1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Quảng Trị:

Hàng chục km bờ sông Thạch Hãn sạt lở nghiêm trọng

(Dân trí) - Nhiều năm qua, bờ sông Thạch Hãn bị sạt lở nghiêm trọng, uy hiếp cuộc sống và cuốn trôi nhiều diện tích hoa màu của người dân. Tình trạng diễn ra đã lâu mà tỉnh Quảng Trị vẫn chưa có biện pháp khắc phục.

Thôn Tân Mỹ, xã Hải Lệ (huyện Hải Lăng, Quảng Trị) là một trong những địa phương bị sạt lở nghiêm trọng nhất, bởi nơi đây nằm cạnh đuôi tràn của đập xả lũ phía thượng nguồn sông Thạch Hãn (đập Trấm). Hàng năm, cứ mỗi khi mùa mưa lũ về, rất nhiều diện tích đất canh tác hoa màu của người dân bị trôi tuột xuống sông.

Có mặt tại đoạn sông này, chúng tôi ghi nhận cảnh tượng sạt lở hết sức kinh hoàng. Bờ sông bị nước ăn sâu từ 30 - 50 m, có nơi sâu đến 100 m. Đặc biệt, trong đợt mưa lũ vừa qua nước đã đã cuốn trôi hàng ngàn m3 đất canh tác của người dân. Dù rất xót xa trước thực trạng đất bị thu hẹp dần, song người dân địa phương cũng chỉ biết bất lực than thởnhìn đất đai bị cuốn trôi theo dòng sông hung dữ.
 

Hàng trăm héc ta đất hoa màu của người dân đã bị trôi xuống sông

Hàng trăm héc ta đất hoa màu của người dân đã bị trôi xuống sông

Tại đoạn sông chảy qua địa phận các thôn Tân Lê, Như Lệ, Tích Tường… thuộc xã Hải Lệ cũng bị sạt lở hết sức nghiêm trọng. Trong trận lũ vừa qua, do tốc độ xâm thực của dòng sông diễn ra ngày càng mạnh, cuộc sống của nhiều hộ dân sống dọc hai bên bờ sông bị đe dọa.

Nhiều nhà dân đã bị cuốn phăng xuống sông, có đoạn cũng chỉ còn cách nhà chừng 0,5 m. Trước đó, 115 hộ dân ở thôn Tân Mỹ đã được di dời đến nơi an toàn. Tuy nhiên, hiện nay vẫn còn hàng chục hộ dân khác ở các thôn Như Lệ, Tích Tường,… vẫn sống trong cảnh thấp thỏm, lo âu bên cạnh miệng “hà bá”.

Hàng trăm héc ta đất hoa màu của người dân đã bị trôi xuống sông
Con đường nối xã Hải Lệ với các xã vùng Nam Thạch Hãn, được đầu tư gần 40 tỷ đồng và mới được đưa vào sử dụng năm 2011, cũng đang bị ảnh hưởng bởi sạt lở

Điều đáng nói, khi thực hiện việc di dời bà con không hề nhận được phần chính sách hỗ trợ nào nên cuộc sống gặp muôn vàn khó khăn. Mới chỉ đầu mùa lũ năm 2013, thôn Như Lệ đã có 3 nhà dân bị trôi theo dòng nước, đó là chưa kể đến nhiều diện tích hoa màu.

Nhà anh Chung bị sạt lở nghiêm trọng
Nhà anh Chung bị sạt lở nghiêm trọng

Anh Phạm Bá Chung, ở thôn Như Lệ cho biết: “Gia đình tôi đã ở đây được 17 năm, trước kia bờ sông cách nhà đến 30 m, nhưng trong mấy năm gần đây, đất sụt và cứ lấn dần vào nhà”. Trước tình trạng bờ sông bị xâm thực quá mạnh, ngôi nhà anh đang ở có thể bị trôi tuột xuống sông bất cứ lúc nào. Để khắc phục tình trạng trên, anh Chung cũng đã tiến hành trồng tre, đóng cọc gia cố nhưng không hạn chế được bao nhiêu.

Theo anh Chung, sỡ dĩ xảy ra tình trạng sạt lở xảy ra trong mấy năm gần đây là do các tàu thuyền khai thác cát ở lòng sông một cách bừa bãi, khiến cho sông bị thay đổi dòng chảy. Hậu quả là cây cối, nhà cửa, hoa màu bị trôi xuống sông, đường sá bị đe dọa…

Một điểm khai thác, tập kết cát, sạn trên sông Thạch Hãn
Một điểm khai thác, tập kết cát, sạn trên sông Thạch Hãn

Chị Lê Thị Khánh cho biết: “Mấy năm trước các thuyền khai thác cát, sạn cứ chĩa thẳng vòi xuống cạnh bờ sông để hút cát. Dần dần thấy đất đai bị lún sụt, người dân ra sức đẩy đuổi thì đội tàu thuyền này mới chịu di chuyển đi chỗ khác. Tuy nhiên, không hút được ở bờ nam thì đội tàu thuyền này lại quay sang bờ bắc sông hút cát một cách ngang nhiên. Thậm chí, người dân bị chúng tấn công trở lại bằng dao, rựa và xẻng… và bị thương nặng”.

Dọc bờ sông Thạch Hãn còn có hàng chục điểm sạt lở khác như tại phường An Đôn (thị xã Quảng Trị); các xã Triệu Thành, Triệu Thượng (huyện Triệu Phong)…Hàng trăm héc ta đất đang mất dần nhưng chính quyền địa phương chưa có phương án xử lý khả thi.

Đăng Đức

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm