qua ống dẫn, khói lại nhanh chóng sà xuống đất. Đặc biệt vào những ngày mưa ẩm ướt, do không bay lên cao được nên nhiều khu vực “chìm” trong biển khói, như một lớp sương mù dày đặc.

Theo người dân sống dọc hai bên quốc lộ, khói nhiều nhất là vào thời điểm khởi động lò hoặc lúc sấy cà phê ẩm ướt, lượng khói đen kịt có thể làm “tối cả một vùng trời”. Mỗi đợt sấy, các lò hoạt động từ 12-14 tiếng đồng hồ, đồng nghĩa với việc người dân phải chịu đựng cảnh khói bụi ô nhiễm trong suốt thời gian ấy.

Các lò sấy nằm ngay cạnh quốc lộ 14 khiến không gian lúc nào cũng có một lớp “sương mù”
Các lò sấy nằm ngay cạnh quốc lộ 14 khiến không gian lúc nào cũng có một lớp “sương mù”

Chị Nguyễn Thu H. (ngụ xã Thuận An) bức xúc: “Phần lớn các lò sấy được xây dựng ngay trong khu dân cư. Bà con trong xóm cũng tạo điều kiện cho các chủ lò sấy hoạt động làm ăn buôn bán, với điều kiện chỉ sấy ban ngày, ban đêm nghỉ, tuy nhiên các lò sấy vẫn cứ ngang nhiên hoạt động liên tục cả ngày lẫn đêm khiến trẻ nhỏ, người già thường xuyên gặp vấn đề về hô hấp".

Theo chị Hương, nhiều lò sấy cà phê cận kề trường học, dù bị người dân phản ứng rất gay gắt và nhiều lần phản ảnh tình trạng này tại các buổi tiếp xúc cử tri của HĐND các cấp nhưng đến nay vẫn ngang nhiên hoạt động. Điều đáng nói là chính quyền địa phương chỉ kiểm tra, nhắc nhở chứ chưa có biện pháp quyết liệt và hiện tại hệ lụy do các lò sấy cà phê gây ra vẫn cứ tiếp diễn.

Nhiều lò sấy hoạt động 24/24 khiến người dân như bị “tra tấn” bởi khói bụi (ảnh chụp lúc 7h sáng)
Nhiều lò sấy hoạt động 24/24 khiến người dân như bị “tra tấn” bởi khói bụi (ảnh chụp lúc 7h sáng)

Qua tìm hiểu, nhiều lò sấy được xây dựng theo hình thức nhà cấp 4, xung quanh che chắn bằng tôn, rất sơ sài. Tuy chính quyền địa phương đã tiến hành kiểm tra nhắc nhở, đồng thời làm văn bản cam kết với các chủ lò sấy chỉ hoạt động vào ban ngày nhưng nhiều lò sấy vẫn cố tình không chấp hành, vẫn tiếp tục hoạt động suốt ngày đêm, ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống sinh hoạt của người dân.

Khốn khổ hơn là những hộ dân sống gần các đại lý cà phê, việc các lò sấy hoạt động 24/24 khiến người dân như bị “tra tấn” bởi khói bụi.


Khói từ lò này quyện với lò khác dày đặc rồi theo gió xộc vào nhà khiến người dân khó chịu (ảnh chụp lúc 8h sáng)

Khói từ lò này quyện với lò khác dày đặc rồi theo gió xộc vào nhà khiến người dân khó chịu (ảnh chụp lúc 8h sáng)

Bà Võ Mỹ H. (ngụ xã Đức Mạnh) cho biết, lò sấy mọc lên như nấm, nhiều hôm khói từ nhà này quyện với khói của nhà kia dày đặc rồi theo gió xộc vào nhà, mù mịt không thấy mặt người. Thời gian đầu, khi chưa quen với việc này nên đêm nào đi ngủ, vợ chồng bà còn phải đeo khẩu trang y tế vì mùi rất khó chịu, ngửi phải là chỉ muốn ho.

Dẫn chúng tôi đi khảo sát một vòng quanh khu vực, bà Hiếu nhẩm tính có khoảng 10 chiếc lò đang hoạt động. Bà này gay gắt: “Các lò sấy chỉ cách nhau vài chục mét. Nếu tính ra, mỗi năm chúng tôi phải chịu ảnh hưởng từ 2-3 tháng nên nhiều hôm cả gia đình phải đóng kín cửa để sinh hoạt chứ không dám ra ngoài sân. Chúng tôi không yêu cầu họ dừng hoạt động, mà chúng tôi chỉ muốn họ đặt lò sấy ở xa khu dân cư, hoặc chí ít là hoạt động vào thời điểm hợp lý”.

Khoảng 8h sáng, khói vẫn dày đặc che khuất tầm nhìn, ảnh hưởng tới giao thông
Khoảng 8h sáng, khói vẫn dày đặc che khuất tầm nhìn, ảnh hưởng tới giao thông

Việc các lò sấy hoạt động liên tục dọc tuyến quốc lộ 14 không chỉ gây ảnh hưởng tới sinh hoạt, sức khỏe của người dân mà còn khiến giao thông qua khu vực này ảnh hưởng nghiêm trọng. Nhiều người cho biết, tầm nhìn của các tài xế bị hạn chế do lượng khói dày đặc, nhiều vụ tai nạn giao thông cũng bắt nguồn từ tình trạng khói bụi này.

Được biết, Đắk Mil là huyện có diện tích cà phê lớn nhất tỉnh Đắk Nông, các lò sấy hoạt động theo mùa vụ cà phê, phần lớn đều nằm trong khu dân cư. Bước vào đầu mùa vụ thu hoạch cà phê năm nay, huyện này đã thành lập đoàn kiểm tra các lò sấy trước khi đi vào hoạt động, yêu cầu các chủ lò sấy sửa chữa những thiết bị hư hỏng, bảo đảm vấn đề môi trường trước khi lò sấy đi vào hoạt động.


Những lò sấy đặt san sát, khi hoạt động đã tạo ra một màn “sương khói” dày đặc từ rẫy đến đường

Những lò sấy đặt san sát, khi hoạt động đã tạo ra một màn “sương khói” dày đặc từ rẫy đến đường

Theo Phòng TN-MT huyện Đắk Mil, trong thời gian vừa qua, trên địa bàn huyện chủ yếu tập trung vào các lò sấy nông sản, cụ thể là lò sấy cà phê. Qua thống kê, trên địa bàn huyện có khoảng gần 1000 lò sấy lớn, nhỏ, chủ yếu hoạt động vào mùa cà phê khoảng 2 – 3 tháng.

“Để giảm thiểu vấn đề ô nhiễm môi trường, hàng năm phòng đều có tham mưu cho UBND huyện để phối hợp với Phòng Tư pháp và các đơn vị liên quan của cấp xã triển khai công tác tuyên truyền. Bên cạnh đó, tổng hợp các lò sấy gây ô nhiễm, bức xúc cho người dân để có kế hoạch di dời ra khỏi khu dân cư. Còn một số chủ lò sấy không chấp hành, chúng tôi đang phối hợp với Trung tâm quan trắc thuộc Sở TNMT của tỉnh kiểm tra. Trên cơ sở đó, nếu phát hiện vi phạm thì có biện pháp mạnh và yêu cầu tạm ngừng hoạt động”, một lãnh đạo phòng này cho hay.

Dương Phong