1. Dòng sự kiện:
  2. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định
  3. Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Hàng chục nóc nhà ở Điện Biên vẫn chìm nghỉm trong nước

(Dân trí) - Ông Lò Văn Hoàn, Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo, Điện Biên cho biết, tính đến sáng nay (5/8), tại xã Phú Nhung, huyện Tuần Giáo vẫn còn có 10 nhà dân chìm sâu trong nước. Do lũ rút chậm nên cuộc sống sinh hoạt người dân gặp nhiều khó khăn.

Mặc dù trên địa bàn không còn xảy ra mưa to, lũ đã rút nhưng một số nơi tại Điện Biên vẫn còn chịu ảnh hưởng nặng nề sau mưa lũ, hàng chục nóc nhà vẫn chìm sâu dưới nước.

Chiều ngày 4/8, con đường từ xã Pú Nhung vào bản Đề Chia C vẫn đang trong tình trạng ngập nước, có những đoạn nước vẫn còn ngập sâu hơn 1 mét. Trung tâm bản Đề Chia C, xã Phú Nhung là nơi ngập sâu nhất, nước dâng cao tới vài mét, có những nơi trũng thấp nước ngập lên đến khoảng 30 mét.

resized-bandechiac-5-4a9e0
resized-bandechiac-4-aefa9

Xã Phú Nhung, Tuần Giáo (Điện Biên) hiện vẫn còn 10 nhà dân chìm sâu dưới nước.

Toàn bộ bản hiện đang bị cô lập và chia cắt hoàn toàn với bên ngoài do nước lũ dâng cao. Cả bản Đề Chia C còn 10 nhà dân chìm sâu dưới nước, trong đó có 7 nhà không nhìn thấy nóc.

Nhiều tài sản của bà con như nhà cửa, hoa màu, chuồng trại, ao cá... tại khu vực trung tâm bản đều chìm nghỉm dưới nước, thiệt hại nặng nề.

Xung quanh bốn bề là nước nên cuộc sống sinh hoạt của người dân bị đảo lộn, điện bị cắt để đảm bảo an toàn, không có nguồn nước sinh hoạt đảm bảo, người dân đang phải sống tạm với lũ và chỉ có phương tiện là bè tự chế để di chuyển.

resized-bandechiac-3-1c990
Người dân bản Đề Chia C chèo bè đi lại giữa mênh mông nước lũ.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Lò Văn Hoàn, Chủ tịch UBND huyện Tuần Giáo, Điện Biên cho biết, mặc dù trên địa bàn không còn xảy ra mưa nhưng do địa hình phức tạp, Đề Chia C lại nằm ở vị trí trũng thấp nên thoát nước rất kém, hơn nữa nước từ các nơi vẫn đổ về trung tâm bản. Dự kiến tình trạng nước ngập sẽ còn kéo dài trong một vài ngày tới.

Liên quan đến công tác khắc phục hậu quả sau mưa lũ, ông Hoàn cho biết, ngay khi lũ rút ở nhiều nơi chính quyền địa phương đã huy động các lực lượng tại chỗ để hỗ trợ bà con khắc phục hậu quả, di chuyển đồ đạc tới nơi an toàn, tiến hành công tác khử trùng, đảm bảo vệ sinh. Riêng đối với đập Huổi Củ bị vỡ gây ra lũ ống vào sáng 1/8, chính quyền địa phương chỉ đạo sẽ không cho người dân đắp lại bờ phía thượng nguồn, đề phòng lũ ống tiếp tục xảy ra.

Trong ngày 4/8, Trung ương Hội Chữ thập Đỏ Việt Nam trao 100 suất quà gồm chăn màn, nhu yếu phẩm cùng 12 triệu đồng tiền mặt cho huyện Tuần Giáo và hỗ trợ 10 hộ gia đình tại thị trấn Tuần Giáo mỗi hộ 1 triệu đồng.

 

resized-caobang-ttxvn-8dcbc

Một tuyến đường dài 2km ở huyện Thông Nông bị ngập sâu 2m, khiến người dân di chuyển bằng bè mảng. Ảnh: Quân Trang – TTXVN.

Công an tỉnh Điện Biên cũng đã cử hơn 20 cán bộ xuống giúp nhân dân khắc phục hậu quả và hỗ trợ 10 tấn gạo, 5 tạ mỳ ăn liền, 1 tạ lương khô và thuốc chữa bệnh cho người dân bị thiệt hại do mưa lũ tại 2 xã Pú Nhung, Pu Xi...

