1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Hai nỗi sợ của ông bộ trưởng thích "vi hành"

Nhiều người gọi ông Mai Ái Trực là bộ trưởng thích vi hành, báo chí mệnh danh là Bộ trưởng gần dân, cán bộ dưới quyền gọi ông là người hay "vẽ" việc. Còn ông nói một cách giản dị là muốn đi và nghe dân nói...

Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Mai Ái Trực vừa có cuộc trò chuyện đầu xuân Đinh Hợi.

Sợ quan liêu

Ông được mệnh danh là một Bộ trưởng gần dân nhưng cương vị ngày hôm nay của ông cũng... từ dưới lên: từ một nhà giáo, một nhà báo (Tổng biên tập Đài PT tỉnh Nghĩa Bình), Chánh văn phòng Tỉnh ủy, Phó chủ tịch, Chủ tịch UBND, Bí thư Tỉnh uỷ Bình Định rồi... Bộ trưởng?

Thông thường ở các nước, các chính khách, trong đó có bộ trưởng, không nhất thiết là người làm việc trong bộ máy nhà nước từ dưới rồi được đề bạt dần lên, chẳng hạn từ chuyên viên lên phó phòng, rồi trưởng phòng, phó chủ tịch huyện rồi chủ tịch huyện, cứ như thế cho đến chủ tịch, bí thư, bộ trưởng. Ở họ, bộ trưởng có thể là nhà khoa học, nhà giáo, doanh nhân, người hoạt động xã hội, nghị sĩ.... Sau đó một thời gian người ta không giữ chức nữa, trở lại công việc đã làm trước đó hoặc chuyển sang làm việc khác. Cũng có người giữ chức vụ cao hơn hoặc thấp hơn trong bộ máy nhà nước hoặc một thời gian sau lại làm bộ trưởng của một bộ khác…

Vậy có phải lên trung ương ông sợ quan liêu nên mới hay tìm cơ hội gần dân như thế?

Hơn 10 năm lăn lộn cùng với dân trong chiến trường miền Nam và 16 năm làm báo, tôi thấy không dựa vào dân, không nghe dân nói thì rất dễ sai lầm. Chính vì vậy, khi làm quản lý, lãnh đạo, tôi nghĩ là mình phải tìm cách để nghe được tiếng nói của dân, nghe càng nhiều càng tốt. Nghe để biết dân người ta có ý kiến gì về công việc mình đang quản lý, lãnh đạo, nghe để biết mình quản lý, lãnh đạo như vậy có hợp không, để biết dân yêu cầu phải điều chỉnh như thế nào và tâm tư nguyện vọng của họ ra sao...

Có một thứ tôi nghĩ người lãnh đạo cần phải luôn đề phòng là quan liêu - làm lãnh đạo là dễ quan liêu lắm. Khi từ đời thường vào làm lãnh đạo, anh sẽ hiểu cuộc sống hơn, xử lý công việc mang hơi thở cuộc sống hơn. Cón cứ hết cơ quan này lên cơ quan khác trong bộ máy nhà nước, lại không chịu gần dân, nghe dân thì không những quan liêu mà đến khi về hưu tự mình cũng thấy có cái gì đó xa cuộc sống thường nhật.

Tôi ví dụ, có không ít trường hợp khi đang tại chức, lại là lãnh đạo nữa, làm thủ tục đã có sẵn người lo, chẳng thấy khó khăn gì, nhưng lúc về làm dân rồi mới ''ngã ngửa'' ra khi thấy thủ tục khổ sở thế nào...

Ông đã tìm cách đi và nghe dân nói thế nào, thưa bộ trưởng?

Hồi năm 1999, khi còn làm chủ tịch Bình Định, tôi đi kiểm tra tình hình lũ lụt ở Hoài Ân, thấy một đám cưới dò dẫm từng bước trên con đường liên huyện trơn trượt bùn lầy, còn cô dâu thì quần áo dài be bét bùn.

Làm chủ tịch tỉnh mà để giao thông như thế thì còn mặt mũi nào. Sáng hôm sau, tôi gọi điện thoại trao đổi với Bí thư Tỉnh ủy và Thường trực HĐND tỉnh, sau đó tham khảo ý kiến một số chủ tịch huyện về việc bê tông hóa giao thông nông thôn.

