1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Đắk Nông:

Hai mẹ con voi rừng bỏ đi sau 3 tháng quậy phá dân

(Dân trí) - Sau hơn 3 tháng phá nát nhiều diện tích hoa màu, nhà cửa, uy hiếp tính mạng người dân thôn 20, xã Đắk Drông, huyện Cư Jút, Đắk Nông, hai mẹ con voi rừng đã bỏ đi.

Một chòi rẫy ở xã Đắk Drông, huyện Cư Jút, Đắk Nông bị voi rừng phá tung vào đầu tháng 12 này.
Một chòi rẫy ở xã Đắk Drông, huyện Cư Jút, Đắk Nông bị voi rừng phá tung vào đầu tháng 12 này.

Nguồn tin trên được ông Trần Văn Thành, Chủ tịch UBND xã Đắk Drông cho biết vào sáng 25/12. Trước đó như Dân trí đã đưa tin, hơn 3 tháng nay tại xã Đắk Drông xuất hiện 3 cá thể voi rừng, gồm 1 voi đực, 1 voi cái và 1 voi con di chuyển từ vùng lõi Vườn quốc gia Yok Đôn đến xã Đắk Drông để kiếm ăn. Tại đây, sau khi xuất hiện vài lần thì voi đực mất hút, chỉ còn lại voi mẹ và voi con.

Mặc cho cơ quan chức năng và người dân quyết liệt triển khai các biện pháp xua đuổi, nhưng hàng đêm 2 mẹ con voi rừng vẫn hung hãn kéo ra sát khu dân cư phá hoại hoa màu, nhà cửa. Trước khi rút vào rừng, chúng đã phá ít nhất 2 căn nhà gỗ, 7-8 chòi rẫy, cùng nhiều diện tích mía, mì, ngô…

Trao đổi thêm về vấn đề này, ông Huỳnh Trung Luân - Giám đốc Trung tâm Bảo tồn voi Đắk Lắk - cho biết hiện chỉ ghi nhận 2 cá thể voi rừng này di chuyển vào rừng, nhưng chưa chắc chúng rút về lâm phần Vườn quốc gia Yok Đôn. Và không loại trừ khả năng voi rừng quay lại kiếm ăn theo bản năng.

Trước đó, vào đầu trung tuần tháng 12, trên địa bàn thôn 6, thị trấn Ea Súp (huyện Ea Súp, Đắk Lắk) cũng xuất hiện một đàn voi rừng hơn 20 cá thể kéo về sát bìa rừng, tiến sâu vào trong vùng canh tác hoa màu của người dân để kiếm ăn. Trước khi bỏ đi, chúng đã phá nát khoảng 12 ha hoa màu.

Theo các chuyên gia về bảo tồn voi, việc voi rừng thường xuyên kéo về khu dân cư phá hoại là hệ quả tất yếu của những cánh rừng khộp bị xâm hại, dẫn đến môi trường sống, hành lang di chuyển của voi bị thu hẹp. Trong khi đó, nguồn thức ăn trong Vườn quốc gia Yok Đôn, nơi sống của voi được dự báo là đã cạn kiệt, không còn đáp ứng đủ nhu cầu như trước.

Các chuyên gia khuyến cáo, nếu voi trở về thường xuyên, người dân nên chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trồng những loại cây trồng mà voi không ưa thích. Còn về lâu dài, cần có bản đồ quy hoạch vùng voi về, để từ đó có biện pháp xua đuổi hiệu quả, tránh xung đột giữa voi và người.

Viết Hảo