1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Thừa Thiên- Huế:

Hàng chục lao động “dính bẫy” doanh nghiệp?

(Dân trí) - Ngày 26/4, hàng chục người lao động háo hức cầm theo giấy gọi tuyển dụng, đến chi nhánh Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển Thừa Thiên (số 65 An Dương Vương, TP Huế) nhận việc. Nhưng tới nơi họ mới ngã ngửa: công ty cửa đóng then cài, ê kíp lãnh đạo “biến mất” không dấu vết.

Tấm biển công ty cũng đã bị tháo đi từ lúc nào. Người dân xung quanh cho biết, văn phòng đã khóa cửa từ nhiều ngày nay, những người làm việc ở đó không biết đi đâu, cũng không để lại thông báo gì. Công ty này do ông Nguyễn Xuân Tường (thường trú Thanh Hóa) làm giám đốc. Nhiều người cho rằng cả chi nhánh này đã kéo nhau về Thanh Hóa.

 

Nhiều người lao động sốt ruột gọi vào các số điện thoại liên lạc của các thành viên vẫn thường túc trực ở chi nhánh nhưng không ai nhấc máy. Người lao động cho rằng họ đã bị lừa nên đồng loạt  viết đơn tố cáo gửi các cơ quan báo chí và công an. 

 

Để tìm hiểu rõ sự việc, PV gọi vào số máy 0977 227022 (số máy này được ghi trong thông báo tuyển dụng) thì ngay lập tức có người nghe máy, xưng tên là Hòa. PV chưa kịp tự giới thiệu thì người này đã hỏi: Đã nhận được giấy báo chưa? Người đàn ông này còn khẳng định cơ quan đã gửi giấy báo tuyển dụng cho người lao động lâu rồi.

 

Hỏi về sự vắng lặng của chi nhánh công ty tại Huế, anh này cho biết: “Hiện nay toàn bộ người trong công  ty đang ở Thanh Hóa để thực hiện một đợt công tác đặc biệt  kéo dài khoảng 2 tháng. Vì công ty có gặp trục trặc ngoài dự kiến do ông Chủ tịch hội đồng quản trị bị tai nạn nên kế hoạch tuyển dụng lao động có thay đổi. Trong đợt gửi giấy báo này, chúng tôi gọi các anh chị đi làm việc tại Thanh Hóa. Anh cứ yên tâm chờ giấy gọi nhé”. “Nhưng tôi đâu có đăng ký làm việc tại Thanh Hóa?”. Đầu dây bên kia lập tức ngắt máy, chỉ còn tiếng kêu tút tút.

 

Theo lời người lao động, nghe tin chi nhánh Công ty cổ phần Đầu tư phát triển Thừa Thiên tuyển lao động, họ đã đến đăng ký và được hướng dẫn lập hồ sơ, nộp lệ phí xét tuyển. Kết thúc vòng xét tuyển, họ được công ty ký hợp đồng lao động với điều kiện phải nộp tiền tín chấp với các mức: nhân viên bán hàng 1 triệu đồng/người; nhân viên văn phòng: 2 triệu đồng/ người; Cửa hàng trưởng: 3 triệu đồng/ người.

 

Đáng lưu ý, tại các buổi gặp mặt và ký hợp đồng lao động hợp đồng, ông Nguyễn Xuân Trường không hề đề cập đến việc các lao động sau khi được tuyển dụng sẽ công tác tại Thanh Hoá.

 

Anh Phạm Văn Trí, người dân tộc Katu, trú tại huyện miền núi Nam Đông (TT- Huế) cho biết: “Trong quá trình tiếp xúc với người lao động, phía công ty, cụ thể là ông Nguyễn Xuân Tường không hề đề cập đến việc sẽ đưa chúng tôi đi Thanh Hoá để làm việc. Nếu biết làm việc ở Thanh Hoá, tôi sẽ không nộp hồ sơ chứ đừng nói đến việc phải đi vay nóng 1 triệu đồng để nộp tiền tín chấp”. 

 

Có một  điều lạ là các bản  hợp đồng đều được ông Tường ký cách đây hơn nửa tháng, nhưng không hiểu sao, trong hợp đồng ông Tường đều viết “lập ngày 26/4/2007, tại văn phòng công ty”, tức hôm toàn bộ văn phòng “mất tích”.

 

Theo lời nhân viên tên Hòa trên thì không biết bao giờ sức khỏe của ông Tường mới hồi phục để trở lại Huế. Và trong  khi ông Tường đang “bị tai nạn” và phải “nằm” ở Thanh Hoá, nhiều người lao động lại đang điêu đứng ở Huế với số tiền triệu vay nóng.

Lê Tấn Quỳnh