1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

ĐBSCL:

Hàng loạt “hai lúa” méo mặt vì bể hụi

(Dân trí) - Thời gian gần đây, tại ĐBSCL liên tiếp xảy ra nhiều vụ vỡ nợ, bể hụi khiến hàng loạt các hộ dân điêu đứng. Đa số các nạn nhân thuộc diện hộ nghèo có nông sản khó bán hoặc ham cái lợi nhỏ nên đã bị mắc lừa.

Khắp nơi bể hụi

Sau khi Hồ Văn Thống “biến mất” khỏi địa phương, hàng loạt hộ dân đã kêu cứu đến UBND xã Mỹ Đông (huyện Tháp Mười, Đồng Tháp).

Ông Nguyễn Trung Khải (xã Mỹ Đông) cho Thống vay 110 triệu đồng, ông Nguyễn Văn Út (xã Mỹ An, Tháp Mười) 40 triệu đồng, ông Đặng Hồng Xuân (xã An Bình, huyện Cao Lãnh) 70 triệu đồng...

Số liệu từ 8 đơn tố cáo, Thống đã huy động khoảng 300 triệu đồng rồi… chuồn mất tăm. Với “chiêu” huy động vốn trả lãi cao (3%/ngày), sau khi thống kê đầy đủ số tiền Thống huy động dự kiến có thể lên đến vài tỉ đồng.

Không chỉ khốn đốn vì đang cần vốn chuẩn bị làm vụ đông xuân 2008 - 2009, nông dân  đã... lỡ cho Thống vay tiền lo lắng nguy cơ mất trắng đồng tiền tích cóp dành dụm lâu nay.

Còn tại xã Mỹ Phú (huyện Châu Phú, An Giang) cũng vừa xảy ra 3 vụ vỡ nợ với số tiền, vàng lên đến trên 15 tỉ đồng.

Với chiêu khuếch trương làm ăn (nuôi cá tra), 3 “con nợ” đã vay, mua thiếu thức ăn chăn nuôi của khoảng 100 người số tiền lên đến trên 15 tỷ đồng, sau đó... mất khả năng chi trả. Tuy chính quyền địa phương đã vào cuộc song theo thông tin ban đầu tài sản hiện có của 3 người này... không đáng kể.

Tại Long An, Bến Tre cũng vừa xảy ra các vụ bể hụi bạc tỉ. Trong đó, ở xã An Thạnh (huyện Mỏ Cày, Bến Tre), hàng chục người dân nộp đơn tới chính quyền địa phương tố cáo bà Lê Thị Tuyết giựt hụi trên 2 tỉ đồng, trong đó có người “mắc nạn” tới hàng trăm triệu đồng.

Mua lúa gạo bạc tỷ bằng… nước bọt

Công an TP Long Xuyên vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt khẩn cấp đối với Lê Thị Giấy (SN 1963), chủ nhà máy xay xát thu mua lúa gạo ở phường Mỹ Quý (TP Long Xuyên) về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Kết quả điều tra ban đầu cho thấy, từ đầu năm 2008 đến nay, bà Giấy thường mua lúa gạo số lượng lớn của nhiều người nhưng không thanh toán hoặc thanh toán không đầy đủ rồi bỏ trốn.

Số tiền Giấy còn nợ của 17 khách hàng đã xác định được là 4,658 tỉ đồng. Ngoài ra, bà Giấy còn nợ một ngân hàng tại TP Long Xuyên 1,15 tỉ đồng. Tuyệt chiêu của bà Giấy là nhắm vào những nông dân có lúa gạo khó bán để thu mua với giá cao trả chậm rồi… xù.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Yến, ngụ tổ 14, ấp Mỹ Tân, xã Mỹ Hội Đông (huyện Chợ Mới) trình bày: Bà cùng nhân viên chở lúa đến nhà máy bán cho Lê Thị Giấy nhiều lần, tổng cộng trị giá 528 triệu đồng và được hẹn 2 ngày sau khi cân lúa sẽ thanh toán đủ, nhưng sau đó Giấy hẹn lần, hẹn lựa chỉ trả cho bà Yến vỏn vẹn có 153 triệu đồng.

Cũng với "chiêu" tương tự, bà Giấy đã quỵt nợ của bà Nguyễn Thị Phương, ngụ ấp Hòa Long 3, thị trấn An Châu (huyện Châu Thành) số tiền trên 290 triệu đồng, sau khi đã nhập số lượng lớn gạo, tấm thơm của bà Phương vào kho.

Còn ông Lê Văn Xiêm, ngụ ấp Phú Hiệp, xã Phú Hữu (huyện An Phú) thì cho biết: Sau khi thu mua lúa từ nông dân, ông có chở 34 tấn, 221 kg lúa bán cho Lê Thị Giấy tổng cộng số tiền trên 160 triệu đồng; Giấy hẹn cân lúa xong sẽ thanh toán phân nửa, phần còn lại sẽ trả 5 ngày say đó. Tuy nhiên, sau khi đưa lúa của ông Xiêm vào kho, Giấy lại chỉ đưa cho ông Xiêm vỏn vẹn có 3 triệu đồng gọi là chi phí xăng dầu rồi… hẹn nợ.

Bà Giấy khai tại cơ quan điều tra: Từ đầu năm 2008 đến nay, với "chiêu" thu gom lúa, gạo của các doanh nghiệp, thương lái hứa trả tiền liền nhưng sau đó giở trò quỵt nợ, Giấy đã chiếm đoạt số tiền trên 4,6 tỷ đồng của trên 20 người, trong đó người bị chiếm đoạt nhiều nhất là trên 1,7 tỷ đồng, ít nhất 20 triệu đồng.

Hiện, CQĐT Công an thành phố Long Xuyên đang tiến hành điều tra mở rộng vụ việc, tuy nhiên hàng chục nạn nhân của bà Giấy đang sống dở chết dở vì có nguy cơ trắng tay sau khi bị mắc lừa.

Nhật Trường

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm