1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Đắk Nông:

Hàng loạt giếng nước nhiễm xăng dầu, nghi do rò rỉ từ cây xăng hết phép

(Dân trí) - Gần 1 năm kể từ khi phát hiện các giếng nước tại xã Nam Dong (huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông) bị nhiễm xăng, dầu, người dân vẫn chưa thể sử dụng nước giếng của gia đình. Nhiều người nghi ngờ, nguyên nhân xuất phát từ cây xăng dầu hết phép đang hoạt động gần đó.

Chị Trần Thị Thư (thôn 10, xã Nam Dong, huyện Cư Jút) là một trong những hộ dân có giếng nước bị ô nhiễm cho biết, nước giếng được bơm lên luôn có một lớp váng màu xanh trên bề mặt. Càng ngày giếng nước của gia đình chị và người dân xung quanh càng bốc mùi xăng dầu nặng. Để có nước sử dụng, gia đình chị Thư phải đi xin nước cách nhà mấy trăm mét.

Tương tự, chị Võ Hồng Nga (thôn 10, xã Nam Dong) phản ánh: "Từ năm 2018 đến nay, gia đình tôi phải đi xin nước để phục vụ cuộc sống. Nước giếng nhà tôi thậm chí không thể dùng để rửa ráy hay giặt quần áo chứ đừng nói dùng để ăn uống. Nước bơm lên cứ nhầy nhụa, nồng nặc xăng dầu".

Hàng loạt giếng nước nhiễm xăng dầu, nghi do rò rỉ từ cây xăng hết phép - 1
Nước giếng bơm lên có váng màu xanh vì bị nhiễm xăng dầu

Nhiều người dân cho biết, khi lấy một tờ giấy thấm váng dầu trên mặt nước, tờ giấy trên cũng cháy khi châm lửa. Đồng thời khẳng định, chỉ có giếng khoan ở xung quanh cây xăng Thiên Thành mới xảy ra tình trạng như vậy.

Trước tình trạng trên, một số người dân có giếng nước bị ô nhiễm đã tìm đến chủ Doanh nghiệp tư nhân Thiên Thành là bà Trần Thị Yến, yêu cầu kiểm tra lại bồn chứa xăng dầu. Tuy nhiên, chủ doanh nghiệp này không hợp tác và còn tỏ thái độ thách thức. "Bà ấy không thừa nhận cây xăng Thiên Thành gây ô nhiễm nguồn nước và ngược lại còn đổ thừa cho hàng xóm chúng tôi vu khống", chị Nga cho biết.

Trước phản ánh của người dân, ngày 23/7/2018, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cư Jút đã phối hợp với một số đơn vị liên quan, tiến hành lấy mẫu nước của 6 hộ dân có giếng bị ô nhiễn gửi đi kiểm nghiệm. Kết quả kiểm nghiệm cho thấy, tất cả các mẫu nước đều bị nhiễm xăng dầu. Cụ thể, trong các mẫu nước đều có hàm lượng mỡ dầu là 2,3mg/l. Trong khi đó, theo Quy chuẩn Việt Nam 02:2009/BYT và Quy chuẩn Việt Nam 09-MT:2015/BTNMT, nước sinh hoạt phải tuyệt đối không có hàm lượng mỡ dầu.

Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Cư Jút sau đó đã có văn bản kiến nghị các cơ quan chức năng thành lập đoàn kiểm tra, xác minh xem cây xăng Thiên Thành có bị rò rỉ, ảnh hưởng đến nguồn nước ngầm hay không. Thế nhưng, từ đó đến nay, vẫn chưa có đơn vị nào vào cuộc.

Hàng loạt giếng nước nhiễm xăng dầu, nghi do rò rỉ từ cây xăng hết phép - 2
Sự việc phát hiện gần 1 năm nhưng vẫn chưa được xử lý

Theo các hộ dân, cây xăng Thiên Thành được xây dựng từ năm 1994 và là cây xăng đầu tiên hoạt động trên địa bàn xã Nam Dong. Cây xăng này từng một lần xảy ra cháy nổ nghiêm trọng và đã qua nhiều lần sang nhượng. "Có thể hệ thống bồn chứa xăng dầu chôn ngầm dưới đất đã quá cũ, dẫn đến rò rỉ, ngấm vào nguồn nước", một hộ dân nhận định.

Theo Công văn số 428/SCT-TTr của Sở Công thương, cây xăng Thiên Thành được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu vào ngày 6/5/2015 và có giá trị hoạt động đến ngày 13/1/2019. Đến ngày 15/1/2019, Doanh nghiệp tư nhân Thiên Thành có văn bản xin cấp lại giấy chứng nhận đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu, nhưng đã bị Sở Công thương từ chối. Nguyên nhân do cây xăng không đáp ứng được các điều kiện về quy mô, tiêu chuẩn an toàn cháy nổ, trang thiết bị... theo quy định hiện hành.

Tuy vậy, đến tháng cuối 5/2019, cây xăng Thiên Thành vẫn đang hoạt động bình thường.

Hàng loạt giếng nước nhiễm xăng dầu, nghi do rò rỉ từ cây xăng hết phép - 3
Cây xăng vẫn hoạt động dù đã hết phép

Theo bà Trần Thị Yến, chủ cây xăng Thiên Thành, hiện tại trong bồn vẫn còn 7.000 lít xăng và 3.000 lít dầu. Số xăng dầu này tồn đọng từ tháng 1/2019 đến nay. Bà Trần Thị Yến thừa nhận giếng khoan của gia đình mình cũng bị nhiễm xăng dầu nhưng phủ nhận cây xăng gây ô nhiễm nguồn nước. 

"Tôi đã theo dõi rất kỹ, nhập về một ngàn lít thì cũng bán ra đủ một ngàn lít, không hề có sự hao hụt. Như thế thì sao nói là rò rỉ ra ngoài được? Chẳng qua là họ ghen ăn tức ở nên có ai đó đã đổ xăng xuống giếng để vu khống cho gia đình tôi", bà Yến cho biết.

Thông tin từ Sở Công thương tỉnh Đắk Nông, đơn vị này đang chuẩn bị tiến hành kiểm tra, xác minh sự việc.

Dương Phong