1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

TPHCM:

Hàng ngàn tỷ đồng cho những cây cầu “mất mỹ quan”

(Dân trí) - TPHCM đã đổ hàng ngàn tỷ đồng vào những cây cầu vượt bằng thép tại các giao lộ lớn nhằm hạn chế ùn tắc giao thông. Thế nhưng, nhiều chuyên gia giao thông đô thị đang lo ngại nó sẽ phá nát cảnh quan thành phố vì vẻ “vô hồn”.

Cấp tập xây cầu vượt

Ngày 10/7/2012, TPHCM khởi công xây dựng cây cầu vượt bằng thép đầu tiên của thành phố ở ngã tư Thủ Đức với tổng vốn đầu tư là 277 tỷ đồng. Ngày 9/9/2012, thành phố tiếp tục khởi công xây dựng cây cầu vượt bằng thép thứ 2 ở vòng xoay Hàng Xanh với tổng vốn đầu tư là 183 tỷ đồng.

Với sự hỗ trợ hết mức của các ban ngành và chỉ đạo ưu tiên bố trí vốn thi công 2 công trình này của UBND TPHCM, chỉ trong vòng vài tháng ngắn ngủi, hai cây cầu vượt bằng thép đầu tiên này đã hoàn tất, đưa vào sử dụng cùng lúc vào ngày 27/1/2013.

Chỉ trong vòng nửa năm, thành phố đã xây dựng hoàn tất 3 cây cầu vượt bằng thép
Chỉ trong vòng nửa năm, thành phố đã xây dựng hoàn tất 3 cây cầu vượt bằng thép

Khi xác định giải pháp xây dựng cầu vượt bằng thép tại các nút giao thông trọng điểm là giải pháp cấp bách nhằm hạn chế ùn tắc giao thông, Sở Giao thông Vận tải TPHCM đã làm đề án kiến nghị xây dựng thí điểm 2 cây cầu vượt đầu tiên trên. Nhưng chưa chờ cho 2 cây cầu này hoàn tất, đi vào hoạt động để xác định hiệu quả, Sở đã nhanh chóng hoàn tất thủ tục đầu tư cây cầu vượt thứ 3 tại nút giao Lăng Cha Cả (giao lộ Trần Quốc Hoàn – Cộng Hòa – Hoàng Văn Thụ).

Và chỉ 1 tuần sau khi 2 cây cầu vượt bằng thép đầu tiên đi vào sử dụng, ngày 5/2, cầu vượt Lăng Cha Cả đã được khởi công với tổng vốn đầu tư là 122 tỷ đồng. Cũng với tinh thần đẩy nhanh tiến độ thi công, đến ngày 27/4, chỉ sau gần 3 tháng thi công, cây cầu vượt bằng thép thứ 3 của thành phố đã được khánh thành, đưa vào sử dụng.

Cùng thời điểm đó, thành phố cũng chính thức khởi công thêm 3 cây cầu vượt mới với tổng số vốn đầu tư lên đến hơn 1.000 tỷ đồng. 3 cây cầu vượt này được xây dựng ở các nút giao Nguyễn Tri Phương – 3 Tháng 2 – Lý Thái Tổ (quận 10), Cộng Hòa – Hoàng Hoa Thám (quận Tân Bình) và vòng xoay Cây Gõ. Cả 3 nút giao trên đều nằm sâu trong nội đô.

Ngoài 3 cây cầu vượt đã hoàn tất và 3 cây cầu đang xây dựng trên, thành phố dự kiến sẽ còn xây dựng thêm 9 cây cầu vượt khác trong giai đoạn 2012 – 2015 ở các nút giao thông như: ngã sáu Gò Vấp, Cộng Hòa - Trường Chinh, Công trường Dân Chủ, ngã bảy Điện Biên Phủ - Lý Thái Tổ - Lê Hồng Phong, ngã sáu Nguyễn Tri Phương - Ngô Gia Tự - Nguyễn Chí Thanh, Vành đai Đông - Đồng Văn Cống… Tổng số vốn đầu tư cho 15 cầu vượt này lên đến hơn 6.500 tỷ đồng.

Sẽ phá nát bộ mặt đô thị

Theo báo cáo của Sở GTVT, hiện thành phố có 1.350 nút giao, trong đó có 120 nút giao của 75 tuyến đường phố chính và trục đối ngoại. Các nút giao này dễ gây ra ùn tắc trong thời điểm lưu lượng phương tiện tăng cao. Do vậy, giải pháp xây dựng cầu vượt nhẹ tại các nút giao được Sở đánh giá là khả thi, thi công nhanh và hạn chế được ùn tắc. Thực tế tại 3 nút giao đã được cầu vượt cho thấy giải pháp này đúng là có hiệu quả, tình hình kẹt xe nghiêm trọng không còn.

Tuy nhiên, các nhà quy hoạch đô thị lại lo lắng 1 điều khác, đó là cảnh quan khu vực xây dựng cầu vượt đang bị phá vỡ. Thạc sĩ Phạm Sanh, nguyên cán bộ Sở GTVT cũng phải nhìn nhận 3 cây cầu vượt được xây dựng thời gian qua là quá xấu, kết cấu đơn điệu, chủ yếu phục vụ nhu cầu giao thông mà không chú ý nhiều đến yếu tố mỹ quan.

Thiết kế 3 cây cầu vượt hiện nay đơn điệu, cầu nào cũng như nhau
Thiết kế 3 cây cầu vượt hiện nay đơn điệu, cầu nào cũng như nhau

Nhiều chuyên gia quy hoạch đô thị khác như TS Ngô Viết Nam Sơn, TS Phạm Sỹ Liêm (Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam) cũng đồng tình với quan điểm nếu không chú ý thiết kế cảnh quan, cầu vượt sẽ làm xấu mỹ quan đô thị. TS Phạm Sỹ Liêm lo lắng khi mô hình này được nhân rộng, cầu vượt có ở khắp thành phố thì mỹ quan đô thị sẽ bị phá nát.

Th.S Phạm Sanh cho rằng: “Nếu cân nhắc đến yếu tố hiệu quả mà bắt buộc phải xây dựng cầu vượt bằng thép thì người ta hoàn toàn có thể làm cho mỗi cây cầu đẹp hơn bằng nhiều giảm pháp kiến trúc như tạo hình độc đáo cho cầu, kiểu dáng lan can khác nhau, trang trí phù điêu, tô điểm màu sắc trên thân cầu… để mỗi công trình đều là 1 kiến trúc mang tính mỹ thuật cao, tạo mỹ cảm cho cảnh quan xung quanh”.

Theo ông thì thực hiện việc này rất dễ dàng và không tốn kém chi phí nhiều. Ông cho rằng: “Quan trọng là cái tâm và tầm của người lãnh đạo, có nghĩ đến và có quyết làm hay không!”.

Tại lễ khởi công cầu vượt ở nút giao 3 Tháng 2 – Nguyễn Tri Phương ngày 27/4 vừa qua, ông Nguyễn Hữu Tín, Phó Chủ tịch UBND TP cũng đã nhắc nhở chủ đầu tư phải đảm bảo mỹ quan đô thị khi xây cầu vượt bằng thép. Ông yêu cầu phải nghiên cứu nhiều hơn về kiến trúc, cây xanh, chiếu sáng mỹ thuật khi xây những cây cầu vượt nằm sâu trong nội đô như thế này.

Tùng Nguyên