Đồng Nai:

Hai ngày, nguồn nước ô nhiễm "cướp trắng" 10 tỷ đồng

(Dân trí) - Chỉ trong 2 ngày, hơn 200 tấn cá chết hàng loạt tại làng bè trên sông Đồng Nai khiến người nuôi cá thiệt khoảng 10 tỷ đồng. Nguyên nhân là do nguồn nước bị ô nhiễm nhưng cơ quan chức năng lại chưa xác định được nguồn gây ô nhiễm.

Ngày 6/1, ông Châu Văn Hiệp, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hiệp Hòa (TP Biên Hòa, Đồng Nai) cho biết: “Từ ngày 4 – 5/1, đã có trên 200 tấn cá của người dân làng cá bè trên sông Cái, một nhánh thuộc sông Đồng Nai, bị chết. Tình trạng cá của dân làng bè bị chết đã nhiều lần xảy ra, song thiệt hại đợt này là nghiêm trọng nhất trong 5 năm qua”.

Cá chết nổi trắng lồng bè nuôi
Cá chết nổi trắng lồng bè nuôi

Theo ông Hiệp, hiện có 215 hộ nuôi cá tại làng bè bị thiệt hại, trong đó nhiều hộ bị chết trên 20 tấn cá, thiệt hại về kinh tế dân làng bè phải gánh chịu khoảng 10 tỷ đồng.

Với người làng bè, cá là nguồn thu nhập chính, nhiều hộ phải vay mượn để đầu tư bè nuôi cá. Sau vụ cá chết, không ít gia đình rơi vào cảnh trắng tay.

Những con cá lớn còn sống được người nuôi chọn riêng đem bán vớt vát chút ít vốn.
Những con cá lớn còn sống được người nuôi chọn riêng đem bán vớt vát chút ít vốn.

Các cơ quan chức năng của tỉnh Đồng Nai đã đến làng bè hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả, lấy mẫu nước đưa đi xét nghiệm để làm rõ nguyên nhân.

Theo kết quả khảo sát của Chi cục Thủy sản Đồng Nai, cá chết tại làng bè Biên Hòa chủ yếu là cá diêu hồng và cá chép.

Kết quả đo mẫu nước tại làng bè cho thấy, hàm lượng ôxy hòa tan trong nước (DO) là 2mg/l. Trong khi đó, để cá sinh trưởng và phát triển thì hàm lượng DO phải trên 3mg/l, dưới ngưỡng này cá giảm ăn, hoạt động bất thường và chết.

Bà Phạm Thị Kiều Diễm, Trưởng Phòng quản lý Nuôi trồng, Phát triển thủy sản (Chi cục Thủy sản Đồng Nai) nhận định: “Cá tại làng bè bị chết hàng loạt là do nước khu vực này có hàm lượng DO thấp. Tuy nhiên, để xác định được nguồn ô nhiễm khiến nồng độ ôxy hòa tan tại các bè cá giảm thì cần chờ kết quả xét nghiệm. Bởi theo cơ chế, nồng độ oxy hòa tan trong nước sụt giảm do nhiều nguyên như: ô nhiễm hữu cơ sinh học, ô nhiễm hóa học, sự biến động đột ngột của thời tiết và dòng chảy…”.

Vĩnh Thủy