1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Khánh Hòa:

Hàng loạt tàu thuyền nằm bờ vì “khát” lao động đi biển

(Dân trí) - Mặc dù đang bước vào mùa vụ đánh bắt mới trong năm nhưng hàng loạt tàu thuyền tại Khánh Hòa nói riêng và một số tỉnh Nam Trung bộ nói chung vẫn phải nằm bờ vì “khát” lao động đi biển.

Trong điều kiện đánh bắt ngày càng khó khăn, giá hải sản nhập cảng giảm sút, thu nhập không ổn định... bạn thuyền bỏ biển hàng loạt khiến hàng trăm chủ thuyền như ngồi trên “đống lửa”.

Tàu thuyền nằm bờ

Sáng ngày 24/2, tại Nha Trang (Khánh Hòa) vẫn có hàng trăm tàu thuyền công suất lớn, nhỏ nối đuôi nằm bờ tại các khu neo đậu trên địa bàn. Theo các ngư dân, việc tàu thuyền không thể ra khơi sau tết xuất phát từ nhiều nguyên nhân, nhưng lý do quan trọng nhất vẫn là khan hiếm lao động đi biển.

Tàu thuyền tại Hòn Rớ (Nha Trang) chưa thể ra khơi đánh bắt vì thiếu bạn thuyền.
Tàu thuyền tại Hòn Rớ (Nha Trang) chưa thể ra khơi đánh bắt vì thiếu bạn thuyền.

Tại cảng cá Hòn Rớ (TP Nha Trang), thay vì phải cần 5 đến 6 lao động mới ra khơi như mọi năm, năm nay tàu cá số hiệu KH 083.10 của ông Nguyễn Văn Phu (40 tuổi) làm nghề đánh bắt tôm hùm, chỉ có 2 lao động vẫn phải vươn khơi. Tiếp xúc với chúng tôi, ông Phu - than thở: “Đúng ra ghe của tui phải đủ 6 lao động, nhưng tìm không ra người, 2 anh em chúng tôi đành phải dọn nghề đi biển để kiếm cái ăn”.

Theo ông Phu, trong thời gian hơn 5 năm làm biển của ông thì chưa năm nào việc tìm lao động đi biển lại khó khăn như năm nay. Một trong những lý do của tình trạng này là thu nhập bấp bênh của nghề biển khiến nhiều người không mặn mà với nghề này. “Nghề đánh bắt tôm hùm của tụi tui bấp bênh lắm, có chuyến trúng đậm được 5 đến 7 triệu đồng, nhưng có chuyến lỗ phí tổn không có đồng nào, nghề này rất khó khăn”, ông Phu tâm sự.

Ông Phan Tính (51 tuổi, phường Vĩnh Phước, Nha Trang), một lao động biển có thâm niên tại cảng cá Hòn Rớ, cho biết thêm: Khác với những năm trước, nghề giã cào (đánh bắt cá hố, cá thóc, mực…) năm vừa rồi làm không có ăn, nhiều tàu thuyền lỗ nặng nên bạn thuyền bỏ đi. “Nghề giã cào mỗi thuyền ít nhất phải từ 13 đến 14 lao động, nghề này cực nên thiếu 1 - 2 người là không làm nổi. Năm rồi, tại Hòn Rớ này, có tàu làm cả năm mà chỉ được mười mấy triệu đồng, bạn thuyền không ăn chia nên nhiều người nghỉ biển”, ông Tính kể.

Theo ông Nguyễn Văn Hưởng, Chủ tịch UBND xã Phước Đồng (TP Nha Trang), địa phương có gần 450 tàu thuyền, trong đó hơn 90 tàu thuyền công suất trên 90CV đánh bắt xa bờ thì việc thiếu lao động biển sau tết một phần là do các bạn thuyền từ các tỉnh Bình Định, Phú Yên (chiếm khoảng 1/3 lao động biển tại địa bàn)… vì nhiều lý do khác nhau nên chưa vào. Trong khi đó, nghề biển là một trong những nghề có tính chất đặc thù, không phải ai cũng có thể thay thế, mà chỉ những người thạo tay nghề, biết việc và có sức khỏe tốt mới làm được.

Tại sông Cái (Nha Trang) rất nhiều tàu thuyền khác cũng nằm bờ tương tự.
Tại sông Cái (Nha Trang) rất nhiều tàu thuyền khác cũng nằm bờ tương tự.

Nan giải “bài toán” thiếu lao động biển

Theo tìm hiểu của PV Dân trí, trong cơn “cơn sốt” lao động đi biển tại các tỉnh Nam Trung bộ hiện nay, lao động cho nghề câu cá ngừ đại dương đang là “bài toán” nan giải. Mỗi tàu câu cá ngừ đại dương cần tối thiểu là 10 lao động. Chuyện rất dễ với trước đây, nhưng hiện nay, để kiếm được số lao động kể trên, với nhiều chủ tàu không phải là vấn đề đơn giản. Trong điều kiện khan hiếm lao động đi biển, không ít chủ tàu phải làm đủ mọi cách để kiếm người, thậm chí có người phải đặt cọc tiền để “giữ chân” bạn thuyền. Tuy nhiên, đến ngày đi biển, bạn thuyền không đến, chủ tàu phải tạm hoãn chuyến biển với cả trăm triệu đồng tiền phí tổn.

Ông Nguyễn Trung Hiếu, Quyền Trưởng ban quản lý cảng cá Hòn Rớ, tâm sự bản thân ông làm việc 9 năm tại cảng cá nhưng chưa năm nào bà con ngư dân lại phản ánh tình trạng thiếu lao động đi biển trầm trọng như thời điểm sau tết năm nay.

Theo ông Hiếu, có khoảng 60 - 70% tàu thuyền ghé cảng bốc phí tổn đều phản ánh tình trạng chung là thiếu lao động. Trong hoàn cảnh nghề biển ngày càng khó khăn, một số nhà chuyên môn và ngư dân cho rằng ngành chức năng cần hỗ trợ ngư dân vốn liếng, đóng tàu lớn để vươn khơi mới có thể nâng cao thu nhập cho người lao động, khi đó ngư dân mới có thể yên tâm bám biển, giữ vững chủ quyền của Tổ quốc.

Viết Hảo