1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM

Đắk Nông:

Hạn giữa mùa mưa, hàng chục hộ dân điêu đứng vì lúa cháy

(Dân trí) - Hơn 120 ha lúa và nhiều diện tích cây trồng khác của bà con đồng bào dân tộc thiểu số tại xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil (tỉnh Đắk Nông) đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi hạn hán trong khi vào thời điểm này các tỉnh Tây Nguyên đang là mùa mưa.

Theo UBND xã Đắk Gằn, hạn hán xuất hiện trên địa bàn xã trong vòng 2 tuần qua đã khiến ruộng đồng nứt nẻ, nhiều diện tích cây trồng của bà con nông dân có nguy cơ chết cháy vì thiếu nước tưới trầm trọng. Hạn hán đã làm hơn 121 ha lúa của bà con người đồng bào M’nông sinh sống tại địa phương bị ảnh hưởng nghiêm trọng, trong đó tập trung ở các bon (tức buôn, người M’nông gọi là bon, người Ê-đê gọi là buôn) Đắk Gằn, Đắk Krai, Đắk Sra và Đắk Láp.

Hạn giữa mùa mưa, hàng chục hộ dân điêu đứng vì lúa cháy
Hạn hán bất thường đã hơn 121 ha lúa của bà con người đồng bào M’nông tại xã Đắk Gằn bị ảnh hưởng nghiêm trọng, lúa chết từng đám.

Bên cạnh đó, hạn hán bất thường cũng đe dọa nhiều diện tích cây công nghiệp trên địa bàn xã Đắk Gằn như cây tiêu, cà phê… trong đó tập trung ở địa bàn các thôn Sơn Thượng, Tân Định, Nam Định và một phần nhỏ ở thôn Bắc Sơn. Riêng đối với cây tiêu, đến thời điểm này đã có 5 ha tiêu bị chết trắng do dịch bệnh, hơn 70 ha tiêu khác bị ảnh hưởng do nắng hạn.

Thời điểm này theo UBND xã Đắk Gằn, nhiều diện tích bắp, đậu gieo trồng vụ 2 của bà con địa phương trên địa bàn xã đang gặp nắng hạn nên bị héo vàng; việc bón phân đợt 2 và đợt 3 cho cây cà phê bất ngờ gặp nắng gắt đã ảnh hưởng đến việc sinh trưởng và phát triển của cây.

Sáng ngày 4/9, theo chân một cán bộ khuyến nông địa phương tìm hiểu thực tế, PV Dân trí đã chứng kiến tình trạng ruộng đồng trên địa bàn xã Đắk Gằn bị khô hạn nghiêm trọng, trên các cánh đồng cây lúa mới gieo được hơn 1 tháng tuổi thì xuất hiện tình trạng vàng lá do thiếu nước, thậm chí có nơi cây lúa - vốn là cây trồng chủ đạo của bà con nơi đây bị chết đổ rạp theo từng đám nhỏ.

Bà H Brum, bon Đắk Gằn (xã Đắk Gằn) buồn bã nói: “Nắng mới một tuần nay mà như lửa cháy! Đã hai ba ngày nay mình không xuống thăm đồng nơi vì nhà mình chỉ có 2 sào lúa mà bị hư hết rồi!”. Bà H Brum cũng cho biết, gia đình bà có 12 khẩu, ngoài diện tích 2 sào lúa bị hư hại do hạn hán, gia đình bà còn trồng thêm ngô nhưng do lúa bị chết nên nhiều khả năng năm nay sẽ không đủ ăn.

Ông Y Nap - cán bộ khuyến nông bon Đắk Gằn cho biết: “Ở bon Đắk Gằn hộ gia đình bà H Brum là một trong những hộ bị ảnh hưởng khá nặng do hạn hán. Trên địa bàn của bon có 107 hộ thì có 57 hộ có ruộng lúa, trong khi đó có 60% số hộ có ruộng bị ảnh hưởng do hạn hán. Hiện trong bon có khoảng 10 hộ bị mất trắng lúa nên việc thiếu đói đang có nguy cơ hiện hữu”.

Trong khi đó, ông Y Krơt - trưởng bon Đắk Sra cho hay: “Lúa của bà con ở địa phương nói vui là nhờ “nước trời” thôi! Đất đai ở đây xấu lắm, hình thức chăm sóc của bà con chưa được tốt cộng với việc thiếu nước nên năm nay là năm hạn hán ảnh hưởng rất nặng cho bà con”. Ông Y Krơt cũng cho biết thêm, tại bon Đắk Sra hiện có 24 hộ dân trồng lúa, nhưng thời gian qua do hạn hán bất thường đã làm khoảng 70 đến 80% diện tích lúa bị thiếu nước.

Trước tình hình hạn hán bất thường kéo dài đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều diện tích cây trồng trên địa bàn xã Đắk Gằn, bà Trần Thị Khương - cán bộ khuyến nông xã Đắk Gằn cho biết, hiện địa phương đã có báo cáo lên phòng chuyên môn của huyện Đắk Mil để xin hỗ trợ về kỹ thuật nhằm giúp bà con địa phương khắc phục tình trạng cây trồng vì hạn mà phát sinh sâu bệnh. Trong khi đó, trao đổi với PV Dân trí, ông Phạm Đức Châu - Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Gằn cho biết, so với cùng kỳ năm ngoái thì thời điểm năm nay lượng mưa tại địa phương ít hơn nên việc hạn hán năm nay tương đối gay gắt hơn.

Nhiều hộ cho biết do lúa chết vì thiếu nước nên nhiều khả năng năm nay sẽ không đủ ăn.
Nhiều hộ cho biết do lúa chết vì thiếu nước nên nhiều khả năng năm nay sẽ không đủ ăn.

“Ở góc độ địa phương, trước mắt UBND xã cũng đã kêu gọi, khuyến cáo bà con nhân dân tìm nguồn nước để chống hạn. Về vấn đề thiếu nước, xã cũng đã kêu ca rất nhiều rồi về các công trình thủy lợi, hệ thống kênh mương nội đồng vì Đắk Gằn là một một xã cực kỳ khô hạn. Các công trình thủy lợi, kênh mương đối với địa phương, dự án thì có nhiều nhưng thực tế chỉ nằm trên giấy vì không có vốn đầu tư. Trong khi bà con đồng bào tại địa phương lại trồng lúa một vụ nên bây giờ gặp hạn hán thì gặp rất nhiều khó khăn”, ông Châu than thở.

Theo người dân địa phương, mấy ngày qua tại Đắk Gằn đã có một vài trận mưa nặng hạt nhưng “lộc trời” chừng đó là chưa đủ để “hạ nhiệt”, người dân địa phương ở đây bày tỏ mong muốn được các cấp, các ngành quan tâm đầu tư một công trình thủy lợi để đảm bảo tưới tiêu cho cây lúa khi gặp hạn hán bất thường.
 

Trao đổi với PV Dân trí qua điện thoại, ông Hoàng Công Thắng - Chủ tịch UBND huyện Đắk Mil cho biết, vừa qua Phòng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn huyện đã có thực tế kiểm tra tình hình hạn hán tại địa bàn xã Đắk Gằn. Tại Đắk Gằn hiện đã có dự án xây dựng hồ Đắk Gằn nhằm mục đích đảm bảo tưới tiêu cho cây lúa và duy trì nguồn nước tại địa phương nhưng do chưa bố trí được nguồn vốn nên chưa được triển khai xây dựng.

Viết Hảo