1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Thanh Hóa:

Hạn hán kỷ lục, dân quay quắt trong “cơn khát”

(Dân trí) - Hạn hán kéo dài khiến hàng trăm hộ dân các xã bị nhiễm nước mặn đang phải “sống mòn” vì khát. Có nơi, người dân phải sinh hoạt bằng nước sông bẩn hay phải bỏ ra vài trăm nghìn mỗi tháng để mua nước sạch.

Dùng nước sông bẩn để sinh hoạt

Do nguồn nước bị xâm nhập mặn và nhiễm phèn nặng nên nhiều năm qua, 100% hộ dân xã Xuân Lộc (Hậu Lộc – Thanh Hóa) phải sử dụng nước mưa cho nhu cầu sinh hoạt. Thời gian qua, nắng nóng kéo dài, bể chứa nước mưa của hầu hết các gia đình trong xã đã cạn nước. Hàng ngàn nhân khẩu của xã Xuân Lộc đứng trước nguy cơ không có nước ăn trong những ngày tới.

Không những nước mưa đã cạn kiệt mà ngay cả những giếng nước khơi nhiễm phèn, mặn, hôi tanh, nước giếng khoan không sử dụng trong nấu ăn được người dân dùng để sinh hoạt, tắm rửa cũng khô cạn.

Hạn hán kỷ lục, dân quay quắt trong “cơn khát”
Tại xã Xuân Lộc, mặc dù nước giếng khơi rất trong nhưng đều bị nhiễm phèn, mặn. Sau một thời gian, ống nước bị bám đầy những vết bẩn màu vàng

Tình trạng trên đã diễn ra vài tháng nay, cho đến thời điểm hiện tại, 90% hộ trong xã hết nước mưa và đến 70% hộ hết nước giếng khơi. Để chống chọi với cái “khát”, những hộ dân trong xã Xuân Lộc đang phải chia sẻ nhau từng xô nước mưa để nấu ăn còn nước sinh hoạt được người dân ra sông gánh về sử dụng.

Điều đáng nói là nước từ con sông Cống Nguyễn chảy qua xã Xuân Lộc được người dân ra tắm rửa và lấy về sử dụng không đảm bảo vệ sinh, hằng ngày trâu bò của người dân vẫn được thả xuống để tắm.

Chị Bùi Thị Huệ, thôn Đông Thịnh, xã Xuân Lộc cho biết: “Chưa có năm nào như năm nay, nắng nóng kéo dài, không có mưa nên hầu hết nhà nào nhà nấy đều hết sạch nước mưa. Có những gia đình hai bể nước cũng không còn một giọt nào, có nhà bể chứa được đến 30 khối nước cũng hết sạch. Do gia đình tôi gần sông nên may mắn là nước giếng khơi vẫn còn một ít để tắm giặt chứ dùng nước sông thì bẩn vô cùng”.

“Nhà tôi hai bể hơn 10 khối nước cũng hết mấy tháng nay rồi, hiện gia đình phải sang hàng xóm xin nước mưa về để nấu ăn. Nước xin về phải tiết kiệm chỉ dám nấu chứ nước sinh hoạt như tắm giặt, công trình vệ sinh phải dùng nước ao. Sắp tới nếu không mưa, những gia đình còn nước mưa cũng sắp cạn kiệt, không biết lấy nước đâu để mà ăn uống nữa” – ông Trần Văn Quang, thôn Đông Thịnh lo lắng.

Hạn hán kỷ lục, dân quay quắt trong “cơn khát”
Con sông này mặc dù mất vệ sinh do nguồn nước đọng và trâu bò vẫn thường xuyên xuống tắm nhưng vẫn được người dân lấy về sinh hoạt

Cũng theo phản ánh của người dân xã Xuân Lộc thì điều họ lo lắng nhiều năm qua không chỉ thiếu nguồn nước sạch để sử dụng mà việc nhiều người dân trong xã bị mắc bệnh ung thư bất thường ở độ tuổi lao động cũng khiến họ trăn trở không biết nguyên nhân có phải từ việc sử dụng nguồn nước hay không.

Ông Trần Thanh Hùng, Trưởng thôn Đông Thịnh cho biết: “Từ khoảng 30 năm nay, nguồn nước giếng khơi của dân làng dần dần bị nhiễm phèn và mặn, nước giếng khoan thì tanh nên buộc người dân phải xây bể nước mưa để ăn uống, còn sinh hoạt thì vẫn dùng nước giếng. Năm nay, hạn hán kéo dài nên dân làng mới khốn khổ vì không những hết nước mưa và nước giếng cũng hết. Con sông mà người dân lấy nước sinh hoạt là nước đọng nên rất bẩn, không đảm bảo vệ sinh. Không riêng gì thôn Đông Thịnh mà đây là tình trạng chung của rất nhiều thôn trong xã”.

