1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Nghệ An:

Hàng nghìn gia đình có công bị “lọt” chế độ do sai sót hồ sơ

(Dân trí) - Không được hướng dẫn cụ thể nên hơn 2.600 bộ hồ sơ gia đình có công với cách mạng tại 8 xã của huyện Nam Đàn bị sai. Trong khi chờ cơ quan chức năng sửa lại thì hàng nghìn người không được hưởng các chế độ ưu đãi của Nhà nước.

Sau khi Nhà nước có chủ trương trao tặng Huân - Huy Chương kháng chiến cho những gia đình có công với cách mạng (Huân - Huy chương gia đình), từ năm 1998-2000, hàng nghìn hộ dân tại huyện Nam Đàn (Nghệ An) háo hức đi làm. Sau khi hoàn tất các hồ sơ thủ tục, họ được UBND tỉnh Nghệ An trao Huân - Huy Chương kháng chiến. Theo quy định, với những Huân - Huy chương kháng chiến này, bên cạnh số tiền 1 triệu đồng/người, những người có tên được ghi trên Huân - Huy chương còn được cấp thẻ bảo hiểm y tế và được hưởng chế độ mai táng phí khi qua đời. Thế nhưng Huân - Huy chương nhận đã lâu mà các chế độ liên quan người dân vẫn chưa được hưởng.
Hàng nghìn gia đình có công bị “lọt” chế độ do sai sót hồ sơ
Bà Trần Thị Tuy: "Mẹ tôi mất lâu rồi mà chế độ dành cho người có công với cách mạng vẫn chưa được hưởng"

Ông Nguyễn Tiến Sỹ (xóm 5, xã Nam Phúc, Nam Đàn) cho biết: Năm 1967, bố mẹ ông là ông Nguyễn Nhuyễn (SN 1912) và bà Đặng Thị Tư (SN 1910) nhường căn nhà duy nhất của mình cho lực lượng bộ đội trú ngụ. Khi có chủ trương về việc làm hồ sơ để được tặng Huân - Huy chương gia đình, hai ông bà đã hoàn tất các thủ tục cần thiết. Thế nhưng không hiểu sao, khi Huân chương được trao thì không ghi “gia đình ông Nguyễn Nhiễm - bà Đặng Thị Tư” mà chỉ ghi tên của hai ông bà.

“Họ nói là huân chương ghi như vậy là Huân chương cá nhân chứ không phải là Huân chương gia đình nên các chế độ liên quan đến Huân chương gia đình chúng tôi không được nhận. Vừa rồi xã yêu cầu chúng tôi nộp Huân chương để làm lại. Bố tôi mất vào năm 1992, mẹ mất năm 1996, bây giờ mà làm lại hồ sơ và được tặng Huân chương gia đình thì các chế độ liên quan như bảo hiểm xã hội ông bà cũng không được hưởng nữa”, ông Sỹ cho hay.

Không giống như trường hợp của gia đình ông Nguyễn Nhiễm, đến thời điểm này bà Hà Thị Niên (xóm 4, Nam Phúc) vẫn chưa được nhận các chế độ giành cho gia đình có công với cách mạng chỉ vì người có tên trong Huân chương không phải là tên của bà. “Vợ tôi tên là Hà Thị Niên, trong hồ sơ giấy tờ gửi lên xã đều ghi rõ ràng như thế nhưng không hiểu sau đến khi được trao tặng thì Huân chương lại mang tên bà… Hà Thị Ninh. Vì tên trong huân chương và tên ở chứng minh thư nhân dân và các giấy tờ khác không giống nhau nên không thể làm được thẻ bảo hiểm y tế và cũng không được nhận chế độ dành cho gia đình có công với cách mạng”, ông Trần Khắc Lan - chồng bà Niên cho hay.

Trong khi đó, Huân chương gia đình của bà Hoàng Thị Tám (xóm 5, xã Nam Phúc) lại được ghi tên của con gái bà là Trần Thị Tuy. Bởi vậy dù bà Tám đã mất nhưng đến nay mọi chế độ cũng chưa được nhận.

Hàng nghìn gia đình có công bị “lọt” chế độ do sai sót hồ sơ

Ông Trần Khắc Lan: "Vợ tôi tên Niên mà Huân chương lại mang tên Ninh"
 
Tìm về UBND xã Nam Phúc, chúng tôi được bà Nguyễn Thị Hường - cán bộ phụ trách công tác chính sách xã - cho biết: Hiện tại xã Nam Phúc có 318 hồ sơ Huân huy chương gia đình bị sai; đồng nghĩa với việc có đến 318 gia đình chưa được nhận các chế độ liên quan. “Việc sai sót tên của những người được tặng Huân - huy chương gia đình là do cán bộ tiền nhiệm, tôi mới tiếp nhận công việc nên không rõ lắm. Riêng việc các hộ được tặng Huân huy chương gia đình nhưng chưa được hưởng chế độ và phải trả lại Huân chương là do có sai sót trong quá trình làm hồ sơ, phải cấp đổi lại. Việc cấp đổi phụ thuộc vào hồ sơ gốc nhưng cán bộ chính sách xã thời kỳ đó không nộp hồ sơ lên huyện nên ở huyện không có hồ sơ gốc. Muốn sao lưu thì phải xuống trung tâm lưu trữ nhưng ở đó họ không cho chúng tôi sao lưu hồ sơ”, bà Hường cho hay.

Mở rộng tìm hiểu chúng tôi được biết, tình trạng này không chỉ diễn ra tại xã Nam Phúc mà còn xảy ra ở 6 địa phương khác của huyện Nam Đàn như thị trấn Nam Đàn, Nam Cát, Hùng Tiến, Nam Anh, Xuân Hòa, Xuân Lâm. Ông Nguyễn Thạc Âu - Trưởng Phòng Nội vụ huyện Nam Đàn cho biết: “Hiện tại toàn huyện Nam Đàn có 2.600 gia đình có công với cách mạng chưa được hưởng các chế độ liên quan. Nguyên nhân là do khi làm hồ sơ, các hộ đã “quên” không ghi 2 chữ “gia đình” trước tên chủ hộ. Do vậy khi Huân - Huy chương được trao lại là Huân - Huy chương cá nhân. Mà những người có tên trong Huân - Huy chương cá nhân thì không được cấp thẻ Bảo hiểm y tế. Hiện tại các ngành chức năng của huyện đang nỗ lực để cấp đổi Huân - huy chương cho các gia đình. Còn riêng việc sai sót tên trong hồ sơ thuộc về trách nhiệm của bên Lao động - thương binh - xã hội”.

Tuy nhiên, để cấp đổi được Huân - Huy chương cho các gia đình không phải là điều dễ dàng bởi phải thực hiện qua một quy trình dài hơi: xã thẩm định hồ sơ gửi huyện, huyện tiếp tục thẩm định hồ sơ để gửi tỉnh. Sau đó ngành chức năng cấp tỉnh tiếp tục thẩm định và trình Chính phủ phê duyệt. Thế nhưng hiện tại toàn bộ hồ sơ gốc của các đối tượng không được lưu giữ tại địa phương bởi vậy việc thẩm định hồ sơ gặp rất nhiều khó khăn.

“Các các bộ chính sách thời đó không đưa hồ sơ đi qua huyện mà mang hồ sơ xuống tỉnh nhưng lại không lưu hồ sơ gốc bởi vậy chỉ có duy nhất Trung tâm lưu trữ của tỉnh còn lưu giữ các hồ sơ này. Hiện tại chúng tôi đang nhờ Trung tâm lưu trữ phối hợp tìm kiếm và cho sao lưu hồ sơ. Cái khó nhất là nhân lực của trung tâm lưu trữ mỏng, trang thiết bị sao lưu lại rất hạn chế nên chỉ có thể giúp vào thứ 7, Chủ nhật. Chúng tôi sẽ cố gắng hoàn tất việc sao lưu hồ sơ trong tháng 3 này để trình cấp có thẩm quyền thẩm định, đề nghị trao Huân - Huy chương cho các gia đình”, ông Nguyễn Thạc Âu cho biết.

Theo ông Nguyễn Thạc Âu thì trách nhiệm để xảy ra sai sót này là do người dân đã chủ quan khi khai hồ sơ. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận, các bộ chính sách các địa phương thời kỳ đó đã thiết sót khi không hướng dẫn người dân tỉ mỉ cụ thể, thẩm định hồ sơ ban đầu không đến nơi đến chốn. Tuy nhiên theo ông này thì vấn đề hiện nay là giải quyết quyền lợi cho người dân chứ không phải là truy cứu trách nhiệm của những người có liên quan.

Với sự nỗ lực của chính quyền địa phương các cấp thì sớm hay muộn các hộ gia đình có công với cách mạng sẽ được trao tặng Huân - Huy chương kháng chiến. Thế nhưng liệu còn mấy người được hưởng chế độ bảo hiểm y tế khi phần lớn trong số họ đều đã quá già và một số người đã qua đời trước đó khá lâu?

Hoàng Lam