1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Festival lúa gạo Việt Nam lần II:

Hàng ngàn người đội mưa cổ vũ hội đua ghe

(Dân trí) - Bấp chấp trời mưa to, hàng ngàn người dân vẫn quyết bám trụ bên bờ sông Đung Đinh (TP Sóc Trăng) để cổ vũ cho các đội đua ghe Ngo diễn ra trưa ngày 9/11, trong khuôn khổ Festival lúa gạo Việt Nam.

Hàng ngàn người đội mưa cổ vũ hội đua ghe - 1
Các đội đua tập trung dưới sông chuẩn bị bước vào cuộc tranh tài hấp dẫn
 
Có mặt tại sông Đung Đinh lúc 12h trưa ngày 9/11, phóng viên Dân trí ghi nhận thấy một không khí hết sức náo nhiệt khi có hàng chục ngàn người dân từ các nơi đổ về tập trung hai bên bờ sông để chờ đợi xem những trận đua hấp dẫn của các đội ghe Ngo.

 

Trong khi đó, dưới mặt sông Đung Đinh, hàng chục chiếc ghe Ngo với đủ màu sắc đẹp rực rỡ cũng tề tựu sẵn sàng chờ giờ khai mạc. Trên mỗi chiếc ghe Ngo là hàng chục vận động viên trong bộ trang phục “màu cờ sắc áo” đặc trưng đang tập luyện những động tác cơ bản nhất chuẩn bị tranh tài.

 

Gần đến giờ khai mạc, bất ngờ trời đổ cơn mưa lớn song không khí chiến đấu không vì thế mà trùng xuống. Bất chấp mưa to nhưng hàng chục ngàn người dân vẫn quyết định yên vị tại chỗ, nhiều người khác leo lên mái nhà cao để có thể quan sát rộng hơn, “máu lửa” hơn là những cổ động viên dầm mình cả dưới sông để sẵn sàng cổ vũ cho các đội đua.

 

13h, cuộc đua tranh bắt đầu trong tiếng reo hò của các cổ động viên ở 2 bên bờ sông. Phía dưới sông, từng đôi ghe vào cuộc, các vận động viên hừng hực chèo ghe theo tiếng còi của huấn luyện viên.

 

Theo Ban tổ chức, giải đua ghe Ngo lần này cũng là giải đua truyền thống của tỉnh Sóc trăng tổ chức nhân dịp lễ hội Oóc Om Bóc (lễ cúng trăng, tạ ơn và cầu cho mùa màng tốt tươi) của đồng bào dân tộc Khmer Nam Bộ.

 

Năm nay, tham dự giải có 50 đội ghe gồm 43 đội ghe nam và 7 đội ghe nữ đến từ nhiều tỉnh thành có đông đồng bào Khmer sinh sống trong khu vực ĐBSCL như Sóc Trăng, Trà Vinh, Bạc Liêu, Cần Thơ, Cà Mau, Kiêng giang và Vĩnh Long. Các đội ghe nam và đội ghe nữ sẽ được chia làm 2 bảng thi đấu theo thể thức vòng tròn tính điểm. Đội ghe nam sẽ tham gia thi đấu 1.200 mét và đội đua nữ thi đấu cự ly 1.000m để tranh chức vô địch nội dung thi đấu đồng đội nam và đồng đội nữ.

 

Chiếc ghe Ngo được làm từ thân cây sao khoét ruột, giống hình rắn thần Nagar, linh vật của người Khmer. Ghe Ngo được sơn phết cách điệu hoa văn đặc sắc, mũi ghe trang trí hai con mắt với hình chim thú độc đáo, tượng trưng cho vẻ đẹp và sức mạnh trên sông nước.
 
Người Khmer luôn coi ghe Ngo là bảo vật thiêng liêng của phum sóc, chỉ dùng tham gia các ngày lễ quan trọng như Oóc Om Bóc. Quanh năm, chiếc ghe Ngo được cất tại chùa, bảo quản rất cẩn thận. Thậm chí, trước đây người ta còn kiêng không cho phụ nữ đi ngang hoặc bước qua chiếc ghe, bởi quan niệm rằng phụ nữ bước ngang ghe có thể gặp điều không hay. Chính quan niệm này, nên trước đây các cuộc đua ghe Ngo chỉ dành cho nam. Những năm gần đây, khi quan niệm trên dần gỡ bỏ thì đua ghe Ngo nữ bắt đầu xuất hiện.
 
Hàng ngàn người đội mưa cổ vũ hội đua ghe - 2
Đội nam vào cuộc đua...
 
Hàng ngàn người đội mưa cổ vũ hội đua ghe - 3
...sôi nổi
 
Hàng ngàn người đội mưa cổ vũ hội đua ghe - 4
...và quyết liệt
 
Hàng ngàn người đội mưa cổ vũ hội đua ghe - 5
Các CĐV cũng theo sau đánh trống cổ vũ
 
Hàng ngàn người đội mưa cổ vũ hội đua ghe - 6
Các đội đua nữ...
 
Hàng ngàn người đội mưa cổ vũ hội đua ghe - 7
 
Hàng ngàn người đội mưa cổ vũ hội đua ghe - 8
cũng "máu lửa" không kém
 
Hàng ngàn người đội mưa cổ vũ hội đua ghe - 9
Khán giả không màng cơn mưa lớn, bám trụ cổ vũ
 
Hàng ngàn người đội mưa cổ vũ hội đua ghe - 10
... thậm chí lội cả xuống sông để ủng hộ tinh thần các đội đua.

 

Huỳnh Hải