Chuyện bức xúc, ai cũng đồng tình nên trong trong ngày hôm đó, tôi đã quyết định hỗ trợ xi măng làm đường liên xã, liên thôn với mức hỗ trợ mỗi cây số 200 tấn xi măng, đoạn ngập lụt thì 250 tấn. Các huyện, xã vận động dân góp công góp sức để có cát, sạn và thuê đơn vị xây dựng, nhân công tại địa phương làm đường, nêu thiếu ngân sách huyện, xã hỗ trợ. Mà phải làm đường cho xe ôtô chở vật liệu, hàng hóa trong nông thôn đi được.

Cơ chế làm đường rất rõ ràng: xã làm bao nhiêu km đường thì đăng ký với huyện, huyện đăng ký với tỉnh, khi làm đường chỉ cần báo cho Nhà máy xi măng của tỉnh đặt tại Diêu Trì (huyện Tuy Phước) chở đến tận nơi. Tôi còn yêu cầu anh em chở xi măng xuống xã cũng không đi ''uống nước và giao lưu'' để... tránh tiêu cực.

Sau này, Tỉnh ủy bàn, HĐND ra nghị quyết phải thực hiện bê tông hóa đường liên xã, liên thôn trong vài ba năm. Cho đến nay anh em phản ảnh hầu hết đường làm theo kiểu đó vẫn rất tốt. Còn con đường liên huyện mà tôi nói thì tỉnh đầu tư ngay trong năm sau. Tiền ngân sách dù nguồn nào thì suy cho cùng cũng là của dân chứ tiền gì của chủ tịch nhưng mà phải bỏ vào trúng chỗ, trúng cái mà người dân đang cần.

Thời gian làm Bí thư Bình Định, tôi đề nghị Tỉnh ủy ra nghị quyết về 8 chương trình hành động để thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2000 - 2005, trong đó có chương trình hướng về cơ sở. Trong chương trình này có quy định mỗi cán bộ lãnh đạo từ phó giám đốc sở trở lên, mỗi quý có 3 ngày ở với dân để nắm tình hình và báo cáo Thường trực Tỉnh ủy sau chuyến đi. Bí thư ký nên phải đi trước. Tôi lên ở với đồng bào dân tộc một xã vùng cao huyện An Lão trong 3 ngày.   

Đừng nghĩ là làm việc ở trung ương, ở tỉnh mới quan liêu, còn ở huyện, ở xã thì không quan liêu. Cũng đừng nghĩ rằng ở chung với dân, thường gặp dân là không quan liêu. Có không ít cán bộ ở tại cơ sở, thường xuyên đi cơ sở mà chẳng hiểu dân hoặc chỉ kể tòan chuyện thực tế này thực tế nọ, nhưng chẳng rút ra điều gì có ích. Thật là, “biết rồi, nói mãi, khổ lắm”...

Sợ thiếu thời gian 

Ông nổi tiếng là một bộ trưởng biết tận dụng thế mạnh của công nghệ thông tin trong công việc? Cách đây khoảng 2 năm rưỡi, ông là vị Bộ trưởng đầu tiên nhận lời giao lưu trực tuyến và sau đó bàn tròn trực tuyến với bạn đọc. Ông đánh giá thế nào về ''công cụ mạng'' đối với công việc của mình?

Tôi nghĩ mình không có đủ thời gian để đi cơ sở nên tranh thủ có “cái anh mạng" này để được giao lưu thì tốt quá. Cho nên, sau các cuộc giao lưu trực tuyến, tôi yêu cầu các đơn vị có liên quan của Bộ TN&MT tự tổ chức làm giao lưu trực tuyến. Trang tin điện tử của Bộ (www. monre.gov.vn) đã có, máy tính có thể sắm thêm, lại có Trung tâm tin học thuộc văn phòng Bộ lo phần kỹ thuật nên cứ làm. Lúc đầu làm thử trong nội bộ cơ quan Bộ, sau đó tổ chức buổi giao lưu trực tuyến đầu tiên với các Sở TNMT và với người dân và doanh nghiệp cả nước theo quý.

Và hiện tại thì người dân và doanh nghiệp cả nước có kết nối với Bộ TN&MT về các lĩnh vực do Bộ TN&MT quản lý (đất đai, môi trường, nước, khoáng sản, khí tượng thuỷ văn, đo đạc bản đồ- PV) và sẽ được trả lời thường xuyên trong giờ hành chính trên mạng qua một tổ công tác dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Bộ trưởng.

