Hàng chục chuyên gia góp ý cải thiện hạ tầng giao thông ở TPHCM
(Dân trí) - Chuyên gia từ các trường đại học trong nước và quốc tế đã đóng góp nhiều ý tưởng về câu chuyện làm đường, cải thiện hạ tầng giao thông trong hội thảo ở TPHCM.
Sáng 19/12, Hội thảo quốc tế "Phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực giao thông vận tải" được khai mạc, do Trường Đại học Giao thông Vận tải (GTVT) và Sở GTVT TPHCM đồng tổ chức.
Hội thảo đã thu hút hơn 80 tham luận nghiên cứu chất lượng cao của nhà khoa học đến từ các trường đại học trong và ngoài nước, sự tham gia đồng hành của hơn 25 doanh nghiệp trong nước và quốc tế, cũng như của nhiều chuyên gia đang công tác tại các cơ quan quản lý, các doanh nghiệp. Dịp này cũng có sự xuất hiện của nhà khoa học đến từ các quốc gia phát triển như Đức, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc...
Ông Phan Công Bằng, Phó giám đốc Sở GTVT TPHCM, đánh giá đây là hội thảo khoa học với các chủ đề mang tính thời sự của cả trong nước và quốc tế, nhận được các nghiên cứu có chất lượng chuyên môn cao.
Lãnh đạo Sở GTVT bày tỏ niềm tin các nghiên cứu này sẽ làm rộng mở các vấn đề, khơi ra đa dạng các giải pháp nhằm giúp các cơ quan quản lý điều hành hiệu quả hơn và giúp công chúng điều chỉnh hành vi tích cực hơn trong việc phát triển xã hội.
PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH GTVT kiêm Giám đốc Phân hiệu trường tại TPHCM, đồng chủ trì các phiên thảo luận, đã chia sẻ mục tiêu của hội thảo này.
"Giao thông vận tải, về cả khía cạnh kỹ thuật xây dựng và tổ chức quản lý vận tải, là lĩnh vực tác động chính đến biến đổi khí hậu, chiếm đến 60% lượng phát thải nhà kính trên toàn cầu.
Do đó, đây trở thành chủ đề nghiên cứu khoa học thu hút sự tham gia của nhiều tổ chức, nhiều nhóm nghiên cứu và các nhà khoa học có uy tín", ông Nguyễn Văn Hùng phát biểu.
Chia sẻ bên lề với phóng viên Dân trí, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng chỉ ra một dẫn chứng về giải pháp sử dụng bê tông làm từ nhựa phế thải.
"Trường ĐH GTVT là cơ sở đầu tiên ở TPHCM triển khai công nghệ chế tạo chất liệu bê tông nhựa tái chế cách đây hơn chục năm. Chúng tôi thu gom, sử dụng lại rác thải nhựa đáng lẽ bị thải ra môi trường để làm bê tông thi công công trình.
Từ chất liệu này cũng cải thiện được một số đặc tính cho bê tông như giảm khối lượng thể tích của bê tông, tăng cường khả năng cách âm, cách nhiệt, đồng thời giảm sử dụng tài nguyên đá khai thác từ tự nhiên.
Đó chính là phát triển bền vững, tức là tiêu hao ít nhất nhưng mang lại hiệu quả tốt nhất", lãnh đạo Trường ĐH GTVT giải thích.
Theo ông Hùng, hội thảo là diễn đàn trao đổi học thuật, cập nhật các công nghệ, thành tựu mới, đồng thời mở ra cơ hội chia sẻ các kết quả nghiên cứu, chuyển giao công nghệ và giới thiệu các sản phẩm mới của các nhà khoa học, các doanh nghiệp trong và ngoài nước.
4 lĩnh vực chuyên môn được thảo luận gồm: Vật liệu, Kỹ thuật công trình, Kỹ thuật giao thông và Kinh tế trong giao thông.
Các phiên thảo luận đã đưa ra giải pháp cụ thể về cơ khí, sử dụng vật liệu tiên tiến, vật liệu tái chế, vật liệu phát thải carbon thấp, các công nghệ hiện đại trong xây dựng kết cấu hạ tầng, quy hoạch và phát triển giao thông bền vững, tổ chức đô thị thông minh, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn…
Lãnh đạo Sở GTVT TPHCM nhận định, các nghiên cứu và các tham luận của hội thảo là nguồn tài liệu tham khảo và tài nguyên quý giá cho các chuyên gia, các nhà khoa học, các doanh nghiệp và các nhà quản lý trong việc tìm kiếm các giải pháp cho các vấn đề liên quan thích ứng biến đổi khí hậu và phát triển bền vững trong GTVT.
Đây là hội thảo quốc tế đầu tiên trong chuỗi hội thảo về phát triển bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu trong lĩnh vực GTVT, dự kiến được tổ chức 2 năm một lần.