Ngoài ra, mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày qua đã khiến cho Km 21+ 300 đến Km 22+ 500 QL 12 đoạn Mường Chà đi thị xã Mường Lay liên tiếp bị sạt lở, khiến cho giao thông từ Điện Biên đi TX Mường Lay, đi TP Lai châu bị tê liệt.

Đất, đá sạt lở đã vùi lấp toàn bộ ngôi nhà của anh Giàng A Hồ và lớp học mầm non ở bản Huổi Tóong 2 xã Huổi Lèng huyện Mường Chà. Tuy nhiên, trước khi xảy ra vụ sạt lở, anh Giàng A Hồ đã đưa vợ con đi sơ tán khi phát hiện trên núi phía sau nhà có vết nứt lớn.

resized-nhi-u-h-dan-ch́m-trong-n-c-l-65137
resized-ng-i-dan-di-chuy-n-b-ng-cac-ph-ng-ti-n-t-t-o-65b9d
Người dân xóm Lũng Soóc, xã Gia Lộc, huyện Chi Lăng, Lạng Sơn dùng phao để đi lại trong mùa lũ.

Tại Bắc Kạn, từ hôm qua (4/8) lượng mưa đã giảm nhưng mực nước vẫn tiếp tục dâng cao tại một số nơi trên địa bàn. Tại thôn Lủng Pảng, xã Côn Minh, huyện Na Rì, hiện 12 hộ dân ở xóm Cốc Khe thuộc thôn Lủng Pảng vẫn đang bị nước lũ cô lập.

Khu vực mà 12 hộ dân thôn Cốc Khe sinh sống là một gò đất rộng xung quanh có núi cao bao bọc, con đường đất duy nhất để đi vào làng đã bị ngập sâu, có đoạn ngập tới vài mét. Còn đường duy nhất vào thôn bị ngập và chia cắt, do đó, người dân chỉ còn cách duy nhất là chặt tre để đóng những chiếc bè mảng để đi lại trên mặt nước.

 

resized-image-4-32259
Hiện công tác tìm kiếm nạn nhân mất tích trong vụ sạt lở tại Thông Nông, Cao Bằng gặp nhiều khó khăn do mưa liên tục.

Liên quan đến công tác tìm kiếm các nạn nhân trong vụ sạt lở núi khiến 8 người thương vong tại huyện Thông Nông, Cao Bằng, trưa nay (5/8), trao đổi với PV Dân trí, ông Lãnh Văn Giàu, Chủ tịch UBND xã Cần Nông, Thông Nông cho biết, ngày thứ tư xảy vụ sạt lở, các lực lượng chức chức năng vẫn chưa xác định được vị trí và tung tích của nạn nhân mất tích, hiện công tác tìm kiếm vẫn đang rất khẩn trương. Tuy nhiên, hiện tại trên địa bàn huyện Thông Nông vẫn tiếp tục xảy ra mưa lớn nên việc tìm kiếm gặp nhiều khó khăn, cứ máy xúc gạt đi thì đất đá ở phía trên cao lại sụt xuống. Do địa hình phức tạp nên chỉ có một vị trí tại khu vực tìm kiếm máy xúc hoạt động được, các máy khác tiếp tục tìm kiếm ở phía phía dưới.

Trong ngày 4/8, mưa lũ vẫn tiếp tục gây ngập úng, sạt lở tại các địa phương trên địa bàn huyện Thông Nông và tỉnh Cao Bằng. Một số tuyến đường thuộc quốc lộ 34, tỉnh lộ 204, tỉnh lộ 209; tuyến đường vành đai đai biên giới liên huyện Thông Nông- Bảo Lạc; 2 tuyến giao thông nông thôn Bản Nùng - Triệu Nguyên và Bản Cải - Kéo Gạm thuộc huyện Nguyên Bình; đường đi xã Hưng Thịnh (huyện Bảo Lạc)... bị sạt lở, gây ách tắc giao thông cục bộ. Tại huyện Thông Nông, một số nơi bà con phải chặt tre để đón bè đi lại do nước ngập sâu bề mặt đường lên tới 2 mét.

X. Thái

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm