Hai lớp “lô cốt” bao quanh công trình 8B Lê Trực
(Dân trí) - UBND phường Điện Biên vừa cho dựng hàng rào tôn mới “ôm trọn” vỉa hè phía trước tòa nhà 8B Lê Trực, gây ảnh hưởng đến việc đi lại của người dân, dù phương án phá dỡ phần vi phạm của giai đoạn 2 vẫn chưa được phê duyệt.
Hơn 4 năm sau khi hoàn thành “cắt ngọn” tòa nhà 8B Lê Trực, đến nay, TP Hà Nội vẫn chưa được đưa ra phương án phá dỡ giai đoạn 2. Nhưng những ngày gần đây, phường Điên Biên cho dựng hàng rào tôn mới chiếm hết vỉa hè trước tòa nhà 8B Lê Trực. Việc này gây khó khăn cho người dân sống quanh khu vực khi muốn đi bộ qua đây là bị "đẩy" xuống đường.
“Quá trình phá dỡ phần vi phạm giai đoạn 2 tòa nhà 8B Lê Trực đắp chiếu nhiều năm nay ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân trong khu vực. Nay hàng rào tôn lại lấn toàn bộ vỉa hè, đẩy người đi bộ xuống đường mỗi khi đi qua khu vực tòa nhà 8B Lê Trực”, bà Nguyễn Thị Hạnh, sống ở trên phố Kim Mã nói.
Ông Nguyễn Chí Trung - Chủ tịch UBND phường Điện Biên (quận Ba Đình, Hà Nội) cho biết, quận chỉ đạo phường làm rào chắn là để bảo vệ công trình chứ không phải rào chắn để phá dỡ giai đoạn 2 của tòa nhà.
“Rào chắn cũ của chủ đầu tư xuống cấp nên phường lập rào chắn mới. Trước mắt chúng tôi làm cẩu tháp, còn phá dỡ giai đoạn 2 thì phải chờ cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án”, ông Trung nói.
Thực tế, vài ngày trước khi phường Điện Biên làm rào chắn chạy dọc khu đất của tòa nhà 8B Lê Trực, chủ đầu tư dự án này đã phá dỡ rào cũ, lập hàng rào mới bằng tôn màu đỏ rất chắc chắn. Hàng rào này nằm sát mép tòa nhà 8B Lê Trực chứ không “ôm trọn” vỉa hè như của phường Điện Biên.
Trước đó, UBND TP Hà Nội có công văn gửi sở ngành và quận Ba Đình yêu cầu xử lý dứt điểm vi phạm trật tự xây dựng công trình số 8B Lê Trực, bảo đảm an toàn công trình và quyền lợi hợp pháp của bên liên quan.
Trong công văn, UBND TP Hà Nội cho biết, thời gian qua đã có nhiều văn bản chỉ đạo, tổ chức nhiều cuộc họp để triển khai việc phá dỡ công trình vi phạm trật tự xây dựng tại số 8B Lê Trực.
Tuy nhiên, do khó khăn trong việc phá dỡ công trình cao tầng, cũng như các sở, ngành liên quan, UBND quận Ba Đình chưa quyết liệt triển khai nên công tác xử lý bị chậm trễ. Vì vậy, UBND TP Hà Nội yêu cầu Sở Xây dựng, UBND quận Ba Đình nghiêm túc rút kinh nghiệm.
UBND TP Hà Nội yêu cầu UBND quận Ba Đình căn cứ ý kiến của Bộ Xây dựng, khẩn trương làm thủ tục tháo dỡ giai đoạn 2 theo thẩm quyền, quy định và chỉ đạo.
UBND TP yêu cầu UBND quận Ba Đình thực hiện nghiêm ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, xử lý dứt điểm, bảo đảm an toàn công trình và quyền lợi hợp pháp của các bên liên quan; khẩn trương xử lý công trình, bộ phận công trình vi phạm đảm bảo đúng hạn.
Quang Phong