Ông Hùng cũng cho hay, khoảng 10 năm trở lại đây trong thôn có khoảng chục người chết vì ung thư và hiện tại có 4 người trên 40 tuổi đang mắc bệnh này.

Trao đổi về vấn đề trên, ông Nguyễn Thành Long, Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Lộc cho hay: “Tình trạng thiếu nước đang là vấn đề nan giải trên địa bàn toàn xã. Nhiều năm qua, việc ăn uống của bà con đều phụ thuộc vào nước mưa nhưng do năm nay hạn hán kéo dài nên nước mưa cũng không còn. Tình trạng này nếu tiếp tục kéo dài thì bà con buộc phải mua nước về để sử dụng. Trước đó, trong các cuộc họp HĐND địa phương cũng đã đề nghị huyện có chương trình hỗ trợ nước sạch cho bà con nhưng vẫn là việc làm khó vì kinh phí quá lớn”.

Không có nước sinh hoạt, người dân phải tìm đến sông, ao hồ để tắm giặt
Không có nước sinh hoạt, người dân phải tìm đến sông, ao hồ để tắm giặt

Cũng theo ông Long thì việc bà con phản ánh có hiện tượng người dân bị bệnh ung thư trong xã là có thật, không tập trung ở một thôn mà thôn nào cũng có. Chủ yếu là ung thư gan, ung thư vòm họng… Cho đến bây giờ, người dân vẫn chưa biết nguyên nhân do đâu.

“Méo mặt” đi mua nước

Cũng chung tình trạng với xã Xuân Lộc là 7 xã vùng bốn (vùng sình lầy, chua mặn) của huyện Nông Cống như xã Tượng Văn, Trường Trung, Trường Sơn… Các xã này cũng là những xã có nguồn nước bị nhiễm phèn, nhiễm mặn nên việc ăn uống đều phụ thuộc vào nước mưa.

Gần 2 tháng qua, hầu hết các hộ dân của các xã trên đã phải mua nước của các hộ làm dịch vụ về để sử dụng với giá từ 70.000 đến 90.000 đồng một m3. Mặc dù chỉ dám sử dụng tiết kiệm nguồn nước này cho các hoạt động ăn uống, nhưng 1 tháng mỗi gia đình cũng phải chi từ 300 đến 350.000 đồng để mua nước. Điều này thật sự gây khó khăn đối với nhân dân vùng nông thôn, cuộc sống chủ yếu gắn liền với nông nghiệp.

Hầu hết các hộ ở 7 xã vùng bốn huyện Nông Cống đều phải méo mặt đi mua nước để ăn
Hầu hết các hộ ở 7 xã vùng bốn huyện Nông Cống đều phải "méo mặt" đi mua nước để ăn

Nguồn nước được lấy đi bán là từ một giếng nước trong núi thuộc xã Tượng Văn. Theo người dân thì giếng nước này từ bao đời nay không bao giờ cạn nhưng năm nay thì cũng gần cạn. Giếng nước này có từ xa xưa, mấy năm nay được ông Phạm Văn Sơn (ở cạnh giếng) đào lại và trông coi. Đến mùa hạn hán, người dân đều đến đây mua nước về dùng hoặc mang đi bán lại cho các hộ khác ở các xã lân cận.

Bà Phạm Thị Diện, thôn 9, xã Tượng Văn phàn nàn: “Đã hai tháng nay nhà tôi phải đi mua nước về ăn rồi. Họ bán với giá 70.000đ/ khối, tùy thuộc vào km đường mà họ có thể lấy các mức 70.000đ- 80.000đ  hay 90.000 đồng/khối. Mỗi tháng tiết kiệm lắm, gia đình vẫn dùng hết 4 khối nước. Đối với người nông dân như chúng tôi thì với số tiền đó cũng là khó khăn lắm”.

Ông Bùi Xuân Tuấn, Chủ tịch UBND xã Trường Trung cho biết: “Chưa có năm nào xã lại thiếu nước trầm trọng như năm nay. Hiện toàn xã có tới 80-90% người dân phải đi mua nước về ăn nên dẫn đến tình trạng bà con đã khó khăn lại càng khó khăn hơn”.

Được biết, từ năm 2008, một ngân hàng đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn về địa phương khảo sát, tham vấn, lấy ý kiến nhân dân để xây dựng nhà máy nước sạch tại địa phương nhưng đến nay vẫn chưa thấy triển khai.

Nguyễn Thùy