1. Dòng sự kiện:
  2. Cơn bão Yagi
  3. Người hùng cứu tài xế gặp nạn ở cầu Phú Mỹ

Thanh Hóa:

Hàng trăm hộ dân kêu cứu vì bãi rác ô nhiễm

(Dân trí) - Hơn chục năm qua, hàng trăm hộ dân sống quanh bãi rác Trung Sơn (thị xã Sầm Sơn- Thanh Hóa) phải sống chung với ruồi muỗi, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Du khách "đổ về" Sầm Sơn càng nhiều thì người dân nơi đây bị tra tấn bởi rác thải càng lớn.

Bãi rác thải khổng lồ của thị xã Sầm Sơn đang khiến hàng trăm hộ dân "sống dở chết dở"

 

Sống chung với ô nhiễm

Nuôi cá - cá chết, lúa cấy xuống - mất mùa, bơm nước tưới cây - cây lụi dần, ăn cơm phải đóng kín cửa, đêm ngủ phải bịt khẩu trang… Đó là tình cảnh "khốn khổ" mà người dân sống gần bãi rác đã phải gồng mình chịu đựng cả chục năm qua. Nhiều hộ dân không chịu được đã phải bỏ đi nơi khác sinh sống.

Những năm gần đây, lượng rác thải của toàn thị xã du lịch Sầm Sơn đổ dồn về bãi chứa này quá nhiều khiến bãi rác ngày càng phình ra, quá tải. Rác thải tràn ra cả các ngăn lắng lọc, xuống dọc bờ sông Đơ rồi đổ trực tiếp ra biển Sầm Sơn.

Ông Nguyễn Hữu Hào, người dân phường Bắc Sơn cho biết: “Hơn chục năm nay môi trường ở đây bị “đầu độc” nghiêm trọng. Rác thải của cả thị xã tập trung về bãi chứa rác của phường, qua thời gian thẩm thấu xuống đất, chảy ra sông Đơ, khiến cho cả con sông dài hàng chục cấy số đen ngòm, chẳng ai còn dám lội xuống nữa. Thậm chí, hôm nào trở trời cá lại chết nổi trắng sông”

Nhà ông Hào ngoài ông và vợ bị bệnh về đường hô hấp còn có 4 đứa cháu cũng đều mắc bệnh viêm họng cấp, viêm họng hạt. Riêng ông Hào cứ khi nào trời nồm, mùi nồng nặc bốc lên là ông lại phải nhập viện vì căn bệnh đường hô hấp.

 

unnamed-c5421
Cách cải tạo bãi rác của cơ quan chức năng Sầm Sơn là dùng đất lấp lên tuy nhiên mùi hôi thối vẫn không ngừng tra tấn người dân

Căn nhà ông Hào ở chỉ cách bãi rác chừng vài ba trăm mét nên chịu ảnh hưởng vô cùng nặng nề. Toàn bộ căn nhà của ông đều phải lắp cửa kính để đóng kín mỗi khi có gió lùa vào.

Trước đây, gia đình ông được đánh giá là hộ dân dẫn đầu thị xã Sầm Sơn về chăn nuôi. Mỗi năm  xuất bán hàng nghìn con lợn, gà, vịt cùng hàng tấn cá. Tuy nhiên từ năm 2000, do có bãi rác, cá thả xuống ao là chết hết, vịt, gà cũng chết sạch.

Ngoài hộ ông Hào, hàng chục hộ dân khác trong vùng cũng lần lượt giã từ nghề chăn nuôi; nhiều diện tích đất hai lúa quanh bãi rác phải bỏ hoang vì lúa cấy xuống không thể sống nổi. Thậm chí, có 3 hộ dân phải bỏ nhà ra đi vì không thể chịu cảnh ô nhiễm môi trường là bà Lệ, thôn Khanh Tiến – phường Trung Sơn; ông Lý, thôn Long Sơn, bà Xuân, thôn Đồng Xuân – phường Bắc Sơn.

“Chúng tôi nhiều lần kiến nghị phải di dời bãi rác khỏi khu vực này hoặc nếu không thì phải có phương án chuyển chúng tôi đi nơi khác để chúng tôi có cuộc sống bình thường” - ông Hào nói.

Cùng chung tình cảnh với ông Hào là nhà ông Nguyễn Ngọc Ký. Ông Ký cho hay thứ nước mà ông khoan để tưới cây nó ô nhiễm đến mức tưới cho cây mà cây xót đến chết.

 

unnamed-11-00884
Nước xả của dự án xử lý nước thải đổ trực tiếp ra sông càng khiến mức độ ô nhiễm trở nên trầm trọng hơn

“Chúng tôi phải đóng mỗi hộ hơn 5 triệu đồng kéo đường ống nước sạch về sử dụng. Khổ nỗi, do đường ống xa nhà máy nên nhiều hôm mất nước phải xách can đi hơn 1 cây số xin nước về nấu ăn, tắm rửa. Khổ ghê gớm”, ông Ký cho hay.

Trước tình trạng ô nhiễm trên, các hộ dân đã nhiều lần làm đơn kiến nghị hoặc ý kiến trong các cuộc tiếp xúc cử tri, tuy nhiên, tình trạng trên vẫn không được cải thiện. “Nói mãi rồi, ý kiến cũng mãi rồi, bao nhiêu năm qua có thay đổi được gì đâu nên chúng tôi giờ chấp nhận sống chung với ruồi muỗi, mùi hôi thối. Ai không chịu được thì bỏ làng mà đi, đó là những gia đình có điều kiện chứ chúng tôi bỏ làng thì biết đi đâu” – bà Lê Thị Được, thôn Khanh Tiến thở dài.

Dân phải chờ đến bao giờ?

Được biết, bãi rác thải của thị xã Sầm Sơn được xây dựng từ năm 1997, với diện tích hơn 2 ha, khu một chôn lấp rác và hai khu còn lại để lắng lọc nước thải, xử lý ô nhiễm trước khi xả ra môi trường. Tuy nhiên, do dân số gia tăng và lượng khách du lịch đến với Sầm Sơn ngày một đông nên bãi rác thải đã và đang quá tải.

Năm 2014, UBND tỉnh Thanh Hóa đã phê duyệt Dự án nâng cấp, cải tạo bãi rác thải của thị xã Sầm Sơn với tổng giá trị đầu tư ban đầu 26,3 tỷ đồng. Dự án này sẽ làm giảm ô nhiễm môi trường góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân khu vực xung quanh. Theo yêu cầu, bãi rác thải phải hoàn thành trước 30/4 để phục vụ mùa du lịch hè năm 2015.

 

unnamed-10-38710
Nước xả tại dự án xử lý nước thải thị xã Sầm Sơn

Tuy nhiên, trên thực tế cho đến nay, không những việc ô nhiễm không giảm đi mà ngược lại, tình trạng ô nhiễm vẫn tiếp tục và có chiều hướng tăng lên.

Trao đổi với PV Dân trí về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Quang, Trưởng BQL dự án xây dựng công trình thị xã Sầm Sơn thừa nhận dân phản ánh là đúng. Thế nhưng khi được hỏi hiện có bao nhiêu hộ dân ảnh hưởng trực tiếp từ bãi rác này thì ông Quang không nắm được.

Việc người dân phản ánh một số hộ bỏ đi hay nhiều diện tích đất lúa bỏ không vì ô nhiễm thì ông cho rằng không đúng. “Đó chỉ là một hai nhà ở tạm (?!)”. Lúa ở đấy không ảnh hưởng gì. Họ vẫn trồng bình thường. Dân bỏ ruộng do năng suất thấp chứ không phải do ô nhiễm môi trường. Anh nghĩ thế vì anh không đi khảo sát!”.

Cũng theo vị lãnh đạo này thì hướng xử lý chỉ là cách người dân phải chờ bãi chứa rác xã Đông Nam, huyện Đông Sơn hoàn thành thì sẽ đóng cửa bãi rác Trung Sơn. Tuy nhiên, dự kiến khi nào bãi rác xã Đông Nam hoàn thành thì vị này cũng chịu vì “chắc phải 3-4 năm hay ít hơn. Cái này còn phụ thuộc về vốn”.

Theo Quy chuẩn của Bộ Xây dựng quy định về khoảng cách an toàn về môi trường giữa tường rào khu chôn lấp chất thải rắn thông thường đến khu dân cư nêu rõ: Khoảng cách an toàn vệ sinh nhỏ nhất giữa hàng rào bãi chôn lấp chất thải rắn đến chân công trình dân dụng khác lớn hơn 1000m. Tuy nhiên, theo khảo sát của PV, bãi rác phường Trung Sơn chỉ cách nhà dân chừng 200 – 300 mét.

Nguyễn Thùy

 

 

Hàng trăm hộ dân kêu cứu vì bãi rác ô nhiễm - 4