Ông Chính và tập hồ sơ gửi cơ quan chức năng trình bày với PV.
Nhập nhằng chuyện cái tên
Trong đơn thư gửi tới PV Dân trí, ông Trần Văn Ký, nguyên cán bộ Phòng Giáo dục huyện Nam Đàn, nguyên Phó Hiệu trưởng trường CĐSP Nghệ An, trú xóm 5, xã Nam Phúc (huyện Nam Đàn, Nghệ An) trình bày: đã rất nhiều lần ông phải dở khóc dở cười vì cái tên của mình bị viết sai dấu. Ông đã nhiều lần kiến nghị, gửi đơn lên xã, huyện nhưng cơ quan cấp cao vẫn không giải quyết.
Ông Ký cho biết, từ khi về nghỉ hưu (1998) đến năm 2010, tất cả các hồ sơ giấy tờ của ông đều hợp lệ và mang tên Trần Văn Ký, trong đó có cả thẻ bảo hiểm Y tế (BHYT). Nhưng không hiểu lý do gì mà thẻ BHYT từ năm 2009 đến nay của ông Ký do Giám đốc Bảo hiểm xã hội Nghệ An Trần Quốc Toàn ký cấp này 04 tháng 12 năm 2010 lại ghi tên: Trần Văn Kỳ.
Ông Ký là người có công với cách mạng nên được Đảng và Nhà nước có chế độ chính sách (ông Ký có Huân, Huy chương) và được hưởng 100% chế độ Bảo hiểm Y tế, có mã hiệu (HT 2). Tuy nhiên, trong nhiều năm qua thẻ BHYT cấp cho ông Ký chỉ cho hưởng chế độ 75% BHYT với mà hiệu (HT 5).
Ông Ký đã nhiều lần làm đơn trình bày và đề nghị ban chính sách xã Nam Phúc và huyện Nam Đàn sửa đổi, cấp lại thẻ khác để được hưởng chế độ BHYT của Nhà nước, nhưng đến nay vẫn không được giải quyết.
Trường hợp bà Hoàng Thị Sửu vợ ông Ký còn oái oăm hơn. Bà Sửu được truy tặng Huân chương kháng chiến. Ban chính sách xã Nam Phúc lên danh sách nhưng không ghi rõ họ tên khai sinh của bà mà ghi nhầm thành tên của con gái bà là Hoàng Thị Hường (hiện Huân chương của bà Sửu mang tên Hoàng Thị Hường).
Đồng thời các giấy tờ liên quan hưởng nhận chế độ Huân huy chương và trong thẻ BHYT của bà Sửu đều mang tên Hoàng Thị Hường. Trong lúc đó chứng minh thư nhân dân, sổ hộ khẩu của bà Sửu đều ghi đầy đủ tên và năm sinh đúng của bà là 1938; riêng thẻ BHYT lại ghi sai luôn cả năm sinh của bà là 1937.
Sai sót trên bà Sửu đã làm đơn trình bày lên xã, huyện để được sửa lại nhưng oái oăm là sửa rồi... vẫn sai. Tên bà lúc này lại được ghi là Hoàng Thị Sửi (?). Sau đó, bà Sửu tiếp tục kiến nghị nhưng đến nay cũng không được sửa. Gia đình bà đã cung cấp bản gốc và bản phô tô công chứng có đơn xin sửa đổi có chính quyền địa phương Nam Phúc ký xác nhận và đề nghị nhưng chưa thấy cơ quan công quyền (Sở LĐTBXH – Bảo hiểm xã hội Nghệ An) trả lời.
Sinh con rồi mới sinh cha...
Giấy tờ chứng nhận ông Chính bị thương nhưng bị UBND xã Nam Phúc thu bản gốc quyết định hưu trí mà không trả lại nên hơn 5 năm qua ông không được làm hồ sơ hưởng chế độ.
Một trường hợp sai sót oái oăm khác là của ông Trần Khắc Chính. Ông Chính cho biết, ngày 5/4/2005, UBND huyện Nam Đàn ra quyết định số 18/QĐ-UB về việc chi trả trợ cấp 1 lần đối với thân nhân người có công với cách mạng chết trước ngày 1/1/1995. Trong đó ông nhận được quyết định và trợ cấp 1 triệu đồng, tuy nhiên trong bản quyết định đó có tới 3 điểm sai nên mọi sự trở nên phức tạp.
