1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Kiên Giang:

Hạn, mặn “nuốt trắng" 1.500 tỷ đồng

(Dân trí) - Tính đến thời điểm hiện tại hạn, mặn đã làm thiệt hại 26,7 ha cây màu và 56.505,04 ha diện tích lúa vụ Mùa và vụ Đông Xuân 2015-2016 bị thiệt hại. Uớc tổng giá trị thiệt hại do hạn, mặn là 1.489,5 tỷ đồng.

Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn tỉnh Kiên Giang, năm 2015, do ảnh hưởng của hiện tượng E1 Nino nắng hạn gay gắt, mưa ít, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long ở mức thấp hơn so với cùng kỳ năm trước và trung bình nhiều năm. Mặn đã xâm nhập sớm và sâu khi triều cường tại cửa các tuyến kênh chính chưa có công trình ngăn mặn gây thiệt hại nghiêm trọng cho sản xuất, cũng như thiếu nước sinh hoạt ở các huyện ven biển và các huyện đảo.

Cụ thể, hạn đã làm thiệt hại 26,7 ha cây màu và 56.505,04 ha diện tích lúa vụ Mùa và vụ Đông Xuân 2015-2016 bị thiệt hại (trong đó, diện tích lúa Mùa là 33.639,15 ha, lúa Đông Xuân là 22.865,89 ha; mức độ thiệt hại từ 30-70% là 21.235,02 ha và >70% là 35.270,02 ha); tổng số hộ bị thiệt hại do hạn, mặn là 31.175 hộ; ước tổng giá trị thiệt hại là 1.489,5 tỷ đồng.


Kiên Giang bị mất gần 1.500 tỷ đồng do hạn mặn gây ra

Kiên Giang bị mất gần 1.500 tỷ đồng do hạn mặn gây ra

Ngoài những thiệt hại vật chất thì hạn, mặn đã làm 77.041 hộ dân bị thiếu nước sinh hoạt, trong đó có 15.914 hộ nghèo và 3.638 hộ chính sách tại một số xã ven biển và hải đảo trên địa bàn các huyện như An Biên, An Minh, Hòn Đất, Kiên Lương, Hà Tiên, Phú Quốc, Kiên Hải, Rạch Giá đang bị thiếu nước sinh hoạt trầm trọng. Mặc dù trên địa bàn tỉnh, có tổng số 61 công trình cấp nước nông thôn, phục vụ cho 33.122 hộ dân trên địa bàn các huyện, tổng công suất phục vụ 24.492m3/ngày.

Trong tháng 4/2016 và đầu tháng 5/2016, nước mặn xâm nhập ảnh hưởng trực tiếp đến 12 trạm cấp nước đang hoạt động như: trạm cấp nước Hòa Điền, Bình Sơn, Bình Giang, Hòa An, Giục Tượng, Thứ 7, Đông Hưng, Hòa Chánh, Hòn Tre, Lại Sơn, An Sơn và Nam Du với tổng số hộ dân bị ảnh hưởng 6.299 hộ. Do vậy, cần phải khoan bổ sung một số giếng để phục vụ cấp nước.

Hạn, mặn cũng đã làm cho 77.041 hộ dân ở Kiên Giang bị thiếu nước sinh hoạt.
Hạn, mặn cũng đã làm cho 77.041 hộ dân ở Kiên Giang bị thiếu nước sinh hoạt.

Nhằm hạn chế thiệt hại do hạn, mặn thời gian qua Kiên Giang kịp thời chỉ đạo vận hành tốt việc đóng, mở hệ thống cống trên tuyến đê biển để ngăn mặn - giữ ngọt, hợp lý; đôn đốc các địa phương triển khai đắp các đập ngăn mặn. Tổng số đập ở các địa phương đắp 126 đập (loại đập tạm bằng đất). Ngoài ra, từ tháng 3/2016, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành có liên quan khẩn trương triển khai đắp 4 đập lớn (đóng cừ Larsen).

Đặc biệt, ngày 4/5/2016, UBND tỉnh chỉ đạo lắp đặt 20 máy bơm loại 1500m3/giờ tại vị trí đập Rạch Giá- Long Xuyên, đập kênh Ông Hiển để rút nước mặn từ phía thượng lưu đập để giảm chiều sâu xâm nhập mặn, tạo điều kiện cho Cty TNHH MTV Cấp thoát nước Kiên Giang lấy nước vào hồ tại cửa Tà Tây (cách bờ biển 5km) để cấp nước ngọt phục vụ sinh hoạt 100% cho nhân dân trên địa bàn thành phố Rạch Giá và các huyện lân cận.

Xung quanh việc hỗ trợ người dân có lúa bị thiệt hại do hạn mặn, Sở NN&PTNT tỉnh Kiên Giang cho biết trong đợt 1 có 63.794 ha, số tiền cần hỗ trợ cho 34.441 hộ thiệt hại là 108 tỷ (đã chuyển cho người dân trong tháng 3). Riêng số diện tích lúa bị thiệt hại trong đợt 2 là 22.439ha, tổng số tiền hỗ trợ cho 13.090 hộ là 31,3 tỷ đồng (đã chuyển trong tháng 4). Hiện các địa phương đang làm kế hoạch phát tiền cho người dân.

Dân gặp hạn, ngóng mưa thì lại bị đổ nhà, tốc mái vì giông lốc

Theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn tỉnh Kiên Giang cho biết, tính từ 5/2016 đến nay những cơn mưa đầu mùa trên địa bàn Kiên Giang đã làm sập 63 căn nhà, 109 căn nhà bị tốc mái. Có hai người dân bị thương do mưa lốc…

Từ đầu năm 2016 đến nay, thời tiết diễn biến rất phức tạp; đầu năm thì hạn hán, nắng nóng kéo dài làm ảnh hưởng đến sản xuất và đời sống nhân dân. Còn từ đầu tháng 5/2016 đến nay, ở một số địa phương xuất hiện các đợt mưa lớn kéo dài, kèm theo lốc xoáy đã làm sập, tốc mái nhà ở một số địa phương.

Theo tổng hợp nhanh từ các huyện có 63 căn nhà sập (U Minh Thượng: 04, Gò Quao: 18, Hòn Đất: 30, Tân Hiệp: 01, An Minh: 10), tốc mái 109 căn (U Minh Thượng: 08, Tp.Rạch Giá: 02, Gò Quao: 29, Hòn Đất: 25, Tân Hiệp: 07, An Minh: 38). Ngoài ra, có 2 người bị thương trên địa bàn huyện Hòn Đất và huyện An Minh.


Chiều hôm qua, một cơn mưa lớn trút xuống TP Rạch Giá. Mưa đầu mùa làm sập, tốc mái nhiều nhà dân.

Chiều hôm qua, một cơn mưa lớn trút xuống TP Rạch Giá. Mưa đầu mùa làm sập, tốc mái nhiều nhà dân.

Cũng theo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn tỉnh Kiên Giang, ĐBSCL hiện đang bước vào mùa mưa bão, tình hình thời tiết còn diễn biến phức tạp; mưa lớn, sét, lốc… còn tiềm ẩn yếu tố bất thường, khó lường; cần đề phòng những cơn mưa lớn, kèm theo lốc xoáy có hướng di chuyển phức tạp.

Để chủ động ứng phó với thiên tai, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn tỉnh đề nghị Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn các huyện, thị xã, thành phố tập trung chỉ đạo triển khai thực hiện công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn theo phương châm “bốn tại chỗ” để chủ động ứng phó, hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại do thiên tai có thể xảy ra.

Ngoài ra, chính quyền địa phương vận động người dân tổ chức chằng chống nhà cửa, chặt tỉa cành cây gần nhà có khả năng đổ ngã nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các thiệt hại về người và tài sản có thể xảy ra.

Nguyễn Hành