1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Nghệ An:

Hàng chục nghìn người có công mỏi mòn chờ hỗ trợ

(Dân trí) - Theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ thì Nghệ An có hơn 25.000 hộ gia đình có công được hỗ trợ về nhà ở. Trong khi đó, có gần 80.000 người tham gia kháng chiến được tặng Bằng khen của Thủ tướng, Bộ trưởng, Chủ tịch UBND tỉnh được trợ cấp 1 lần. Tuy nhiên, đến thời điểm này, phần lớn các đối tượng trên đều chưa được nhận hỗ trợ.

Theo Quyết định 24/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc trợ cấp 1 lần cho người tham gia kháng chiến được tặng Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bằng khen của Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Bằng khen của Chủ tịch UBND cấp tỉnh, Nghệ An có 77.607 người được hưởng trợ cấp. Theo đó, mức trợ cấp 1 lần đối với những người được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ là 1.815.000 đồng; Bằng khen của Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh là 1.210.000 đồng.

Ông Phạm Đình Chung - 1 trong hơn 77.000 trường hợp gia đình người có công được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 24/QĐ-TTg.
Ông Phạm Đình Chung - 1 trong hơn 77.000 trường hợp gia đình người có công được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 24/QĐ-TTg.

Theo ông Nguyễn Đăng Dương - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An - để giải quyết trợ cấp 1 lần cho các đối tượng này, cần kinh phí lên tới hơn 100 tỷ đồng. Trung tuần tháng 10/2016, với những hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, Sở LĐ-TB&XH Nghệ An đã tổng hợp và trình gửi UBND tỉnh phê duyệt để tỉnh trình Trung ương hỗ trợ cấp kinh phí chi trả trợ cấp cho các đối tượng.

Do tỉnh Nghệ An không đủ ngân sách để cân đối nên toàn bộ kinh phí thực hiện chi trả 1 lần cho các đối tượng này đều do ngân sách Trung ương chi trả.

Theo báo cáo của Ban Thi đua khen thưởng tỉnh thì có gần 16.000 hồ sơ đề nghị chi trả đợt 1 với kinh phí hơn 19 tỷ đồng; đợt 2 có khoảng 6.000 hồ sơ đề nghị Chính phủ chi trả trợ cấp 1 lần với kinh phí hơn 8 tỷ đồng. Hiện việc xét duyệt hồ sơ vẫn đang tiếp tục được tiến hành từ cấp xã đến cấp huyện, cấp tỉnh theo phương châm đơn vị nào hoàn tất xét duyệt hồ sơ thì thẩm định để trình Chính phủ bố trí nguồn chi trả.

"Các cấp tỉnh Nghệ An làm rất quyết liệt và trách nhiệm, có thể nói là tỉnh đầu tiên triển khai và thẩm định được một lượng hồ sơ rất lớn. Tuy nhiên, hiện Chính phủ vẫn chưa cấp nguồn để chi trả trợ cấp cho các đối tượng theo Quyết định 24/2016/QĐ-TTg", ông Dương cho hay.

Trong khi đó, Nghệ An hiện cũng đang còn hơn 25.000 trên tổng số 26.488 hộ gia đình có công với cách mạng thuộc diện được hỗ trợ về nhà ở theo Quyết định 22/2013/QĐ-TTg chưa được giải quyết do chưa có kinh phí.

Theo số liệu thống kê, sau gần 3 năm triển khai, toàn tỉnh Nghệ An mới chỉ có 1.108 hộ gia đình được nhận tiền hỗ trợ với 40 triệu đồng/hộ xây mới và 20 triệu đồng/hộ sửa chữa nhà ở. Hơn 25.000 hộ gia đình có công vẫn đang mòn mỏi chờ tiền về. Nhiều hộ gia đình sau khi hồ sơ được xét duyệt, trước nhu cầu bức thiết về nhà ở, đã vay mượn ngân hàng để sửa chữa, xây mới nhà với hi vọng tiền hỗ trợ sớm về để trả. Vậy nhưng, sau khi trở thành con nợ thì khoản tiền hỗ trợ vẫn chưa thấy đâu, đồng nghĩa với việc hàng tháng họ phải trả thêm một khoản tiền lãi không hề nhỏ đối với hoàn cảnh kinh tế vốn đã khó khăn.

Ông Phạm Đình Chung (SN 1949, trú xóm 13, xã Nghi Ân, TP Vinh) thuộc đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ. Nhiều năm sống trong căn nhà dột nát, nên khi nhận được thông tin hồ sơ của mình được phê duyệt, ông Chung mừng lắm, nghĩ tới cảnh tuổi già được sống trong căn nhà kiên cố, không phải lo đến những ngày mưa bão rét mướt, ông vui đến nỗi không ngủ được.

Căn nhà đã được xây bằng khoản tiền tích góp và vay nợ ngân hàng nhưng hiện khoản tiền hỗ trợ theo QĐ 22 ông Chung vẫn chưa được nhận.
Căn nhà đã được xây bằng khoản tiền tích góp và vay nợ ngân hàng nhưng hiện khoản tiền hỗ trợ theo QĐ 22 ông Chung vẫn chưa được nhận.

Theo Quyết định 22, gia đình ông được hỗ trợ 40 triệu đồng, cộng với tiền bán bò, vay mượn thêm, ông tính xây căn nhà gạch rộng khoảng 50m2. Thế nhưng đợi mãi không thấy tiền hỗ trợ chuyển về, ông bà bấm bụng vay ngân hàng làm trước, tiền về sẽ trả sau. Năm 2015, nhà xây xong, dẫu chưa được hoàn thiện nhưng ông bà có chỗ ở tươm tất. Mỗi tội nhà đã xong, nợ vay phải trả nhưng tiền hỗ trợ vẫn chưa về. Hai ông bà già còng lưng vất vả kiếm bữa ăn và “cõng” thêm tiền lãi đối với khoản vay 80 triệu đồng từ ngân hàng.

“Tôi già rồi, chả biết sống được mấy hơi nữa nhưng cứ nghĩ đến khoản nợ 80 triệu đồng kia mà chảy nước mắt. Nếu có 40 triệu đồng từ Nhà nước, hai vợ chồng già chúng tôi cũng đỡ đi 1 khoản lo”, ông Chung buồn rầu tâm sự.

Trong các cuộc tiếp xúc cử tri, cử tri tỉnh Nghệ An cũng nhiều lần đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội kiến nghị với Trung ương sớm giải quyết cho các gia đình có công. Tuy nhiên số tiền hỗ trợ quá lớn, bởi vậy, dù biết các hộ gia đình có công đang rất cần hỗ trợ nhưng các cơ quan chức năng tỉnh Nghệ An cũng chỉ biết ghi nhận ý kiến, chuyển đến Trung ương và đợi nguồn ngân sách phân bổ về.

“Tỉnh cũng đã nhiều lần đề nghị Trung ương sớm phân bổ, bố trí nguồn để hỗ trợ cho người có công, thân nhân các liệt sỹ thuộc đối tượng được hỗ trợ nhà ở theo Quyết định 22 nhưng hiện kinh phí Nhà nước không đủ cân đối cấp cho các địa phương để cấp cho các hộ dân”, ông Nguyễn Đăng Dương – Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Nghệ An cho biết.

Trước nhu cầu bức thiết về nhà ở của các hộ gia đình có công, thân nhân liệt sỹ, nhiều địa phương đã “vận dụng” các nguồn kinh phí từ Quỹ đền ơn đáp nghĩa hay từ nguồn ngân sách tạm ứng hoặc động viên anh em hỗ trợ, trích kinh phí của xã, phường để thực hiện các sửa chữa nhỏ giúp người dân thuận tiện hơn trong sinh hoạt.

Hoàng Lam