Tại điều I của quyết định, năm sinh của bố ông Chính là ông Trần Khắc Tốn vốn sinh năm 1913 thì lại ghi sinh năm 1968. Năm 1984, ông Tốn chết, nhưng trong quyết định lại ghi ông Tốn chết năm 1954. Như vậy, thời điểm ông Tốn chết trước khi ông sinh là... 14 năm.
Trong khi đó, năm sinh của ông Chính bị ghi sai là năm 1945. Như vậy ông Chính chào đời trước... bố đẻ là ông Tốn. “Tôi cũng không hiểu thế nào về cán bộ ở trên làm sai cơ bản đến thế. Để đến bây giờ gia đình tôi như một mớ dâu tằm, chẳng hiểu thế nào cả... đã nhiều lần kiến nghị, gửi đơn lên xã, huyện nhưng họ có chịu sửa cho đâu”, ông Chính bức xúc.
Một điều đáng nói nữa, ông Trần Khắc Tốn từng là một cán bộ lão thành cách mạng những năm 1930, nguyên Huyện ủy viên Huyện ủy Nam Đàn, nguyên Chủ tịch xã Nam Phúc, trú quán ở xã Nam Phúc; nhưng trong quyết định lại ghi là Chủ tịnh UBND xã Nam Trung căn cứ quyết định thi hành... (Điều 3 ghi rõ: Các ông Trưởng Phòng Tổ chức - Lao động huyện, Chủ tịnh UBND xã Nam Trung và ông bà có tên trên chịu tránh nhiệm thì hành Quyết định này).
Gia đình ông Chính trình bày với PV về việc xã tắc trách dẫn đến nhiều sai sót trong giấy tờ của gia đình ông
Ông Chính băn khoăn: ông sinh ra và có đăng ký hộ khẩu tại xã Nam Phúc nên mọi sự chi trả phải là UBND xã Nam Phúc. Nay trong quyết định lại giao về UBND xã Nam Trung thì ông phải gặp ai để được hưởng chế độ trợ cấp? Ông Chính cho biết đã kiến nghị lên cấp trên để sửa sai thì cấp này chuyển cho cấp khác và cuối cùng cũng bặt vô âm tín.
Không chỉ sai giấy tờ, sai quyết định mà trong thời gian qua, những người có thẩm quyền về việc tiếp nhận hồ sơ làm chế độ Huân huy chương cho người có công với cách mạng còn nhiều bất cập.
“Trước đó, để làm hồ sơ xác nhận chế độ, ông Hà Quang Lưu - nguyên là Trưởng ban chính sách xã Nam Phúc đã thu quyết định hưu trí của tôi và nói nạp lên huyện. Đợi mãi không thấy hồi âm nên tôi lên xã hỏi, xã bảo lên huyện (huyện Nam Đàn - PV) thì được biết hai người trực tiếp thu quyết định hưu trí của tôi đã thuyên chuyển công tác đi nơi khác. Trong kho hồ sơ và giấy tờ lưu lại UBND huyện Nam Đàn tuyệt nhiên không có quyết định của tôi. Điều đó đồng nghĩa với việc tôi bị mất quyết định và sẽ không thể làm được hồ sơ xác nhận chế độ”, ông Chính bức xúc.
Trả lời về vấn đề trên, ông Nguyễn Văn Đạo - Chủ tịch UBND xã Nam Phúc - cho biết: “Việc sai giấy tờ như người dân nêu, cụ thể là ông Chính, phản ánh là đúng và có thật. UBND xã cũng muốn tạo điều kiện và sửa lại cho người dân, nhưng điều rất khó lúc này là những hồ sơ thuộc vấn đề tồn đọng từ những nhiệm kỳ trước. Nếu cấp trên có quyết định và cho phép, chúng tôi sẽ tiến hành khắc phục, sửa chữa ngay”.
Từ sự việc sai sót này có thể thấy, chính quyền chỉ sai một nét chữ người dân sẽ gặp phải biết bao rắc rối. Mong rằng chính quyền xã Nam Phúc sớm khắc phục để người dân bớt thiệt thòi.
Nguyễn Duy