1. Dòng sự kiện:
  2. Thành phố Thủ Đức
  3. Máy bay quân sự rơi ở Bình Định

Nghệ An:

Hai mẹ con chết vì ăn thịt cóc

Khoảng 10h30 sáng, chị Lê Thị Nhường (vợ anh Đông) đem số cóc mà cả gia đình đi bắt tối hôm trước ra để làm thịt. Khi bữa cơm chưa xong thì các con rồi đến mẹ lần lượt nôn mửa, mặt xanh và lịm dần.

Dù chuyện đau lòng của gia đình anh Nguyễn Đăng Đông (làng Đấn, xã Nghĩa Lâm, Nghĩa Đàn, Nghệ An) đã trôi qua hơn một tuần nhưng đây là tiếng chuông cảnh báo về “cái bẫy” chết người luôn nằm trong miếng thịt cóc thơm ngon bổ dưỡng ấy...

Hai cái chết trong một mâm cơm

Sau mấy hôm liền làng Đấn mưa dầm, sáng ngày 31/12/2005 trời bỗng hửng nắng. Anh Nguyễn Đăng Đông cùng hai đứa con lớn sang xã Nghĩa Minh (Nghĩa Đàn) cách nhà độ 10 km để chặt mía thuê.

Như thường lệ, đến khoảng 10h30 sáng, chị Lê Thị Nhường (vợ anh Đông) đem số cóc mà cả gia đình đi bắt tối hôm trước ra để làm thịt. “Tối qua các cháu bắt được nhiều, tui cố gắng làm cho hết mà ăn luôn…” - anh Nguyễn Đăng Phương (em trai anh Đông) kể lại lời chị Nhường đã nói như vậy khi anh Phương sang nhà.

Bữa cơm trưa được dọn ra, bốn mẹ con chị tíu tít bên mâm cơm thơm nức mùi thịt cóc và gắp ăn tới tấp. Khi bữa cơm chưa xong thì các con rồi đến mẹ lần lượt nôn mửa, mặt xanh và lịm dần. Hàng xóm phát hiện được rồi chạy qua cùng hô hoán mọi người đưa cả bốn nạn nhân đi cấp cứu ở bệnh viện Nghĩa Đàn.

Nhận được điện thoại, từ Nghĩa Minh bố con anh Đông chạy xuống đến bệnh viện và không tin nổi mắt mình khi phải chứng kiến đứa con trai trút hơi thở cuối cùng, một tiếng rưỡi sau người vợ thân yêu cũng lìa đời. Hai người con còn lại thì phải cấp cứu tích cực trong thời gian lâu sau mới qua khỏi nguy kịch.

Bác Lê Văn Điều là người hàng xóm vẫn chưa vơi nỗi buồn, kể lại: “Một đám tang mà có hai quan tài, hai người sức khỏe nguy kịch, con nheo nhóc khóc than… Tui thổi kèn đưa tiễn họ về nơi chín suối mà nước mắt cứ chảy dài. Không biết rồi các cháu sẽ sống ra răng khi thiếu mẹ”.

Khuôn mặt đẹp ngây thơ hiện rõ trên di ảnh cháu Nguyễn Đăng Giang (15 tuổi) đặt cạnh tấm ảnh người mẹ khắc khổ của 6 đứa con thơ. Cũng có khuôn mặt thật đẹp như người anh không còn sống, Nam (13 tuổi) và Đàn (11 tuổi) lê bước chân vô hồn sau buổi tan học về nhà.

Dù rất may mắn thoát chết trong trận ngộ độc hôm đó nhưng trước nỗi mất mát lớn như thế làm tâm hồn ngây thơ của chúng bị biến mất, không màng ăn uống, không khóc cũng chẳng nói câu nào.

“Thuốc độc” từ món thực phẩm chính

Nghĩa Lâm là một trong những xã miền núi vùng sâu khu vực tây bắc huyện miền núi Nghĩa Đàn (Nghệ An). Nằm trong một thung lũng bán sơn địa với những xóm làng nằm sát bên những cánh đồng. Ở đây khí hậu quanh năm luôn ẩm ướt là điều kiện lý tưởng cho cóc sinh sôi và phát triển, đã cung cấp cho bà con vùng này món thực phẩm dồi dào.

Riêng ở làng Đấn, theo bác Điều và những người dân cho biết thì có trên 90% số hộ thường xuyên ăn thịt cóc. Xa chợ, không phải lúc nào thực phẩm cũng sẵn và nhất là điều kiện kinh tế nghèo như nơi đây thì thịt cóc đã cứu cánh cho họ về khoản thực phẩm thường ngày, nhất là “giúp các cháu không bị gầy yếu, đứa nào cũng khỏe mạnh, da thịt đỏ tươi...”.

Tại đây kỹ thuật và những kinh nghiệm bắt và làm thịt cũng như chế biến cóc làm thức ăn đã rất quen và gần như thành truyền thống của người dân nơi đây, từ trước đến nay duy nhất cũng chỉ xảy ra vụ ngộ độc dẫn đến cái chết của hai mẹ con chị Nhường mà thôi - anh Đông nói.

Cũng theo anh Đông thì nguyên nhân của vụ ngộ độc ấy là do trong lúc làm thịt cóc, vợ anh đã không rửa sạch hết trứng, mà trứng cóc thì cực kỳ độc. Sau cái chết của hai mẹ con chị Nhường, cuộc sống gia đình anh Đông vốn đã khó khăn càng thêm túng quẫn.

Trong túp nhà hai gian vách bằng nan nứa vẹo xiêu, gió thổi vào từng cơn làm cho chiếc bàn thờ bé xíu chênh vênh trên vách thêm buồn lạnh. Mong sao nỗi mất mát này đổi được sự nhận thức đúng đắn của bà con khi sử dụng thịt cóc.

Theo Đào Nguyên Thuận, Lê Bá Liễu
Vietnamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm