“Hàng rào dioxin”

(Dân trí) - Sau 3 năm triển khai, hàng rào cây bồ kết ở xã Đông Sơn, huyện A Lưới, tỉnh TT-Huế đang ngăn ngừa có hiệu quả việc con người và động vật tiếp xúc với “miền đất chết” nhiễm dioxin nặng nề.

Miền đất chết

 
“Hàng rào dioxin” - 1

Chị Hồ Thị Hơ vui mừng bên cây Bồ kết  sắp cho quả
 
Hòa bình đã hơn 35 năm, nhưng vùng đất Đông Sơn, trước đây là trung tâm sân bay Mỹ, vẫn còn nhiễm độc nặng nề. Con người và sinh vật đang phải từng ngày gắng chịu nhiều hậu quả của chất độc dioxin. Toàn xã hiện có 270 hộ thì có đến 60 người nhiễm độc, 37 cháu có triệu chứng đau đầu, chóng mặt, co giật.
 
“Con trai đầu lòng của tui nằm liệt giường đã 13 năm nay, khi mới sinh ra nó cũng bình thường như bao đứa trẻ khác”, chị Thâm sụt sùi. Cách nhà chị Thâm gần 600m, cô con gái thứ 3 của ông Đạt cũng bị dị dạng, đầu to, khuôn mặt méo mó, nói cười bất thường. Một gia cảnh thương tâm khác là bà Thong, sinh được 3 người con thì cả 3 cùng phát triển không bình thường, chân tay teo tóp co quắp, thiểu năng trí tuệ.
 
Không riêng gì con người, cây cối và nhiều sinh vật khác ở vùng đất này cũng không phát triển được bình thường. Ông Xèng, người dân xóm 1 xã Đông Sơn, cho biết: “Đất của xã nhiều, rộng thoải mái cho trồng trọt, lại tơi xốp dễ làm nhưng không cho thu hoạch. Trỉa ngô thì không có trái mà có thì cũng không được mấy hạt, làm lúa cũng không xong, hạt lép nhiều quá”.
 
Cũng chính vì đất đai nhiễm độc không thể canh tác nên bà con người Pa Cô nơi đây phải bỏ đất hoang ở làng đi đốt nương làm rẫy tỉa bắp, tỉa lúa. Trâu bò chăn thả ở khu vực nhiễm độc nặng, “có nhiều con buổi chiều còn gặm cỏ, tối lăn đùng ra chết. Nghé con, bê con chết ngạt, quái thai từ trong bụng mẹ cũng nhiều”, một người dân cho biết.

 

Bồ kết cách ly

 

Thống kê con số người nhiễm chất độc thấy quá lớn, Trung tâm Hỗ trợ Bảo vệ thiên nhiên và phát triển cộng đồng, do tiến sĩ Phùng Tữu Bôi làm chủ tịch, đã tiến hành khảo sát đất đai, nguồn nước… “Dư lượng chất độc quá lớn, lại tập trung đậm đặc ở một số khu vực thuộc xã Đồng Sơn, thấy cần phải cách ly khẩn trương nên ngay sau đó chúng tôi đã cho trồng cây bồ kết làm hàng rào hạn chế con người và trâu, bò tiếp xúc” - Tiến sĩ Bôi cho biết.
 
Ban đầu do trồng không có hàng rào thép gai bảo vệ nên trâu, bò giẫm đỗ gãy hết, dự án coi như hỏng. Hai năm sau, vào đầu xuân 2006, một lần nữa Trung tâm phối hợp với Tổ chức Warrlegacies (Tổ chức hàn gắn vết thương chiến tranh của Mĩ) tiến hành trồng lại cũng giống cây bồ kết nhưng có hàng rào thép gai bảo vệ, bên ngoài đào hào sâu, rộng hơn 1m. Lần này thì trâu, bò không thể vào phá nên dự án phát triển thuận lợi. Hiện tai hàng rào bồ kết đã cao ngang đầu người. 
 
Cũng theo tiến sĩ Bôi, việc chọn trồng cây bồ kết mà không phải là những cây khác vì cây bồ kết thích nghi với điều kiện thời tiết của vùng, lá của nó trâu, bò không ăn, đặc biệt, trái bồ kết dùng chiết xuất làm dầu gội đầu, theo kinh nghiệm người dân còn dùng trong xông sưởi cho phụ nữ khi sinh đẻ, khi có người cảm, đầy hơi… Cây của nó lại lắm gai nên ngăn người và gia súc vào khu vực nhiễm độc.
 
Thành công bước đầu đã được ghi nhận. Hiện nhiều hàng rào thép gai đang tiếp tục đi trước, cây bồ két theo sau để khoanh cho hết khu vực nhiễm độc nặng đã được khảo sát, cắm mốc.
 
Về định cư từ năm 1992, người dân Đông Sơn không hề biết nơi đây lại nhiễm dioxin nặng nề đến vậy. Trước con số người trong xã bị nhiễm độc quá lớn, chính quyền và nhân dân rất hoang mang, đồn đại do ma quỷ ám... Nay được các chuyên gia giải thích, lại có hàng rào bồ kết ngăn độc, người dân đã yên tâm hơn rất nhiều.

 

Quốc Tuấn