Hạn hán nghiêm trọng ở Tây Nguyên
(Dân trí) - Dù mùa khô mới bắt đầu, nhưng nhiều khu vực trên địa bàn tỉnh Gia Lai, Kon Tum… đã rơi vào tình trạng hạn hán nghiêm trọng, khiến nhiều cây nông nghiệp bị chết khô, các giếng nước cạn trơ đáy…
Đất ruộng nứt toác khiến bà con nông dân không thể canh tác
Theo báo cáo về tình hình thiếu nước, hạn hán của huyện Chư Păh, hiện nay toàn huyện đã có hơn 420 ha lúa đông xuân mất trắng hoàn toàn; 2 công trình thủy lợi bị hết nước đầu nguồn, cạn trơ đáy là thủy lợi Ia Tiêng và thủy lợi Ia Sen; 2 công trình thủy lợi thiếu nước đầu nguồn là Ia Rưng I và Ia Bơh và một số công trình thủy lợi khác chuẩn bị rơi vào tình trạng báo động.
Hạn hán không chỉ ảnh hưởng đến công việc trồng trọt, mà còn ảnh hưởng đến thủy điện rất lớn. Ông Tạ Văn Luận - Giám đốc Ban quản lý dự án công trình thủy điện Ialy (tỉnh Gia Lai) - cho biết, đến thời điểm hiện tại, mực nước của thủy điện Ialy chỉ cao hơn mực nước chết là 6m, thấp nhất trong vòng 50 năm trở lại đây.
Trong khi đó tại tỉnh Kon Tum, tính đến thời điểm hiện tại trên địa bàn đã có 2.200 giếng nước và các công trình nước tự chảy bị khô cạn. Nhiều người dân ở xã Sa Bình, huyện Sa Thầy phản ánh hầu hết các giếng nước trong xã đã cạn kiệt, người dân thiếu trầm trọng nước sinh hoạt.
Một số hộ dân cho biết, với 8 lít dầu họ chỉ tưới được 1 sào, nếu trời nắng hạn phải bơm nước tưới cho lúa kéo dài đến tháng 4, tính ra sẽ lỗ từ 500 - 1 triệu đồng/sào.
Mùa khô đang diễn biến ngày càng phức tạp, nắng nóng kéo dài, không chỉ người nông dân đang rơi vào cảnh dở khóc dở mếu mà ngành thủy điện cũng đang rơi vào cảnh báo động, báo hiệu một “cơn khát” điện cho năm nay.
Thiên Thư