“Hạn chế biếu quà có tính chất tiêu cực”
(Dân trí) - Việc hạn chế biếu quà có tính chất tiêu cực dịp Tết là một trong những nhiệm vụ được Chính phủ đặt ra. Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, những ai biếu quà có tính chất tiêu cực đều phải xử lí nghiêm.
Những vấn đề trên được ông Nguyễn Xuân Phúc thông tin trong buổi họp báo sau phiên họp Chính phủ, chiều 1/2.
Trọng tâm tháng 2 là... phục vụ Tết
Ông Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Chính phủ đánh giá, kinh tế thế giới và trong nước có dấu hiệu phục hồi. Cân đối vĩ mô trong nước được bảo đảm, công nghiệp tăng 28,6%, ngành dịch vụ phát triển tốt… Tuy nhiên, cũng có những tồn tại cần giải pháp khắc phục, chẳng hạn nguy cơ tái lạm phát, nhập siêu cao (26%)…
Ông Nguyễn Xuân Phúc: việc cấm quà biếu "nhắm" vào những hình thức biếu quà có tính chất tiêu cực, lạm dụng công quĩ
Phát biểu kết luận phiên họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng lưu ý, cần tập trung quản lí giá cả, chất lượng hàng hoá. Tạo điều kiện cho sản xuất kinh doanh phát triển, đặc biệt là giải ngân nguồn vốn ngân sách, vốn FDI, ODA; đảm bảo vốn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ vay.
Chính phủ xác định, nhiệm vụ trọng tâm tháng 2 là phục vụ tết cho nhân dân với tinh thần lo Tết như lo nhiệm vụ chính trị của quí I cũng như của cả năm.
Dự kiến, nhu cầu hàng hoá trong tháng này sẽ tăng 20 - 30% so với tháng 1, đặc biệt là lương thực, thực phẩm. Về khả năng đáp ứng, dự trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm được khẳng định rất lớn, trong đó riêng gạo có tới 1,5 - 1,8 triệu tấn trong kho.
Phó Thủ tướng yêu cầu, không để giá cả tăng vọt trong dịp Tết. Đảm bảo cho người dân ăn uống đầy đủ, đi lại an toàn, chăm lo cả đời sống vật chất và tinh thần, đặc biệt là đối với người dân vùng sâu, vùng sa.
Về vấn đề quà biếu tết, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Nguyễn Xuân Phúc cho biết, việc cấm quà biếu "nhắm" vào những hình thức biếu quà có tính chất tiêu cực, lạm dụng công quĩ, không hạn chế tặng quà theo truyền thống và phong tục.
Cũng theo ông Phúc, chúng ta đã có chỉ thị của Thủ tướng về vấn đề cấm quà biếu. Việc giám sát thực hiện cần được tiến hành bởi cán bộ công đoàn, công chức trong các cơ quan. “Chế tài đã có, ai vi phạm đều phải xử lí nghiêm”, ông Phúc nhấn mạnh.
“Nhập khẩu đường vì lợi ích của 80 triệu dân”
Trả lời câu hỏi về mối lo ngại tăng trưởng tín dụng trong tháng 1 thấp (1%), Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước, Nguyễn Đồng Tiến cho rằng, tháng đầu năm, các đơn vị tập trung cho tổng kết, xây dựng kế hoạch.
Hơn nữa, theo ông Tiến tăng trưởng tín dụng 1% cũng không phải là thấp so với mọi năm (2005: tăng1,4%; 2006: giảm 1%; 2007: tăng 0.9%; 2009: tăng 0,65%).
“Mức tăng như vừa qua là có tính qui luật trong hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động tài chính ngân hàng”, ông Tiến khẳng định.
Liên quan đến vấn đề phải nhập khẩu đường, Thứ trưởng Bộ Công thương, Nguyễn Thành Biên cho biết, do ảnh hưởng của các cơ bão số 8, 9 cũng như năng suất của vụ mùa vừa qua nên đã có sự thâm hụt đường cho nhu cầu sản xuất, tiêu dùng.
Chinh vì vậy, Bộ NN và PTNT cùng Bộ Công thương đã đề xuất và được Chính phủ cho phép nhập khẩu 150 ngàn tấn đường phục vụ nhu cầu của các doanh nghiệp sản xuất hàng hoá có sử dụng nhiều đường như Vinamilk, Công ty bánh kẹo, nước giải khát.
Tuy nhiên, giá cả trong nước vẫn không giảm mà vẫn đứng hoặc có thời điểm tăng ở mức cao. Mới đây, Bộ NN và PTNT đã kiến nghị nhập khẩu 100.000 tấn đường, trong đó có đường cho mục đích thương mại và cả đường nguyên liệu cho các nhà máy đường.
Hiện Bộ Công thương đang xem xét kiến nghị Chính phủ cho phép nhập khẩu 50.000 tấn đường nhằm can thiệp thị trường. Ngoài ra, nhập khẩu một lượng đường cho các nhà máy bánh kẹo, nước ngọt cũng như một lượng đường thô cho nhà máy đường Tuy Hoà.
“Chúng tôi không có chủ trương nhập khẩu đường ảnh hưởng đến bà con nông dân cũng như sản xuất của các nhà máy đường. Việc cân đối nhập khẩu được thực hiện vì lợi ích của 80 triệu dân, chứ không vì lợi ích của nhóm nào”, ông Biên khẳng định.
Trả lời câu hỏi về đề nghị tăng mức phạt đối với vi phạm giao thông tại 2 thành phố lớn, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Nguyễn Xuân Phúc cho biết, cá nhân ông và nhiều thành viên Chính phủ cho rằng, đây là việc làm cần thiết. Tuy nhiên, vấn đề này liên quan đến Pháp lệnh xử phạt vi phạm hành chính cho nên Chính phủ đã giao Bộ GTVT đối chiếu, so sánh với các điều khoản của Pháp lệnh này để có hướng giải quyết, báo cáo Chính phủ với tinh thần, không vi phạm pháp luật, nhưng vẫn thực hiện được với những điều kiện cụ thể. |
Cấn Cường