Hàng loạt công trình giao thông đình trệ
Vài tháng gần đây, nhiều công trình giao thông trọng điểm cho vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) thi công ì ạch, có công trình dừng hẳn do giá vật tư tăng.
Mỏ cát đóng cửa, giá nhựa đường tăng
Quốc lộ 80 đoạn Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp đã thi công xong nền móng đường nhưng từ nhiều tháng nay mặt đường không được trải bêtông nhựa nên xe cộ chạy rất khó khăn, bụi mù che cả mặt đường và người dân ở hai bên đường hứng chịu không khí ô nhiễm. Ở quốc lộ 60 (Bến Tre) và quốc lộ 22 (Tây Ninh), các đơn vị thi công làm xong móng đường nhưng chưa tráng bêtông nhựa đường.
Theo Ban quản lý dự án giao thông 9, nguyên nhân chính là do giá nhựa đường tăng quá cao, vào tháng 10/2005 giá nhựa 4.500 đồng/kg nay tăng lên 7.500 đồng/kg, nếu làm tiếp thì nhà thầu lỗ nặng.
Với dự án đường cao tốc Sài Gòn - Trung Lương, ở một số đoạn đang thi công làm móng nền đường, các nhà thầu thi công ì ạch và có nơi ngưng trệ vì giá cát 40.000 đồng/m3 đã tăng lên gần 60.000 đồng/m3. Ban quản lý dự án Mỹ Thuận cho biết không thể bắt nhà thầu thi công vì giá dự toán được duyệt quá thấp so với giá thị trường. "Các đơn vị thi công đã bị lỗ nặng" - ông Nguyễn Ngọc Dũng, phó tổng giám đốc Ban quản lý dự án Mỹ Thuận, nói.
Một tuyến đường lỗ 12 tỉ đồng Một số đơn vị thuộc Tổng công ty Xây dựng công trình giao thông 5 thi công trên tuyến đường Cà Mau - Năm Căn cho biết do chạy theo tiến độ nên nhiều đơn vị tranh mua cát, đá... với giá cao và trả tiền ngay thay vì trả chậm. Dự kiến công trình hoàn thành sẽ lỗ khoảng 12 tỉ đồng. Các đơn vị thi công còn cử người túc trực ở Hóa An - Biên Hòa (Đồng Nai) để mua từng xe đá đưa về công trường. Trong khi việc mua đá ở An Giang bị hạn chế vì mỏ đá này chỉ đáp ứng nhu cầu xây dựng trong tỉnh và một số tỉnh lân cận, UBND tỉnh An Giang đang có kế hoạch hạn chế và tiến tới dừng khai khác đá. |
Giá cát, bêtông nhựa nóng tăng khiến các nhà thầu thi công lao đao khi xây dựng tuyến đường nam sông Hậu; tuyến N1 từ Đức Huệ, Long An - Hà Tiên; tuyến N2 đoạn Đức Hòa - Thạch Hóa (Long An)...
Chưa có phương án giải quyết
Đoàn kiểm tra liên bộ Xây dựng, Giao thông - vận tải, Tài chính, Kế hoạch - đầu tư đã khảo sát các dự án xây dựng công trình giao thông ở ĐBSCL cho biết tất cả dự án đã khởi động và đang triển khai xây dựng các hạng mục chính với khối lượng công việc rất lớn để hoàn thành vào năm 2007 và 2008. Do triển khai đồng loạt công trình có qui mô lớn nên nhu cầu cung cấp khối lượng lớn vật liệu xây dựng như cát, đá, đất... trong thời gian ngắn dẫn đến biến động về giá.
Trong báo cáo Thủ tướng, liên bộ cho biết khối lượng vật liệu xây dựng cung cấp các dự án không đáp ứng yêu cầu sẽ làm ảnh hưởng đến tiến độ thi công cũng như chi phí xây dựng công trình. Đồng thời, trong thời gian qua giá xăng dầu có biến động lớn đã làm biến động giá các loại vật liệu xây dựng. Điều này làm tăng chi phí xây dựng công trình, dẫn đến tổng mức đầu tư xây dựng các dự án đang triển khai ở ĐBSCL tăng theo.
Giữa tháng năm, Thủ tướng đã chỉ đạo các bộ Xây dựng, Giao thông - vận tải, Kế hoạch - đầu tư, UBND TPHCM và các tỉnh ĐBSCL về việc đáp ứng nhu cầu vật liệu xây dựng cho các công trình giao thông, ban hành thông báo giá kịp thời và phù hợp với thực tế. Cho phép Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông - vận tải nghiên cứu áp dụng thí điểm công thức điều chỉnh giá trong các dự án ODA ở VN đối với một số dự án xây dựng công trình giao thông khu vực ĐBSCL, qua đó rút kinh nghiệm để áp dụng rộng rãi cho các dự án sử dụng vốn trong nước.
Theo ông Nguyễn Thành Nam và ông Nguyễn Ngọc Dũng, trong qui định đấu thầu không cho phép áp dụng hệ số trượt giá nên nhà thầu lỗ nặng. Từ khi lập dự án các cơ quan hữu quan đã không đưa hệ số trượt giá vật tư vào công trình dẫn đến khó khăn cho nhà thầu và cơ quan quản lý khó xử lý về tiến độ công trình chậm. Nếu điều chỉnh tăng vốn đầu tư thì công trình lại đình trệ vì phải chờ làm thủ tục mất thêm nhiều tháng.
Theo các ban quản lý dự án, từ khi có chỉ đạo của Thủ tướng đến nay đã hơn một tháng rưỡi, các bộ được giao trách nhiệm vẫn chưa có động tĩnh gì để thúc đẩy tiến độ công trình.