1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Hàng rong “họp chợ”, doanh nghiệp “làm giá” giữ xe

(Dân trí) - Tái lấn chiếm hè phố để kinh doanh rất khó quản, tái diễn cảnh coi xe “chặt chém”, hàng rong tái chiếm phố cấm… Sơ kết 7 tháng thực hiện việc quản lý sử dụng hè phố, lòng đường và hoạt động bán hàng rong chiều qua, TP vẫn đau đầu vì những con số.

Hàng rong “họp chợ”, doanh nghiệp “làm giá” giữ xe - 1
 
Khoán thầu vẫn khó quản loạn giá gửi xe

62 tuyến phố cấm hàng rong, 56 tuyến phố cấm để xe trên hè phố, lòng đường hình thành theo Quyết định 02 và 20 của UBND thành phố 7 tháng trước.

Đưa hoạt động trông giữ phương tiện vào “khuôn”, quận Hai Bà Trưng đề xuất tổ chức điểm trông giữ xe tại 34 tuyến phố. Quận Ba Đình đưa ra 19 điểm sắp xếp phương tiện trên phố cấm và 135 điểm trên các tuyến khác. Quận Đống Đa có 13 điểm, quận Cầu Giấy đề xuất 5 điểm. Riêng quận Hoàn Kiếm “vô địch” với 169 điểm trông giữ xe đạp xe máy và 140 điểm trông giữ ô tô cần sắp xếp.

7 tháng thực hiện Quyết định 02 và 20, các lực lượng chức năng của thành phố đã xử lý gần 130.000 trường hợp vi phạm, phạt tiền 9 tỷ đồng. Gần 300.000 lượt cảnh sát, thanh tra giao thông, quản lý thị trường, bảo vệ dân phố, lực lượng tự quản tham gia kiểm tra, xử lý vi phạm.
Báo cáo sơ kết, Phó GĐ Sở GTVT Nguyễn Hoàng Linh khái quát, tình trạng tái lấn chiếm hè phố để kinh doanh khó quản hết. Các bãi trông xe tự phát phổ biến, nhiều nơi, các tổ chức cá nhân vẫn tự ý cắm biển, quây hè để trông xe. Khu vực các nhà hàng ăn uống, quán bia, ô tô vẫn đỗ tràn lan dưới lòng đường

Than khó về mô hình “khoán quản” dịch vụ trông giữ xe, chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Hoàng Công Khôi “giãi bày”: để các phường tự tổ chức các điểm trông giữ thì chủ yếu giao cho con em, người thân tự tung tự tác; Cty khai thác điểm đỗ thì “đặc quyền đặc lợi”, chỉ phải nộp 2% doanh thu để giữ trật tự đô thị; doanh nghiệp tham gia xã hội hoá thì “bán cái”, bán bãi, giá trông giữ xe lại nhảy loạn…

Tình trạng các doanh nghiệp tổ chức trông giữ phương tiện không đúng quy định, vi phạm về diện tích bãi khai thác, thu phí (đặc biệt trong các dịp lễ, tết, các điểm di tích lịch sử) vẫn xảy ra.

Đánh giá 6 doanh nghiệp tham gia khoán thầu các điểm trông giữ xe sau 5 tháng thực hiện, ông Khôi cho biết, chỉ 3 đơn vị đáp ứng yêu cầu. Chủ tịch quận khẳng định, sẽ kiến quyết loại bỏ đơn vị thiếu năng lực.
 
Hàng rong “họp chợ”, doanh nghiệp “làm giá” giữ xe - 2

Về khía cạnh trách nhiệm, ông Khôi thừa nhận, công tác chỉ đạo của quận chưa thường xuyên, thiếu quyết liệt. Việc tổ chức thực hiện ở cơ sở thiếu tập trung, dịp sau Tết Nguyên đán vừa qua buông lỏng, tái diễn cảnh coi xe “chặt chém”.

Bàn đến việc áp mô hình khoán quản cho các quận khác, Phó giám đốc Sở Công thương Nguyễn Thị Như Mai cho rằng phải thận trọng. Bà Mai phân tích, quận Hoàn Kiếm “màu mỡ” hơn hẳn với hơn 200 điểm trông giữ xe, lưu lượng lớn. Trong khi các quận khác, như Đống Đa hoạt động kinh doanh, dịch vụ thương mại không sôi nổi được vậy, doanh nghiệp khó mặn mà, hấp dẫn. Đây là địa bàn khó hút “nhà đầu tư” hơn cả.

Hàng rong chuyển địa bàn… tập kích

Sau hơn 7 tháng triển khai cấm hàng rong trên 62 tuyến phố, đến nay, nhiều tuyến hàng rong đã lại tái chiếm, cảnh quan không còn được như những ngày đầu mới ra quân. Các tuyến phố hàng rong nhan nhản trở lại được điểm mặt như Cát Linh, Tây Sơn (quận Đống Đa); Hàng Gai, Hàng Bông, Hàng Cân, Lương Văn Can, Hàng Lược, Chả Cá (quận Hoàn Kiếm); Sơn Tây, Phan Đình Phùng (quận Ba Đình)…

Tại các điểm du lịch, chùa chiền, vẫn tồn tại quán nước, sạp hàng bán hoa, đồ lễ, ăn uống trước cửa di tích.

Nguyên nhân chính được chỉ ra là lực lượng làm nhiệm vụ kiểm tra xử lý còn mỏng, nhất là những khu vực có nhiều hoạt động kinh doanh buôn bán. Ngoài giờ hành chính, buổi tối, ngày nghỉ thiếu lực lượng kiểm tra, xử lý nên để xảy ra hiện tượng tái lấn chiếm.
 
Hàng rong “họp chợ”, doanh nghiệp “làm giá” giữ xe - 3

Phó GĐ Sở Công thương thẳng thắn: “Tình trạng hàng rong ở trung tâm thành phố có giảm nhưng thực tế số lượng người hành nghề không giảm đi mà tràn về địa bàn các quận, huyện khác. Ở những điểm tập trung mới, hàng rong thậm chí tụ thành chợ cóc, chợ tạm”. Việc chính quyền cơ sở những nơi có hiện tượng này chủ trương gom số người buôn thúng bán bưng vào một điểm, tổ chức thu phí hàng ngày càng tạo điều kiện hình thành nhan nhản các khu chợ tạm bợ ở hè đường, lòng phố.

Đánh giá tổng kết, Phó chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Văn Khôi chỉ đạo các tổ công tác liên ngành, lực lượng chức năng bố trí kiểm tra, xử phạt thường xuyên, đồng bộ và bám sát địa bàn được phân công để ngăn hàng rong tái chiếm phố.

Để có hiệu quả hơn, ông Khôi nhấn mạnh việc tổ chức các tuyến phố liên thông, khoanh theo khu vực danh sách 62 tuyến cấm cũng như mở rộng các tuyến ở 9 quận huyện và 2 thành phố trực thuộc (Hà Đông và Sơn Tây).

Phó chủ tịch thành phố cũng giao công an Hà Nội chủ trì, cùng Sở GTVT, Sở Công thương kiểm tra thường xuyên việc thu phí trông giữ phương tiện, diện tích và vác điều kiện đảm bảo ở mỗi điểm trông giữ.

P.Thảo