1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Hàng ngàn người đưa tiễn anh hùng Nguyễn Vĩnh Nghiệp

(Dân trí) - Sáng nay 11/11, hàng ngàn người đội mưa tiễn đưa Anh hùng lao động Nguyễn Vĩnh Nghiệp (tức chú Sáu Tường) về nơi an nghỉ cuối cùng tại nghĩa trang TPHCM. Ông được biết đến như một biểu tượng của lòng nhân ái, là người nâng đỡ cho hàng triệu bệnh nhân nghèo trong cả nước.

Mưa chầm chậm rơi. Dòng người lầm lũi bước đi. Không ai nói câu gì. Tất cả có mặt tại nghĩa trang thành phố để thắp cho chú Sáu nén nhang cuối cùng.

 

Mọi người không ai cầm được nước mắt khi chị Nguyễn Thị Hà, con cả của chú Sáu nói lời cảm ơn, và trân trọng hứa với ba sẽ thay ông chăm sóc mẹ, sẽ lo cho các em và dạy dỗ các cháu ngoại của ông nên người. Chị gọi hai tiếng “Ba ơi!” lần cuối mà nghẹn ứ trong cổ.

 

Hàng ngàn người đưa tiễn anh hùng Nguyễn Vĩnh Nghiệp - 1

Chủ tịch Nguyễn Minh Triết tiễn biệt anh hùng Nguyễn Vĩnh Nghiệp.

Hoà trong dòng người, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết lặng lẽ đưa khăn lau nước mắt. Trong sổ tang, ông viết: “…Anh ra đi để lại nỗi tiếc thương, khâm phục. Hàng vạn, hàng triệu người sẽ mãi mãi nhớ anh, nhớ ơn anh. Bạn bè, đồng chí, các em… tự hào về anh. Anh vẫn sống mãi trong lòng mọi người”.

 

Mưa ngày càng nặng hạt. Mọi người vẫn giữ nguyên vị trí. Họ đứng lặng bên huyệt chờ đến giây phút nhập thổ thiêng liêng, bỏ cho chú Sáu nắm cát trắng, tiễn đưa tấm lòng cao cả về với tổ tiên, về với đất mẹ muôn đời. 

 

Ông Nguyễn Vĩnh Nghiệp sinh năm 1929, từ trần lúc 13h4 ngày 9/11/2007 tại nhà riêng ở khu phố Mỹ Thới A, Phú Mỹ Hưng, Q.7, TPHCM. Hưởng thọ 78 tuổi.

 

Dấu ấn của ông với TPHCM là cú vượt rào bao cấp và con đường thênh thang sau đổi mới. Khu chế xuất Tân Thuận, con đường Bắc Nhà Bè - Cần Giờ, Viện Tim đã ra đời từ những quyết định táo bạo của ông… 

 

Năm 1993, phát hiện mình bị ung thư thực quản, ông tự rút lui khỏi cương vị Chủ  tịch UBND TPHCM. Suốt 14 năm từ đó đến nay, ông đã dành trọn phần đời còn lại của mình cho các hoạt động từ thiện vì bệnh nhân nghèo. (Theo Tuổi Trẻ).

Hàng ngàn con hạc giấy được mọi người chôn theo thi hài với lời nguyện cầu linh hồn chú Sáu sẽ bình yên, thanh thản. Những bệnh nhân nghèo đã từng được chú Sáu giúp đỡ trân trọng đặt mấy bông lan đỏ thắm lên trên ngôi mộ vừa mới đắp xong. Không có tiếng kèn, tiếng trống; tiết trời u ám, mưa vẫn cứ tuôn, mọi người không ai nỡ ra về.

 

15 tuổi, đồng chí Nguyễn Vĩnh Nghiệp đã đến với cách mạng. Trong cuộc đời, ông đã từng đảm trách nhiều nhiệm vụ quan trọng: Trưởng ban kinh tế đối ngoại TPHCM, Chủ tịch UBND TP, Đại biểu Quốc hội khoá 8, Uỷ viên thường vụ Thành uỷ… Nhưng cao cả hơn, sau khi rời chức vụ Chủ tịch UBND TP, ông đã cống hiến hết mình cho Hội bảo trợ bệnh nhân nghèo. 

 

10 năm hoạt động cứu giúp người nghèo, chú Sáu cùng mọi người đã giúp hơn 800.000 người mù tìm thấy ánh sáng, hơn 400.000 trẻ em có được nụ cười nguyên vẹn, hơn 300.000 cháu nhỏ tật nguyền được trang bị xe lăn và máy trợ thính… Chú Sáu đã trở thành biểu tượng của lòng nhân ái.

 

Hàng ngàn người đưa tiễn anh hùng Nguyễn Vĩnh Nghiệp - 2
Hàng ngàn người dân xếp hàng vào viếng chú Sáu.

 

Trái tim của người anh, người cha vô cùng nhân hậu ấy đã ngừng đập, nhưng những gì người anh hùng Nguyễn Vĩnh Nghiệp để lại cho đời sẽ còn mãi. Hội bệnh nhân nghèo sẽ tiếp tục hoạt động, nhiều bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn nữa sẽ được cứu giúp. 

 

Xin được cúi đầu trước tấm lòng cao cả của chú Sáu! 

 

Kim Hường

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm