Nghệ An:
Hàng loạt cán bộ huyện bị kỷ luật vì không giữ được rừng
(Dân trí) - Để người dân phá cả trăm hécta rừng, hàng loạt cán bộ huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) đã bị đề xuất kỷ luật. Đáng chú ý, huyện này cũng đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An cách các chức vụ trong Đảng đối với ông Nguyễn Tiến Cảnh - Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Quỳ Hợp.
Chiều 28/9, lãnh đạo huyện Quỳ Hợp xác nhận thông tin nói trên. Theo đó, để xảy ra tình trạng người dân phá rừng ở địa bàn xã Nam Sơn và Bắc Sơn trong thời gian qua, huyện Quỳ Hợp đã có hình thức kỷ luật đối với 10 cán bộ của huyện này.
Ngoài ra, Ban Thường vụ Huyện ủy Quỳ Hợp cũng cách các chức vụ trong Đảng đối với 2 Bí thư Đảng ủy các xã: Bắc Sơn, Nam Sơn và 5 cán bộ chủ chốt khác của xã Nam Sơn như: Trưởng công an xã, Chủ tịch Mặt trận tổ quốc xã…
Bên cạnh đó, Huyện ủy Quỳ Hợp cũng cách các chức vụ trong Đảng đối với 2 cán bộ của Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Quỳ Hợp.
Nguyên nhân cách chức 10 đảng viên trên là do họ được Nhà nước giao quản lý, khoanh nuôi, bảo vệ rừng trên địa bàn xã Nam Sơn, Bắc Sơn theo Nghị định 163 của Chính phủ. Tuy nhiên, trong thời gian qua số cán bộ này đã “không làm tốt, chưa hoàn thành nhiệm vụ” đã để xảy ra gần cả trăm ha rừng bị một số người dân đốn hạ, phát trắng để trồng mới cây keo lai thay thế rừng tự nhiên, gây bất bình trong dư luận.
Sau khi sự việc xảy ra, UBND huyện, Huyện ủy Quỳ Hợp đã chỉ đạo lực lượng CA huyện này vào cuộc điều tra làm rõ. Sau một thời gian vào cuộc điều tra, cơ quan cảnh sát điều tra CA huyện Quỳ Hợp đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự với hành vi hủy hoại rừng, theo Điều 189 Bộ luật Hình sự.
Hiện nay, cơ quan điều tra Công an huyện Quỳ Hợp đang tích cực thu thập tài liệu, chứng cứ để khởi tố bị can, xử lý nghiêm minh trước pháp luật.
Được biết, vào khoảng thời gian đầu tháng 3/2017, tại địa bàn xã Nam Sơn và Bắc Sơn của huyện Quỳ Hợp để xảy ra tình trạng người dân phá rừng tự nhiên để trồng mới cây keo lai nguyên liệu.
Trong số các cán bộ xã có hành vi phát trắng rừng được giao theo Nghị định 163 của Chính phủ để trồng keo, có Bí thư Đảng ủy xã, Phó Chủ tịch xã, Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc xã, Chủ tịch Hội Phụ nữ, Chủ tịch Hội Nông dân, Trưởng Công an xã Nam Sơn.
Một lãnh đạo huyện Quỳ Hợp cho biết: “Số diện tích hơn 65ha bị chặt phá, chuyển đổi khi chưa được cấp có thẩm quyền phê duyệt đều là rừng nghèo kiệt, rừng sản xuất. Những chủ rừng, cán bộ có rừng đã tự ý chuyển diện tích rừng khi chưa được sự cho phép là sai”.
Do đó, Huyện ủy Quỳ Hợp đã tiến hành họp và đi đến cách các chức vụ trong đảng đối với 2 Bí thư của 2 xã nói trên và những cán bộ có liên quan. Riêng Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Quỳ Hợp, huyện cũng đề xuất Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An cách các chức vụ trong Đảng đối với cán bộ này vì trường hợp này do Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý.
Thời gian gần đây trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã xảy ra một số vụ vi phạm lâm luật nhưng đã được lực lượng chức năng và các địa phương phát hiện, ngăn chặn kịp thời. Tuy nhiên, để làm tốt hơn nữa công tác quản lý, bảo vệ rừng, Thường trực Tỉnh ủy đã chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị chức năng, tập trung cao nhất công tác điều tra để xử lý nghiêm những tập thể, cá nhân vi phạm.
Cuối tháng 2/2017, đoàn công tác liên ngành của huyện Tương Dương đã phát hiện một số vụ chặt phá rừng tự nhiên tại địa bàn biên giới 3 xã Tam Hợp, Lưu Kiền và Nậm Càn với tổng số gỗ bị đốn hạ 288m3. Qua công tác điều tra, kiểm đếm cho thấy, hầu hết số gỗ này đều bị đốn chặt từ trước, chưa kịp tẩu tán tang vật.
Trước tình hình đó, lãnh đạo huyện Tương Dương đã báo cáo Thường trực Tỉnh ủy và chỉ đạo Công an huyện Tương Dương khởi tố vụ án hình sự vi phạm các quy định về khai thác bảo vệ rừng. Đây là vụ phá rừng có tính điển hình được cơ quan chức năng phát hiện và tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can với tội danh vi phạm Luật bảo vệ phát triển rừng.
Ông Nguyễn Đình Tùng - Chủ tịch UBND huyện Quỳ Hợp cho biết: “Qua vụ việc này sẽ có xử lý một số đối tượng có dấu hiệu hình sự để răn đe. Tuy nhiên, mục tiêu chính là làm cho bà con nâng cao nhận thức để hiểu biết pháp luật, tránh được vi phạm”.
Ông Đinh Viết Hồng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An cho biết: Tỉnh ủy - UBND tỉnh chỉ đạo các cấp, ngành vào cuộc quyết liệt để sớm tìm ra thủ phạm. Hiện nay, huyện Tương Dương và Quỳ Hợp đã khởi tố vụ án, tích cực điều tra sớm tìm ra nguyên nhân để xử lý nghiêm trước pháp luật.
“Lần này với tinh thần của tỉnh là xử lý nghiêm, không phân biệt đối tượng, không có vùng cấm. Đồng thời xử lý trách nhiệm của chủ rừng, cơ quan chuyên môn như: Kiểm lâm, chính quyền sở tại thiếu trách nhiệm, không hoàn thành nhiệm vụ để cho tình trạng phá rừng ở một số nơi diễn ra phức tạp. Đây là nguyên nhân làm mất lòng tin của nhân dân chúng ta”, ông Hồng cho biết.
Dưới đây là một số hình ảnh "nạn" phá rừng ở xã Nam Sơn do PV Dân trí ghi lại:
Những thân cây lớn giờ chỉ còn lại gốc. Những gốc cây này có đường kính khá lớn từ 40-60cm.
Gỗ được kéo theo khe nước.
Tập kết tại bờ ruộng dưới chân đồi.
Một số người dân bản địa kéo gỗ ra ngoài. Theo người dân mà chúng tôi gặp họ cho rằng gỗ này được cắt khúc chỉ để làm củi nấu.
Nguyễn Duy