Thanh Hóa:
Hàng nghìn hộ dân hơn 10 năm sống chung với bãi rác
(Dân trí) - Hàng nghìn hộ dân sống quanh bãi rác Cồn Quán (Thanh Hóa), đang hàng ngày hàng giờ sống chung với ô nhiễm môi trường trầm trọng.
“Không đóng cửa sẽ tiếp tục chặn xe”
Đó là khẳng định của đông đảo người dân sống xung quanh bãi rác Cồn Quán. Họ cho biết hơn 10 năm qua họ đã chịu đựng khổ cực từ bãi rác này mang lại quá đủ rồi vì thế để bảo vệ mạng sống của bản thân, họ không chấp nhận sống chung với ô nhiễm, khí độc từ bãi rác này thêm nữa.
Bãi rác Cồn Quán ở phường Phú Sơn, TP Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa, được đưa vào hoạt động từ năm 2001, với tổng diện tích 4,2 ha thời gian hoạt động là 10 năm với công suất 140 tấn rác/ngày. Bãi rác Cồn Quán là nơi tiếp nhận rác của TP Thanh Hóa và một phần của huyện Đông Sơn. Lúc đầu, bãi rác có đầy đủ các hạng mục như nhà xưởng, khu phân loại rác, khu vi sinh và một dây chuyền sản xuất phân bón… Tuy nhiên mới đi vào hoạt động được 1 thời gian thì dây chuyền sản xuất phân bón “chết yểu” do không có đầu ra, dẫn đến các hạng mục khác cũng chết theo nên bãi rác chỉ được dùng làm nơi tập kết và chôn lấp rác.
Không những vậy, sau khi thành phố Thanh Hóa được mở rộng với 37 đơn vị trực thuộc gồm 14 phường và 23 xã, khối lượng rác thải sinh hoạt hàng ngày tăng lên khoảng 230 tấn/ ngày đêm. Đến nay, bãi rác đã quá tải gấp 3 lần so với công suất thiết kế, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Đặc biệt là nguồn nước và việc phát tán mùi ảnh hưởng tới đời sống nhân dân xung quanh
Chỉ cách trung tâm TP Thanh Hóa khoảng 1 km tính theo đường chim bay, nên bãi rác Cồn Quán là nỗi khiếp sợ của hàng nghìn hộ dân ở các phường Phú Sơn, Đông Thọ, xã Đông Tân, Đông Lĩnh… (TP Thanh Hóa). Vài năm trở lại đây, khi bãi rác này quá tải, phình ra người dân quanh bãi rác không được 1 ngày ăn ngon ngủ yên, cuộc sống bị đảo lộn do khí độc từ bãi rác bốc ra đầu độc người dân.
“Mục sở thị” bãi rác khổng lồ này mới hiểu được nỗi khổ của bà con nơi đây. Mùi hôi thối bốc lên nồng nặc cả một vùng.
Bà Vũ Thị Vinh người dân ở phố Tây Sơn 1, phường Phú Sơn bức xúc cho biết gia đình bà và người dân nơi đây nhiều năm nay sống trong hôi thối, ô nhiễm. Những năm lại đây, rất nhiều người dân mang trong mình bệnh hiểm nghèo và chết, đặc biệt là 2 căn bệnh ung thư và lao.
Còn bà Nguyễn Thị Tuất, phố Tây Sơn 2, phường Phú Sơn thì những hôm trời nóng nực, gió cứ thổi về hướng nào thì người dân ở hướng đó lãnh đủ, thậm chí tối đi ngủ đóng cửa kín mít đeo khẩu trang vẫn ngửi thấy mùi hôi thối.
Do quá bức xúc về tình trạng ô nhiễm của bãi rác ảnh hưởng đến cuộc sống, sức khỏe của người dân và những kiến nghị không được giải quyết nên vào tháng 9/2013, hàng chịu hộ dân ở phố Tây Sơn 1, phường Phú Sơn đã đứng ra chặn đường, đổ đất đá ngăn không cho xe chở rác vào bãi. Trước tình hình trên, lãnh đạo phường, TP Thanh Hóa, Sở TN-MT và đích thân ông Nguyễn Đức Quyền, Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa, đã xuống gặp gỡ bà con phố Tây Sơn và hứa hẹn đến giữa năm 2014 sẽ cho đóng cửa bãi rác Cồn Quán và xử lý triệt để ô nhiễm môi trường tại đây. Thế nhưng, đến nay đã gần hết tháng 6 bãi rác trên vẫn hoạt động bình thường và chưa có dấu hiệu đóng cửa.
Tính từ đầu năm giữa năm 2013 đến nay đã có 3 lần nhân dân tổ chức chặn đường không cho xe chở rác vào bãi. Gần đây nhất là sáng ngày 1/7/2014 nhiều người dân ở phường Phú Sơn kéo nhau ra cửa bãi rác Cồn Quán chặn đường không cho xe tiếp tục vào bãi đổ rác.
Ông Vũ Xuân Thung người dân phố Tây Sơn 1 (phường Phú Sơn) cho biết: “Lần này chúng tôi sẽ cố đợi đến hết tháng 8, nếu không đóng cửa bãi rác Cồn Quán người dân chúng tôi lại tiếp tục ra cản đường, không cho xe vào đổ rác”.
Dự án “rùa bò”
Theo ông Lê Văn Hoàng, cán bộ kỹ thuật Ban quản lý Khu chứa và xử lý rác thải tập trung Cồn Quán, cho biết hàng ngày đơn vị tiếp nhận khoảng 250 tấn rác, cao gần gấp đôi so với thiết kế ban đầu. Cũng theo ông Hoàng thì bãi rác này đã quá tải từ năm 2009, đến nay đã quá ô nhiễm. Để khắc phục ô nhiễm, đơn vị đã cho xử lý tạm thời bằng cách phun chế phẩm khử mùi, dùng máy ủi dồn nén, che phủ bạt để hạn chế ô nhiễm môi trường. Đây chỉ là giải pháp tình thế bởi lượng rác mỗi ngày một lớn nên bãi rác cứ phình ra, giờ chúng đã cao vượt quá tường bao có nơi tới 15m.
Trước tình trạng ô nhiễm môi trường ngày một trầm trọng ở bãi rác Cồn Quán, ngày 8/11/2010 UBND tỉnh Thanh Hóa đã ra Quyết định số 3992/QĐ-UBND về việc phê duyệt đầu tư xây dựng công trình Khu liên hợp xử lý chất thải rắn sinh hoạt của TP Thanh Hóa và vùng phụ cận giai đoạn I, tại khu vực Thung Chim - Núi Vàng, xã Đông Nam, huyện Đông Sơn, cách TP Thanh Hóa khoảng 18 km với diện tích trên 25 ha, có công suất xử lý 500 tấn rác/ngày với tổng mức đầu tư trên 88 tỷ đồng, thời gian thực trong vòng 5 năm. Công trình được giao cho Công ty TNHH một thành viên Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hóa (gọi tắt Cty Môi trường và Đô thị) làm chủ đầu tư. Tuy nhiên gần 5 năm trôi qua, khu vực xây dựng dự án vẫn là một bãi đất hoang chưa hề có một công trình nào được mọc lên.
Tại thông báo số 93/TB-UBND ngày 10-7-2013 về kết luận của Phó chủ tịch thường trực Nguyễn Đức Quyền trong buổi làm việc nghe tình hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt của TP Thanh Hóa và phương án đầu tư xây dựng khu xử lý rác thải ở xã Đông Nam, cho thấy bãi rác Cồn Quán được liệt vào danh mục các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, cần xử lý triệt để đến năm 2020. ông Quyền đã chỉ đạo UBND TP Thanh Hóa đốc thúc Cty Môi trường và đô thị nhanh chóng hoàn thiện các thủ tục để đấu mối với Bộ TN-MT xin hỗ trợ ngân sách Trung ương để xử lý triệt để môi trường ở bãi rác Cồn Quán. Về điều này, Cty Môi trường và đô thị cho biết đã được Bộ TN-MT chấp thuận hỗ trợ, nhưng đến nay vốn vẫn chưa rót về.
Cũng tại thông báo này, ông Nguyễn Đức Quyền đã đồng ý chủ trương khởi động lại dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn sinh hoạt của TP Thanh Hóa và vùng phụ cận giai đoạn I, tại khu vực Thung Chim - Núi Vàng. Trong khi chưa có nhà đầu tư đầu tư vào Khu liên hợp xử lý rác thải trên, Cty Môi trường và đô thị phải lập tiểu dự án xử lý rác thải sinh hoạt của TP Thanh Hóa để xử lý rác thải khi bãi rác Cồn Quán đóng cửa.
Mới đây, ngày 19/6/2014 tỉnh Thanh Hóa lại ra Quyết định số 1900/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh dự án đầu tư Khu liên hợp xử lý chất thải rắn sinh hoạt TP Thanh Hóa và vùng phụ cận. Theo đó, tổng mức đầu tư dự án đã được nâng lên từ 88 tỷ thành 133 tỷ 155 triệu đồng, bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước. Tiền giải phóng mặt bằng do UBND tỉnh và TP Thanh Hóa mỗi bên chịu một nửa, dự án sẽ có hiệu lực kể tử ngày ký.
Trao đổi với PV, ông Thiều Văn San, Phó giám đốc Công ty một thành viên Môi trường và Công trình đô thị Thanh Hóa, cho biết: “Hiện bãi rác ở vị trí mới đã cơ bản giải phóng xong mặt bằng, nếu mọi thứ thuận lợi thì đến tháng 9/2014 bãi rác sẽ đi vào hoạt động. Tuy nhiên điều quan trọng nhất hiện nay vẫn là vốn, quyết định điều chỉnh đã có, chỉ cần đợi vốn là chúng tôi cho triển khai và cố gắng hoàn thành đúng như dự kiến”.
Dù đã có nhiều văn bản, quyết định ban hành thế nhưng trên thực tế đến nay bãi rác Cồn Quán vẫn đang “oằn mình” gánh thêm hàng trăm tấn rác mỗi ngày và hàng nghìn người dân vẫn ngày ngày sống trong ô nhiễm không biết đến khi nào mới dừng lại. Còn bãi rác mới được phê duyệt xây dựng từ năm 2010 đến nay vẫn đang tiếp tục “chờ”.
Nguyễn Thùy