Vậy, sau các chuyến ''vi hành'' gắn liền với tên tuổi Bộ trưởng như: kiểm tra tình hình thi hành Luật đất đai tại nhiều địa phương, chuyến khảo sát làng ung thư Thạch Sơn, làng ung thư Minh Đức...; sau những buổi giao lưu trực tuyến, những cuộc điện thoại; email; đơn thư... của người dân sẽ là...?

Đầu năm 2005, tôi cũng có Chỉ thị số 01 về việc cải cách thủ tục hành chính, hướng về địa phương và cơ sở. Gần dân không phải là việc nhất thời đơn lẻ mà phải là một chuỗi (trực tiếp gặp dân, công bố hộp thư điện tử, điện thoại di động trên báo, đối thoại trực tiếp...).

Hiệu quả rõ rệt là, qua việc này, đứng về mặt cơ chế chính sách đã liên tục được cập nhật và  điều chỉnh phù hợp. Nghị định 17/2006/NĐ-CP ra đời cũng chính là từ việc tiếp xúc với dân và doanh nghiệp. Một Nghị định mới về sửa đổi bổ sung một số điều để hướng dẫn rõ hơn về thi hành Luật đất đai sắp ban hành cũng xuất phát từ tiếp nhận thông tin bên dưới và chắc chắn sẽ  giải quyết được rất nhiều vấn đề (đất đai-PV)

Đi nhiều, nghe nhiều, làm nhiều, ông thấy có điều gì đáng quan tâm nhất trong quan hệ với dân hiện nay?

Tôi thấy trong nhiều lĩnh vực rõ ràng có một khoảng cách quá lớn giữa chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước với việc tổ chức thực hiện. Mà khoảng cách này đang bị những người thiếu trách nhiệm, tiêu cực tạo nên. Nhiều khi, thủ tục hành chính rất đơn giản nhưng người thực hiện lại làm cho phức tạp lên.

Trước mắt, ông sẽ tiếp tục làm gì cho người dân trong lĩnh vực mà ông quản lý?

Tôi sẽ dành thời gian 6 tháng đầu năm 2007 để đi công tác địa phương kiểm tra tình hình xử lý quy hoạch treo, dự án treo, thực hiện bảo vệ môi trường...Rồi sẽ chỉ đạo để chuẩn bị cho 6 tháng cuối năm kiểm tra việc sử dụng đất của các cơ quan hành chính, sự nghiệp, doanh nghiệp nhà nước. Lãng phí đất và sử dụng đất sai mục đích ở đây nhiều lắm đó.

Về thủ tục hành chính, tôi sẽ dành thời gian xem lại các thủ tục hành chính có gì rắc rối, phiền hà, rườm rà thì bỏ bớt đi. Đồng thời, tiếp tục kiểm tra thực thi thủ tục hành chính. Người dân than phiền nhất vẫn là người thực thi chứ không phải là thủ tục. Chỗ nào quá đáng thì cũng phải lên tiếng với người có trách nhiệm quản lý cán bộ. Tôi lúc nào cũng muốn tất cả cán bộ trong ngành tài nguyên và môi trường, dù tôi không quản lý trực tiếp đều phải nghiêm chỉnh, đừng hành dân. Dân kêu ca thì Bộ trưởng có vui gì. Nhiều việc lắm, chỉ sợ thiếu thời gian.

Hình như ông cũng sắp rời cương vị Bộ trưởng, ông sẽ làm gì sau khi nghỉ, có tham gia cố vấn không?

Không phải hình như mà là sẽ rời khi Quốc hội khóa 12 phê chuẩn danh sách thành viên Chính phủ nhiệm kỳ 2007 - 2012. Mình nghỉ thì nghỉ hẳn để anh em làm, cố vấn làm gì. Nhưng mà không để đầu óc ở không đâu. Còn làm gì thì chưa tính. Chắc chắn là không kinh doanh vì không có gen này. Sau khi được nghỉ sẽ làm những việc mà lâu nay ít có thời gian để làm: đi thăm bà con, gặp lại ngững người đã từng đùm bọc trong kháng chiến, đọc sách, tham quan cảnh đẹp đất nước và chơi với các cháu nội ngoại ... Chỉ sợ không đủ thời gian.

Xin cảm ơn Bộ trưởng!

Theo Kiều Minh
VietNamnet