1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hàng loạt biệt thự trên đất nông nghiệp ven Hồ Tây: "Thiếu sót rất lớn" (!)

(Dân trí) - Dù hàng loạt biệt thự nhà vườn “mọc” giữa khu đất nông nghiệp ven Hồ Tây, có diện tích từ vài trăm đến cả nghìn mét vuông, nhưng chính quyền phường Quảng An không có giấy tờ, hồ sơ vi phạm. Chỉ đến khi Thanh tra Sở TN-MT vào cuộc, phường này mới rà soát để xin UBND quận Tây Hồ phương án xử lý.

Từ Phủ Tây Hồ nhìn chéo qua đầm sen (Đầm Trị) là hàng chục biệt thự mang đủ kiểu dáng từ châu Âu, đến biệt thự nhà vườn. Bên ngoài biệt thự là những cánh cổng “sơn son thếp vàng” thể hiện đẳng cấp của gia chủ. Điều ít ai ngờ là loạt biệt thự này được “mọc” lên từ đất nông nghiệp.

Con đường bê tông rộng thênh thang dẫn chúng tôi vào khu vực có hàng chục biệt thự này. Phía trước mỗi ngôi nhà là bãi đất rộng nằm sát mép hồ có hàng chục xế hộp mới cóng nối đuôi nhau.

Tuy là nhà được xây dựng trên đất nông nghiệp nhưng cơ sở hạ tầng ở đây đã hoàn thiện như khu dân cư bình thường.

Ông Đặng Văn Hồi – Phó Chủ tịch UBND phường Quảng An (quận Tây Hồ) - cho biết, toàn bộ khu vực hồ Đầm Trị có diện tích khoảng 80.000 m2, trong đó diện tích đất khoảng 11.500 m2.

Theo ông Hồi, tổ dân phố 14 Đầm Trị có cả đất nông nghiệp xen kẽ đất ở. Đến nay, khu đất này được quy hoạch đất ở và đất cây xanh.

Các biệt thự nhà vườn nằm ở vị trí đặc địa ven Hồ Tây (Ảnh: Vũ Toản)
Các biệt thự nhà vườn nằm ở vị trí đặc địa ven Hồ Tây (Ảnh: Vũ Toản)

Dù làm Phó Chủ tịch ở phường Quảng An từ năm 2013 đến nay (4 năm) nhưng khi dư luận phản ánh về các công trình xây dựng trên đất nông nghiệp ở khu Đầm Trị, ông Hồi cho nhân viên kiểm tra thì thấy không có bất cứ hồ sơ nào liên quan đến các công trình vi phạm.

“Các công trình ở đây đều xây dựng từ trước năm 2011, lúc đó tôi chưa về. Còn từ năm 2013 đến nay, phát sinh công trình nào chúng tôi cho xử lý công trình đó”, ông Đặng Văn Hồi nói và cho biết diện tích hồ Đầm Trị cũng bị lấn chiếm nhưng không nhiều, chủ yếu là để làm đường đi.

Thực tế, ông Hồi cũng thừa nhận từ năm 2010 đến nay trên mặt hồ Đầm Trị có căn nhà gỗ. Thời điểm đầu căn nhà gỗ rộng khoảng 30 m2, sau này được gia chủ cơi nới thêm.

Ông Hồi cho biết, căn nhà gỗ nằm giữa mặt hồ này là do người dân “tự ý” xây dựng. Đến nay chính quyền phường cũng không có hồ sơ vi phạm của căn nhà này. Qua 7 năm căn nhà gỗ tồn tại trên mặt hồ Đầm Trị, khi dư luận phản ánh và lãnh đạo UBND TP Hà Nội chỉ đạo, chính quyền phường mới yêu cầu phá dỡ.

Và cũng gần chục năm qua các công trình tồn tại ở khu vực hồ Đầm Trị, đến nay lãnh đạo phường Quảng An cũng chưa thống kê, rà soát. Do vậy, khi trao đổi với báo chí ông Hồi chưa thể khẳng định công trình nào xây dựng trên đất nông nghiệp.

“Hiện tại phường đang làm việc với Thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường khảo sát, thống kê để có số liệu cụ thể”, ông Hồi nói.

Khi đề cập đến trách nhiệm của của phường trong việc để xảy ra các công trình vi phạm xung quanh hồ Đâm Trị, ông Hồi chỉ khẳng định trách nhiệm của UBND phường Quảng An là kiểm tra, thống kê các điểm lấn chiếm. Sau đó, phường này sẽ báo cáo lên UBND quận và xin ý kiến xử lý.

Công trình người dân tự ý xây dựng trên mặt hồ bị phá dỡ (Ảnh: Vũ Toản)
Công trình người dân tự ý xây dựng trên mặt hồ bị phá dỡ (Ảnh: Vũ Toản)

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Văn Đông - Đội trưởng Đội Thanh tra xây dựng quận Tây Hồ khẳng định các công trình dư luận phản ánh ở ven hồ Đầm Trị được xây dựng trên đất nông nghiệp. Theo ông Đông thì tất cả các công trình này đều xây dựng không phép.

“Thanh tra chúng tôi cũng lập hồ sơ, phối hợp cùng phường xử lý. Chúng tôi cũng đã có hồ sơ vi phạm các công trình ở đây. Nhưng để xây dựng không phép thuộc trách nhiệm của UBND phường”, ông Đông cho hay.

Theo ông Nguyễn Văn Đông việc để người dân xây dựng trên đất nông nghiệp là thiếu sót rất lớn. Do vậy, nếu trước đây chưa khắc phục được thì thời gian tới phải làm quyết liệt.

Ông Đông nêu rõ quan điểm là các công trình sai phạm thì phải xử lý. “Công trình sai đến đâu thì phải xử lý đến đấy, vi phạm hành chính thì xử lý bằng biện pháp hành chính. Thậm chí có những công trình phải phá dỡ”, ông Đông nói.

Quang Phong