1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hạn chế tốc độ tại các điểm đen tai nạn giao thông

(Dân trí) - Trước tình hình tai nạn giao thông (TNGT) hiện nay, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Trương Quang Nghĩa vừa yêu cầu rà soát và cắm biển hạn chế tốc độ phương tiện tại các điểm thường xuyên xảy ra TNGT.

TNGT đường sắt nghiêm trọng liên tiếp xảy ra trong thời gian qua
TNGT đường sắt nghiêm trọng liên tiếp xảy ra trong thời gian qua

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa cho rằng, việc nâng tốc độ chạy xe trên nhiều tuyến đường thời gian qua đã mang lại hiệu quả lớn cho nền kinh tế, nhưng việc này không thể làm tràn lan. Người đứng đầu ngành GTVT yêu cầu tập trung đảm bảo trật tự an toàn giao thông, nhất là an toàn giao thông đường sắt.

Tháng 2 vừa qua TNGT đã giảm được số vụ và số người chết so với cùng kỳ hàng năm, tuy nhiên lại xảy ra nhiều vụ TNGT đường sắt nghiêm trọng. Do vậy, Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa yêu cầu các cơ quan, đơn vị phải tiếp tục chú trọng đến việc đảo đảm ATGT đường sắt, trong đó lưu ý đến nguồn vốn đầu tư hạ tầng và định hướng phát triển của ngành đường sắt.

Bộ trưởng Trương Quang Nghĩa giao Vụ An toàn giao thông khẩn trương phối hợp với các địa phương, rà soát, cắm biển hạn chế tốc độ tại những vị trí điểm đen thường xuyên xảy ra TNGT mà chưa có nguồn lực để xử lý.

Được biết, trong 2 tháng đầu năm 2017, cả nước xảy ra 73 vụ TNGT đường sắt, làm chết 36 người và bị thương 70 người. TNGT đường sắt tăng cả 3 tiêu chí. Đáng nói, trong số này có những vụ tai nạn đường sắt đặc biệt nghiêm trọng xảy ra cùng thời điểm.

Nguyên nhân các vụ tai nạn chủ yếu vẫn do người dân vi phạm quy định pháp luật khi qua khu vực giao cắt đường sắt - đường bộ. Tuy nhiên, việc có quá nhiều điểm giao cắt đồng mức giữa đường sắt và đường bộ (gần 5.800 điểm, tỷ lệ lối đi dân sinh chiếm 74%) cũng là nguyên nhân dẫn tới tai nạn và 80% số vụ TNGT đường sắt xảy ra tại các điểm giao cắt này.

Hiện nay có 20 tỉnh tổ chức cảnh giới 183 điểm đen TNGT đường sắt, 13 tỉnh có đường sắt đi qua gần như “không động tĩnh gì”, có địa phương tổ chức cảnh giới nhưng lại để phát sinh thêm các đường dân sinh.

Cục Cảnh sát giao thông cho biết cần tăng cường cảnh giới tại các điểm giao cắt có nguy cơ cao xảy ra tai nạn. Cần rà soát, xem xét lại cụ thể cũng như quy định rõ thời gian, hình thức cảnh giới… Các địa phương cần tổ chức cảnh giới 24/24h, nếu không những điểm giao cắt trên sẽ thành cái “bẫy” đối với người tham gia giao thông và dễ xảy ra tai nạn.

C.N.Q