1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Quảng Trị:

Hàng trăm hộ dân sống thấp thỏm bên miệng “Hà bá”

(Dân trí) - Vào mùa mưa lũ, hàng trăm ngàn m3 đất, đá bị cuốn trôi theo dòng nước dữ, để lại nỗi lo cho nhiều hộ dân sống dọc sông Sê Pôn. Sạt lở đã tiến sâu vào tận vách nhà đe dọa đến tính mạng người dân đang chưa biết phải di dời đi đâu...

Lo sợ bị dòng sông “nuốt chửng”

Bão lũ vừa đi qua không lâu, chúng tôi có mặt tại huyện miền núi Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị và tận mắt chứng kiến cảnh tượng sạt lở thật hãi hùng, đe dọa trực tiếp đến tính mạng của người dân. Hàng trăm nhà dân sống dọc sông Sê Pôn thuộc các xã Tân Thành, Tân Long, xã Thuận, và thị trấn Lao Bảo… đã và đang bị dòng sông tấn công. Có nơi sông chỉ còn cách nhà dân chưa đầy 5m. Tình trạng sạt lở sông Sê Pôn không phải bây giờ mới xảy ra, nhưng sau 2 đợt bão liên tiếp vừa rồi, bờ sông đã bị sạt lở rất nghiêm trọng. 
 
Trên con đường bê tông đã bị cày xới nham nhở và vẫn còn vết tích bùn đất đọng lại sau trận mưa lũ, chúng tôi đến với xã Thuận, một xã nghèo nằm bên kia dòng Sê Pôn. Đây cũng là địa phương bị sạt lở khá nặng nề. Bờ sông đã bị nước lũ ăn sâu hơn chục mét, rất nhiều cây cối bị trơ gốc hoặc đã bị cuốn theo dòng nước. Nhiều khoảnh đất bị khoét sâu tạo thành những chiếc hố sâu hoắm, chưa biết sẽ đổ sập lúc nào. Cách đó không xa, hàng chục hộ dân bản 1 đang sống chênh vênh bên miệng “tử thần”. Qua 2 cơn bão, đời sống của phần lớn người dân sống dọc đoạn sông này luôn ở trạng thái thấp thỏm, lo âu nhưng chưa biết phải di dời đi đâu.

Bờ sông bị sạt lở và tiến sâu vào khu dân cư hơn chục mét, cuốn đi rất nhiều đất đá, cây cối

Bờ sông bị sạt lở và tiến sâu vào khu dân cư hơn chục mét, cuốn đi rất nhiều đất đá, cây cối

Dẫn chúng tôi đi khảo sát tình trạng sạt lở, anh Hồ Văn Cửi cho biết, bà con lo lắm. Đợt mưa lũ vừa qua nước sông Sê Pôn dâng lên rất cao, chảy cuồn cuộn. Nghe những tiếng cây cối, đất sập ầm ầm theo con nước. Cứ mỗi mùa mưa lũ về là bờ sông bị sạt thêm hàng chục mét, đe dọa đời sống bà con trong bản.

Còn anh Hồ Văn Lia, cũng ở bản 1 lo lắng: "Sau mỗi đợt mưa là bờ sông lở thêm hàng chục mét. Trước đây còn những rặng tre thì đỡ hơn, giờ đã bị cuốn trôi hết nên không còn gì che chắn nữa". Nói rồi anh Lia chỉ về hướng bụi tre bị cuốn về sát mép sông mà lắc đầu ngán ngẩm. Ngay cả những cây cổ thụ hàng chục năm tuổi, những bụi tre già cũng bị đánh bật gốc, gãy đổ nghiêng ngả thì đủ thấy sức nước mạnh đến cỡ nào. Mảnh vườn của anh giáp bờ sông bây giờ không còn nữa. Nếu cứ tiếp diễn như thế này thì chắc chắn một thời gian nữa nhà sàn cũng bị cuốn xuống sông.

Nước lũ khoét sâu để lại những hàm ếch dưới bộ rễ
Nước lũ khoét sâu để lại những hàm ếch dưới bộ rễ
 
Bản 1 (mới) có 33 hộ với 174 nhân khẩu, người dân nơi đây định cư từ sau giải phóng đến nay. Để thuận tiện cho việc sinh hoạt, người dân chọn cách dựng nhà sát bờ sông để vừa tận dụng nguồn nước và tiện cho việc mưu sinh trên sông.

Trưởng bản 1 Hồ Văn Pâng nói: Mỗi lần họp bản, người dân đều có ý kiến về sự việc này. Bản cũng kiến nghị lên xã, cũng đưa ra nhiều giải pháp khắc phục nhưng cũng đành bó tay do sạt lở quá nghiêm trọng. Hễ cứ đến mùa mưa lũ thì nước sông dâng lên rất nhanh, sông Sê Pôn đoạn qua bản 1 có độ dốc rất lớn nên nước chảy xiết, cuốn trôi tất cả cây cối và đe dọa tính mạng người dân.

Nhiều hộ dân ở các bản 1 cũ, bản 2, 3, 4… cũng đang hết sức lo âu khi bờ sông cứ ngày một ngoạm sâu vào khu dân cư. Nhiều ngôi nhà chỉ còn cách điểm sạt lở chưa đầy 10 m.

Ông Nguyễn Xuân San, Phó Chủ tịch UBND xã Thuận cho hay, xã Thuận có địa hình đặc biệt, mỗi lần mưa bão là cả xã bị chia cắt, cô lập với bên ngoài. Đặc biệt là các bản định cư sát sông Sê Pôn, sạt lở cứ xảy ra thường xuyên. Người dân và chính quyền đã tìm mọi cách để khắc phục những đoạn xung yếu có nguy cơ sạt lở cao như trồng cây, đóng cọc gia cố bờ sông nhưng cuối cùng đành phải bất lực trước thiên tai.

Kè chống sạt lở cũng tan tành

Rời xã Thuận, chúng tôi tiếp tục đến xã Tân Thành, huyện Hướng Hóa, nằm sát bên dòng Sê Pôn. Đây cũng là địa bàn xảy ra sạt lở khá nghiêm trọng đe dọa cuộc sống của hàng chục hộ dân.

Những hộ dân sống ven con suối Mỹ Yên đổ ra sông Sê Pôn đang từng ngày, từng giờ lo sợ căn nhà của mình có thể sập bất cứ lúc nào. Đây là con suối có độ dốc lớn nên tình trạng sạt lở xảy ra thường xuyên. Trước đây, con suối này chưa được xây kè chống sạt lở, người dân phải trồng cây xanh, đóng cọc tre… để đề phòng suối “nuốt chửng”, lâu dần rễ cây bám chắc cũng che chở phần nào cho những hộ dân nơi đây.

Tuyến kè mới đưa vào sử dụng đã bị mưa lũ đánh tơi tả, nằm ngổn ngang bên mép suối
Tuyến kè mới đưa vào sử dụng đã bị mưa lũ đánh tơi tả, nằm ngổn ngang bên mép suối

Năm 2011, tuyến kè chống sạt lở với giá trị gần 9 tỷ đồng được đầu tư xây dựng nhằm ngăn chặn tình trạng sạt lở tại đây. Để xây được kè, đơn vị thi công phải san ủi mặt bằng, chặt bỏ những cây cổ thụ hàng chục năm do người dân trồng trước đây. Sau hơn 1 năm thi công, vào tháng 10 năm 2012, tuyến kè chống sạt cũng hoàn thành và đưa vào sử dụng, người dân tin tưởng có kè thì họ sẽ yên tâm sinh sống.

Tuy nhiên, chưa sử dụng được bao lâu tuyến kè đã xuống cấp và buộc người dân phải di dời đi nơi khác. Những hộ dân còn bám trụ ở đây cũng rơi vào trạng thái thấp thỏm lo âu vì bị sạt lở đe dọa.

Có mặt tại đây, PV ghi nhận tuyến kè chống sạt lở có chiều dài gần 500m bị mưa bão đánh tan hoang. Từng mảng bê tông đã bị nước bóc ra từng mảng, trôi dạt nằm ngổn ngang. Nhiều trụ chịu lực cũng bị bẽ gãy nằm trơ lõi sắt. Hàng ngàn m3 đất đá cũng bị cuốn phăng xuống dòng Sê Pôn hung dữ…

 
Rất nhiều trụ bê tông chịu lực bị đánh gãy nghiêng ngả, chỉ còn trơ lõi sắt
Rất nhiều trụ bê tông chịu lực bị đánh gãy nghiêng ngả, chỉ còn trơ lõi sắt
Rất nhiều trụ bê tông chịu lực bị đánh gãy nghiêng ngả, chỉ còn trơ lõi sắt
Rất nhiều trụ bê tông chịu lực bị đánh gãy nghiêng ngả, chỉ còn trơ lõi sắt

Nhà ông Vi Xuân Thủy, ở thôn Bích La Đông nằm cách suối Mỹ Yên chưa đầy 5m đang bị ảnh hưởng khá nặng nề. Một phần nhà dưới của ông đã lộ ra nhiều vết nứt nẻ do nền đất bị sụt lún. Một khoảng sân cho chiều rộng hơn 1m cạnh mép sông đã bị sụt xuống, hàng rào cũng bị hư hỏng nặng. Ông Thủy và một số người dân khác cho biết, trước đây chưa có kè thì sạt lở ít hơn bởi đã có cây cối chống đỡ, nhưng sau khi xây kè, chân đất bị đào xới nên  kết cấu yếu hơn. Chỉ qua đợt bão số 8 mà tuyến kè trị giá hàng tỷ đồng cũng không đủ sức chống chọi, phát huy tác dụng kè chống sạt lở thì lấy đâu để bảo vệ nhà dân.

Nhiều hộ dân khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự, hộ thì mất đất mất vườn, hộ thì sạt lở ăn sâu vào đến tận nhà. Nhưng tất cả họ đều có chung một mối lo về mùa này nước sông Sê Pôn rất hung hãn, nếu có chuyện gì xảy ra thì làm sao sức người có thể chống đỡ nổi với thiên tai. Không thể tiếp tục chứng kiến thực trạng sạt lở cứ tiếp diễn, đe dọa mạng sống và tài sản, các hộ cùng xóm với ông Thủy như ông Đỗ Xuân Thu, Lê Thị Ngọc, Lê Bá Dũng… đã phải di dời đi nơi khác, chỉ còn ông Thủy ở lại đối diện với “thủy thần”.


Được biết, rất nhiều lần các hộ dân trong thôn Bích La Đông và xã Tân Thành đã kiến nghị lên cơ quan chức trách về thực trạng này nhưng vẫn chưa có phương án thiết thực. Người dân sống cạnh các vùng xung yếu luôn nơm nớp, lo sợ vì sạt lở có thể mang đến nguy hiểm cho họ bất cứ lúc nào.

Đăng Đức