1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Quảng Nam:

Hàng nghìn hộ dân đối mặt với nguy cơ thiếu đói

(Dân trí) - Những ngày cuối tháng 4 đầu tháng 5 này, thay vì niềm vui "thóc lúa đầy bồ", hàng nghìn hộ nông dân Quảng Nam đang lo sốt vó bởi nguy cơ thiếu đói chờ chực.

Kéo chiếc xe bò lúa nhẹ tênh từ đồng về, ông Trần Minh Nhã (xã Bình Trị, huyện Thăng Bình) than thở : "Mấy năm thì chiếc xe này phải chở 2 chuyến với hơn 15 bao mới hết. Còn năm nay chỉ có 5 bao như thế này thì đã thấy cái đói trước mắt rồi".

Nguyên nhân là bởi, ngay lúc lúa đang làm đòng gặp thời tiết lạnh kéo dài đã khiến cho hơn 2 sào lúa của gia đình ông Nhã bị "đứng bánh", không chịu trổ. Cây lúa nào ráng sức trổ bông thì cũng "cứng đơ" ra đó vì không thể ngậm sữa, kết hạt.

Cái lạnh bất thường suốt gần cả hai tháng đầu năm 2008 (từ 14/1 đến 28/2) đã kéo theo hàng chục nghìn ha lúa, hoa màu của nông dân Quảng Nam bị thiệt hại nặng nề.

Theo thống kê sơ bộ của ngành nông nghiệp tỉnh, khoảng hơn 10.000 ha lúa ở các địa phương của huyện Quế Sơn, Thăng Bình, Duy Xuyên, Tiên Phước, Hiệp Đức, Nam Giang, Đông Giang… bị mất mùa nặng, trong đó 3.500 ha lúa phụ thuộc nước trời gần như bị mất trắng hoàn toàn.

Nhiều nơi, người nông dân đã cắt lúa cho bò ăn chứ không thu hoạch. Cũng có người vì tiếc của nên ra đồng cố gắng mót lúa để “đỡ một phần chi phí phân, giống, thuốc trừ sâu”.

Không chỉ mất mùa lúa, các loại cây trồng khác, nhất là bắp, đậu phụng cũng bị thất bát khá nặng. Vì mưa lạnh kéo dài nên cận tết, thậm chí nhiều nơi bà con nông dân phải sau tết mới tỉa nên cây đậu phụng rất ít đậu trái. “Năm ni thu hoạch không bằng 1/3 các năm trước”, lão nông Nguyễn Văn Tân (ở xã Quế Xuân, huyện Quế Sơn) cho biết.

Thường thì mất mùa lúa, hoa màu, người nông dân sẽ trông chờ vào con vật nuôi. Tuy nhiên, năm nay, “họa vô đơn chí”, người nông dân Quảng Nam lại bất đắc dĩ đón nhận cùng lúc 2 “tin buồn”. Đợt rét đậm, rét hại kéo dài nhất trong lịch sử đã khiến cho 1.679 con trâu, bò trên địa bàn tỉnh bị chết cóng. Rồi dịch cúm gia cầm, dịch tai xanh hoành hành bùng phát khiến cho cả trăm nghìn con vịt, gà và heo “không cánh mà bay”.

Hiện chưa có con số thống kê cụ thể nhưng theo ước tính của tỉnh, sẽ có khoảng vài chục nghìn người dân sẽ đối mặt với nguy cơ thiếu đói trong thời gian tới do tình trạng mất mùa, gia súc, gia cầm bị chết này.

Trước nguy cơ thiếu đói của người dân, UBND tỉnh Quảng Nam đã có quyết định chi hỗ trợ cho người dân bị thiệt hại. Cụ thể, hỗ trợ người nông dân có diện tích lúa nước vụ đông xuân bị thiệt hại với mức 420.000đồng/ha để mua giống cho vụ sản xuất hè thu tới; những gia đình có trâu bò bị chết rét được hỗ trợ 1 triệu đồng/con.
Ngoài ra, tỉnh cũng quyết định xuất gạo dự trữ để cứu đói trước mắt cho các hộ nông dân bị thiệt hại với mức 10kg gạo/người/tháng, trong thời gian 3 tháng.

Hỗ trợ gạo trong vòng 3 tháng, tiền để mua giống cho vụ sản xuất hè thu, đó là những giải pháp trước mắt để ổn định đời sống và sản xuất của người  dân. Còn về lâu dài, có lẽ phải cần một chính sách hỗ trợ khác. Bởi, trông chờ vào vụ sản xuất hè thu cũng đồng nghĩa với việc phải chờ thêm khoảng 4-5 tháng nữa.

Tường Vy