Hàng nghìn người đội mưa dự kỷ niệm 70 năm đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc
(Dân trí) - Trong thời tiết mưa dày hạt, nhiều người dân như được sống lại thời khắc hào hùng của 70 năm về trước, khi nhân dân tỉnh Thanh Hóa đón đồng bào, cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết ra Bắc.
Tối 27/10, tại phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa diễn ra Lễ kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc (1954-2024) và khánh thành công trình tượng đài "Con tàu tập kết ra Bắc" (Ảnh: Thanh Tùng).
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hòa Bình, Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cùng lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương, lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa đã thực hiện nghi thức khánh thành Khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc (Ảnh: Minh Hiếu).
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa gửi lời thăm hỏi thân tình đến gia đình và thân nhân của hàng triệu đồng bào, chiến sĩ hai miền Nam - Bắc, những người đã đóng góp xương máu, sức người, sức của để tạo nên thành công của cuộc chuyển quân, đón tiếp đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc (Ảnh: Minh Hiếu).
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa nhấn mạnh, 70 năm đã trôi qua nhưng sự kiện đón tiếp cán bộ, chiến sĩ và đồng bào, học sinh miền Nam tập kết ra Bắc đã trở thành dấu ấn sâu đậm trong lịch sử dân tộc, trong trái tim của biết bao thế hệ đồng bào và cán bộ, chiến sĩ hai miền Nam - Bắc (Ảnh: Minh Hiếu).
Trong khuôn khổ buổi lễ, ông Nguyễn Doãn Anh, Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa, cho biết, lễ kỷ niệm là sự kiện có ý nghĩa lịch sử quan trọng. Đây là dịp để ôn lại những kỷ niệm xúc động, nghĩa tình; để tự hào về một giai đoạn hào hùng trong lịch sử dân tộc; nhắc nhở người dân về tinh thần đại đoàn kết dân tộc, tình cảm "Bắc - Nam một nhà", không thể chia cắt.
Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa khẳng định, công trình khu lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc có ý nghĩa lịch sử, nhân văn sâu sắc, là "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cách mạng, tinh thần yêu nước, điểm đến hấp dẫn của du khách trong và ngoài nước khi đến Sầm Sơn (Ảnh: Minh Hiếu).
Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, mặc dù thành phố Sầm Sơn mưa lớn do ảnh hưởng của bão Trà Mi, nhưng sự kiện vẫn thu hút đông đảo người dân tham dự. Đặc biệt, tại buổi lễ có hàng nghìn cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam trở về dự chương trình (Ảnh: Thanh Tùng).
"Khi về đây dự lễ kỷ niệm, tôi rưng rưng xúc động và khóc rất nhiều. Xem các tiết mục văn nghệ, tôi như được hồi nhớ lại một thời trước kia đã từng từ miền Nam ra Bắc.
Tôi vô cùng biết ơn sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và các cơ quan chức năng, ban ngành, đặc biệt là chính quyền tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức chương trình vô cùng ý nghĩa", bà Trần Hồng Loan (bên phải) chia sẻ (Ảnh: Thanh Tùng).
Nhiều người đội mưa, dùng điện thoại lưu giữ lại những khoảnh khắc kỷ niệm đáng nhớ tại buổi lễ (Ảnh: Thanh Tùng).
Một em bé cùng mẹ đội mưa dõi theo sự kiện đặc biệt ý nghĩa tại thành phố Sầm Sơn (Ảnh: Thanh Tùng).
Để buổi lễ diễn ra thành công, Công an tỉnh Thanh Hóa đã huy động hơn 400 cán bộ, chiến sĩ các phòng nghiệp vụ và Công an thành phố Sầm Sơn phối hợp với các lực lượng làm công tác bảo đảm an ninh trật tự công cộng, phòng chống cháy nổ cho buổi lễ (Ảnh: Thanh Tùng).
Thực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, từ ngày 25/9/1954 đến ngày 1/5/1955, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức đón tiếp 7 đợt, với 1.869 thương bệnh binh, 47.346 cán bộ, 5.922 học sinh và 1.443 gia đình cán bộ miền Nam tập kết ra Bắc.
Chính quyền và nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã tạo mọi điều kiện tốt nhất về nơi ăn, chốn ở, nuôi dưỡng đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam.