Hàng ngàn hộ dân Đà Nẵng dùng nước “nhiễm mỡ”
Nằm sát nghĩa trang, từ nhiều năm nay, hàng trăm hộ dân sống dọc theo Quốc lộ 14B thuộc thôn Phú Sơn Nam phải dùng nước sinh hoạt lấy từ giếng bị ô nhiễm trầm trọng. Người dân nhiều lần yêu cầu đưa nguồn nước sạch về dùng nhưng lời thỉnh cầu của họ đã bị bỏ quên.
Đặc biệt, vụ gần 200 công nhân Công ty Dae Won Đà Nẵng vừa bị ngộ độc cũng một phần do nguồn nước bị ô nhiễm nặng gấp 6 lần so với tiêu chuẩn cho phép, đã gây hoang mang cho hàng trăm hộ dân sống ở khu vực chưa có nước sạch thuộc phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng.
Lợn cợn váng, tanh nồng
Người dân ở khu vực này đều gọi nước có váng nổi trên mặt nước là “nước nhiễm mỡ”. Theo lời của ông Hứu Húy (người dân thôn Phú Sơn Nam), hơn 3 năm nay gia đình ông phải bấm bụng sử dụng nước giếng bị ô nhiễm vì chưa có nguồn nước sạch. Theo quan sát của chúng tôi, chỉ cần múc nước ở giếng đổ vào tô hoặc thau, bằng mắt thường có thể nhìn thấy một lớp váng mỏng nổi lên và có mùi tanh.
Ông Đào Sáu, một người dân Phú Sơn Nam, cho biết: “Nhiều năm nay, mặc dù biết nguồn nước giếng “có vấn đề” nhưng chúng tôi phải nhắm mắt sử dụng. Buổi sáng, nước múc lên để rửa mặt đều có mùi tanh nồng, đặc biệt vào mùa lạnh mùi nước rất khó chịu. Người dân ở đây mua thùng lọc bằng sứ để lọc nước uống sau khi đã nấu chín. Cứ 2 ngày chúng tôi phải súc bình vì màng mỡ bám lợn cợn đầy...”.
Khi chúng tôi đưa ra giả thiết liệu nước có bị nhiễm phèn, người dân địa phương đều không đồng tình vì theo họ, nước nhiễm phèn nếu để lắng xuống thì nước sẽ trong hoặc qua lọc có thể sử dụng được. Đằng này nước bị “nhiễm mỡ” lọc cách mấy cũng có váng nổi lên. Chỉ tay vào thùng đựng nước, ông Nguyễn Lương Tám người dân thôn Phú Sơn Nam, nói: “Mỗi lần bơm nước cho vào thùng trữ thì những màng mỏng hòa trộn với nước nổi lên thành lớp đục ngầu và có mùi tanh khó chịu”.
Không chỉ có gia đình ông Tám, ông Sáu rơi vào trường hợp trên mà các hộ dân sống dọc theo Quốc lộ 14 B gần khu vực này đều xảy ra trường hợp tương tự. Ông Đào Sáu còn cho chúng tôi biết thêm, cả thôn này nhà nào cũng bị “nước nhiễm mỡ”, ai có tiền mới mua nước bình về uống. Theo người dân, nguyên nhân chủ yếu là do khu vực này nằm sát nghĩa trang Gò Cà (nghĩa trang lớn nhất của TP Đà Nẵng). Nghĩa trang nằm trên vùng đất cao hơn trong khi người dân lại sống ở khu vực trũng. Quy luật của dòng chảy đã khiến cho nước ngầm của thôn bị ô nhiễm nặng.
Nước máy cũng bị nhiễm khuẩn coli
Sau khi xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm tập thể tại Công ty Dae Won Đà Nẵng, ngành y tế đã vào cuộc và có kết luận nguyên nhân gây ngộ độc là do ăn thịt heo bị ôi thiu và nguồn nước giếng cũng như nước máy ở đây bị ô nhiễm, đã góp phần làm tăng tình trạng ngộ độc. Việc nguồn nước máy bị ô nhiễm làm xôn xao dư luận Đà Nẵng trong nhiều ngày qua.
Theo kết luận của Trung tâm Y tế dự phòng TP Đà Nẵng, nguồn nước máy ở cơ sở Hiệp Thành (tổ 33 Chơn Tâm, Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) bị nhiễm khuẩn coli. Ngoài ra, nguồn nước giếng tại cơ sở này cũng bị nhiễm mặn và có độ ôxy hóa hữu cơ môi trường axít cao gấp 6 lần so với tiêu chuẩn cho phép. Vậy là nhiều năm qua, người dân ở đây dùng nước giếng bị ô nhiễm và ngay cả nước máy cũng bị nhiễm khuẩn coli nhưng họ không hề hay biết. Đặc biệt, hơn 1.000 hộ dân với trên 5.000 nhân khẩu ở 2 thôn Đà Sơn và Khánh Sơn phải dùng nguồn nước giếng bị ô nhiễm do sống gần bãi rác Khánh Sơn, vì chưa có nguồn nước sạch đưa về.
Theo bà Lê Thị Lan, trạm trưởng trạm y tế phường Hòa Khánh Nam, cách đây một năm có đoàn kiểm tra về lấy mẫu xét nghiệm nguồn nước ở khu vực Khánh Sơn và khuyến cáo người dân không nên dùng nước giếng nơi đây nhưng người dân vẫn phải sử dụng.
Mới có 1/5 hộ dân được dùng nước sạch
Trước thực trạng trên, người dân ở Hòa Khương đã nhiều lần phản ánh đến các cơ quan chức năng và đề nghị nhanh chóng cung cấp nước sạch để phục vụ sinh hoạt nhân dân trong vùng. Thế nhưng, nhiều năm trôi qua, vẫn chưa có phản hồi. Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ Trần Văn Nhật, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Đà Nẵng, cho biết theo kết luận của đoàn kiểm tra thuộc Sở Y tế TP Đà Nẵng: Nguồn nước ngầm tại khu vực thôn Phú Sơn Nam không bảo đảm tiêu chuẩn dùng trong ăn uống mà chỉ sử dụng sinh hoạt thông thường như tắm, giặt...
Qua khảo sát tại các giếng nước của người dân trong khu vực này thì tỉ lệ ô nhiễm về hữu cơ dạng phân hủy khá cao dễ gây các bệnh về đường ruột. Sở Y tế kiến nghị UBND TP tổ chức khám bệnh cho người dân trong khu vực và yêu cầu cơ quan chức năng nhanh chóng cấp nước sạch sinh hoạt tại địa bàn Hòa Khương. Điều đáng nói, ở cách khu vực này khoảng 2 km, thành phố đã xây dựng công trình cung cấp nước sạch tập trung, dự kiến đáp ứng cho khoảng 3.000 hộ dân, nhưng hiện tại mới chỉ cung cấp cho khoảng 500 hộ.