1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Hàng trăm hộ dân lao đao vì thiếu nước ngọt

(Dân trí) - Mấy tháng qua, hàng trăm hộ dân sống ở huyện Thới Bình, U Minh (Cà Mau) và một phần huyện An Minh (Kiên Giang) gặp cảnh thiếu nước ngọt sinh hoạt khiến cuộc sống bị xáo trộn.

Nhìn người ta tắm bằng nước ngọt mà… thèm

 

Huyện An Minh (Kiên Giang), huyện Thới Bình, U Minh (Cà Mau), những nơi nổi tiếng buồn và “muỗi kêu như sáo thổi”, dù đã có những con đường nhựa, đường đan đến từng ấp, từng xã nhưng nhà dân vẫn còn thưa thớt, bốn bề là tràm và… nước mặn.

 

Thiếu nước ngọt sinh hoạt, cuộc sống của dân khốn khổ, như một người dân chia sẻ “đến tắm cũng không dám tắm nhiều vì nước ngọt rất hiếm”.
 
Hàng trăm hộ dân lao đao vì thiếu nước ngọt  - 1

Người dân bơi xuồng đi mua nước là cảnh thường thấy ở Thới Bình, An Minh

 

Ông Đinh Văn Ân (xã Biển Bạch, huyện Thới Bình) cho biết nhà ông may mắn lắm mới đào được mấy cái hầm lấy nước lợ để dùng chứ nhiều hộ khác chỉ đào được hầm nước mặn.

 

Ông Ân chỉ cho chúng tôi xem mấy hầm chứa nước lợ của nhà mình. Nước trong hầm mang một màu vàng nhạt do có phèn, là thứ nước dùng để tắm rửa, giặt giũ hàng ngày, lúc bí có thể lọc phèn để nấu ăn. Một vài cái hầm khác nước đỏ ngầu, ông Ân nói những hầm này đã bỏ, không dùng được nữa.

 

Với 6 tháng nắng, 6 tháng mưa, cuộc sống người dân nơi đây chỉ phụ thuộc vào “ông Trời”. 6 tháng mưa thì nhà nhà chuẩn đồ chứa nước, đến 6 tháng nắng thì chỉ có 2 cách: đào hầm và đi mua nước.

 

Những hộ dân sống dọc dòng Ngã Bát thuộc huyện An Minh còn khốn khổ hơn khi không thể đào được hầm lấy nước. Họ chỉ có một cách duy nhất là mua nước ngọt để dùng.
 
Hàng trăm hộ dân lao đao vì thiếu nước ngọt  - 2
Một trạm bơm bé tí phục vụ nước cho hàng trăm hộ dân ở xã Biển Bạch

 

Hai vợ chồng ông Trần Văn Lâu ngồi buồn thiu trước cửa, đang chờ cậu on trai đi mua nước về. Ông Lâu cho biết, mấy tháng nay toàn phải đi mua nước, cuộc sống khốn khó, riêng tiền mua nước đã chiếm một khoản lớn. Các ghe bán nước đi từ rất sớm, có khi 2, 3 giờ sáng đã tranh cướp nhau mua. Ông Lâu nói có hôm chờ trước cửa từ 1h sáng mà khi ghe đi qua thì đã hết nước.

 

Dân nghèo chỉ dám mua nước cầm chừng, một lu xi măng (khoảng 400 lít) giá 30.000 đồng. Gia đình ông Lâu có 7 người, 1 lu nước ấy phải tằn tiện lắm, cố để dùng trong nửa tháng. Vợ ông Lâu nói vui: “Thấy người ta giàu, tắm xả láng bằng nước ngọt, nhìn mà ham”.

 

UBND xã cũng “bó tay”

 

Trao đổi với PV về nỗi khổ của dân, ông Phạm Trường Sơn - Phó Chủ tịch UBND xã Biển Bạch - thẳng thắn nói: “Không phải chính quyền địa phương không lo cho dân, không đầu tư các trạm bơm mà là vùng đất này rất hiếm chỗ có thể khoan được nước ngầm. Ấp Thanh Tùng và ấp 18 có khoảng 800 hộ dân, dài hơn 7km nhưng chỉ khoan được 1 chỗ có nước. Trạm bơm này cũng chỉ phục vụ được cho 120 hộ dân, số còn lại chỉ còn cách đi mua nước hoặc đào hầm thôi”. 

 

Xã cũng không thể hỗ trợ gì hơn, tiền nước thu được từ các hộ dân thì cũng gom lại để trả tiền điện ở trạm bơm. Do giá nước thấp nên nhiều tháng, UBND xã phải bỏ tiền ngân sách ra để trả thêm tiền điện. Ngân sách xã có hạn nên khó có thể hỗ trợ người nghèo tiền mua nước. Vài năm qua, xã cũng chỉ có thể kết hợp với các ngành chức năng khác hỗ trợ hơn 200 bồn nhựa loại 1.000 lít cho hộ nghèo chứa nước. 
 
Hàng trăm hộ dân lao đao vì thiếu nước ngọt  - 3
Người dân huyện U Minh vui mừng vì được xã hỗ trợ bồn chứa nước 1.000 lít. (ảnh chụp sáng ngày 31/3 tại xã Khánh Thuận, U Minh)

 

“Ngay cả UBND xã cũng phải đi mua nước để phục vụ sinh hoạt cho cán bộ nhân viên. Xã có khoan một bơm nước ngay tại trụ sở nhưng nước ở đây chỉ để rửa tay, bí quá thì cũng tắm đại cho xong” - ông Sơn nói.

 

Theo lãnh đạo xã, nhiều năm nay có khá nhiều cuộc thăm dò của các cơ quan ban ngành nhưng vẫn không tìm ra được nơi có thể khoan được nước ngọt.

 

Cũng theo lãnh đạo xã Biển Bạch, để khắc phục vấn đề này, xã có đề xuất làm trạm bơm lớn có thể đặt ở xã Tân Bằng kéo dài đến các ấp của xã Biển Bạch. “Tuy nhiên để làm được trạm bơm này thì kinh phí là rất lớn. Xã, huyện thì “bó tay” rồi, chỉ còn tỉnh nhưng chưa biết chừng nào đây” - ông Sơn bùi ngùi nói.

 

Huỳnh Hải

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm